Phó Chủ tịch TP HCM Trần Vĩnh Tuyến: 'Doanh nghiệp bán đất xong đi hết, thành phố phải giải quyết hậu quả vì người mua là dân nghèo'

Ông Tuyến nói thị trường BĐS rất phức tạp, nhiều doanh nghiệp lợi dụng để kinh doanh dù chưa có đầy đủ pháp lí. Một thực trạng đáng chú ý là không ít dự án "chưa có gì" đã rao bán.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng nói sự phát triển của TP HCM có đóng góp rất lớn của doanh nghiệp, trong đó phần không thể thiếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, và nhắc nhở các sở, ngành hỗ trợ, giải quyết vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thủ tục đầu tư.

Tại buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến với Hiệp hội bất động sản TP HCM chiều 23/1, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng thị trường địa ốc TP HCM năm 2019 sẽ rất khó khăn, trong đó đáng chú ý là việc thành phố đang rà soát lại hồ sơ pháp lí các dự án. Nhiều khả năng trong giai đoạn 2019-2020, thành phố sẽ khó có các dự án mới đưa ra thị trường.

Với việc rà soát hồ sơ pháp lí của một số dự án thời gian qua, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến kêu gọi các doanh nghiệp BĐS "bình tĩnh". Đây là việc làm hết sức bình thường.

pho chu tich tp hcm tran vinh tuyen doanh nghiep ban dat xong di het thanh pho phai giai quyet hau qua vi nguoi mua la dan ngheo
Theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, việc thành phố rà soát lại tính pháp lí của một số dự án thời gian qua là điều bình thường và không để ảnh hưởng đến quyền lợi các doanh nghiệp. (Ảnh: TT).

"Tôi mong muốn các doanh nghiệp cần bình tĩnh. Lãnh đạo thành phố luôn đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Những sai sót pháp lí thuộc về cán bộ quản lý nhà nước sẽ bị xử lí, không để ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp", ông Tuyến nói.

Trường hợp thất thoát đất công, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, hồ sơ pháp lí và thực hiện đầy đủ qui định của nhà nước. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp và có yếu tố lịch sử quản lí, nên việc giải quyết trong một sớm một chiều là rất khó khăn.

Ông Tuyến cũng nói thị trường BĐS rất phức tạp, nhiều doanh nghiệp lợi dụng để kinh doanh dù chưa có đầy đủ pháp lí. Một thực trạng đáng chú ý là không ít dự án "chưa có gì" đã rao bán.

"Người mua lại là những bà con lao động nghèo khắp nơi về thành phố làm việc. Doanh nghiệp bán xong rồi đi hết. Chính quyền thành phố phải đứng ra giải quyết hậu quả để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo", ông Tuyến nói.

Chính vì vậy thời gian qua, thành phố đã có chỉ đạo việc công khai minh bạch bằng ứng dụng điện tử về thông tin hồ sơ pháp lí dự án BĐS, để người dân, doanh nghiệp tìm hiểu, tra cứu thông tin rõ ràng trước khi quyết định đầu tư.

Đại diện một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn như TTC Land, Phú Long, Hưng Thịnh, Vietcomreal Lê Thành, Quốc Cường Gia Lai... cùng gửi kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc, như đền bù giải tỏa, tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng hạ tầng, tiền sử dụng đất, đầu tư nhà ở xã hội...

Cụ thể, CTCP Địa ốc Phú Long cho biết, công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ năm 2004, đã thanh toán đủ tiền trúng đấu giá và đã được cấp "sổ đỏ". Công ty cũng đã đầu tư khu đô thị mới Dragon City. Tuy nhiên cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn căn nhà và đất của một số hộ dân không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cản trở việc triển khai đầu tư xây dựng dự án, thậm chí tự ý xông vào công trường, đập phá tài sản và tháo dỡ hàng rào.

pho chu tich tp hcm tran vinh tuyen doanh nghiep ban dat xong di het thanh pho phai giai quyet hau qua vi nguoi mua la dan ngheo
Để chống tình trạng "chưa có gì" đã rao bán, thành phố đã có chỉ đạo việc công khai minh bạch bằng ứng dụng điện tử về thông tin hồ sơ pháp lí dự án BĐS, để người dân, doanh nghiệp tra cứu thông tin trước khi đầu tư. (Ảnh: Zing).

Ông Nguyễn Văn Đực nêu kiến nghị về việc CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh xin đóng tiền sử dụng đất bổ sung của dự án Khu dân cư Sài Gòn Xanh, phường 16, quận 8. Cụ thể, khu đất dự án có sự thay đổi về lộ giới, nên gia tăng thêm khoảng 125 m2 diện tích (tương ứng 3% tổng diện tích dự án). Tuy nhiên, việc đóng tiền sử dụng đất cho phần diện tích tăng thêm này đang vướng mắc. Nguyên nhân là do phần diện tích tăng thêm quá nhỏ nhưng phải thực hiện các thủ tục thẩm định giá theo qui định.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết: “Mặc dù diện tích đất tăng thêm nhỏ, cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đều muốn giải quyết nhanh gọn. Nhưng theo qui định, phần tiền sử dụng đất cứ trên 30 tỉ đồng thì phải qua bước thẩm định giá đất, không thể giải quyết nhanh mà vượt qui định pháp luật”.

Công ty CPKD Địa ốc Hưng Thịnh và đang triển khai lập dự án chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Công ty Thiên Phúc Lợi là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Trường Thọ. Hai doanh nghiệp cùng gặp vướng mắc liên quan đến phương án kết nối giao thông với các tuyến đường qui hoạch tiếp giáp.

Hai công ty xin được lập dự án và triển khai xây dựng hai tuyến đường kết nối theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, hai công ty sẽ tự ứng vốn để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy hoạch được duyệt...

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định TP HCM luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân. Bởi thành phố có phát triển tốt thì phần đóng góp rất lớn thuộc về cộng đồng doanh nghiệp. Ông Tuyến yêu cầu các sở, ngành phải lắng nghe và tập trung tháo gỡ một cách thấu tình đạt lí.

"Tôi nói thậm chí đã có trường hợp doanh nghiệp phải đi hầu các sở ngành. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần tập trung giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt hơn, không để tình trạng doanh nghiệp phải chờ đợi hay van nài. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với cơ quan quản lí nhà nước, vì mỗi dự án phải áp dụng các quy định, quy trình khác nhau", Phó Chủ tịch TP HCM nhấn mạnh.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.