Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ chi tiết hai cấp có quyền giao khu vực biển để lấn biển

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển.

Cụ thể, tại Công văn số 5353/VPCP-NN ngày 18/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề sau:

- Rà soát, xem xét, cân nhắc, xác định đúng cơ sở pháp lý, cơ quan có thẩm quyền quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai cho nhà đầu tư dự án lấn biển ngay sau khi được giao đất, cho thuê đất lấn biển khi đất lấn biển chưa hình thành (khoản 3 Điều 16).

- Rà soát, xem xét, cân nhắc, xác định đúng cơ sở pháp lý, cơ quan có thẩm quyền quy định việc đưa khu vực biển để lấn biển khi chưa hình thành đất lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (khoản 1 Điều 15 dự thảo Nghị định) và quy định việc quản lý, sử dụng khu vực biển này theo chế độ quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 15 dự thảo Nghị định); tính đồng bộ thống nhất với các quy hoạch có liên quan khi đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Xem xét tính hợp lý của việc quy định 02 cấp có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển (Điều 9). Việc phân cấp phải kiểm soát được bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và công cụ kiểm tra.

- Làm rõ khái niệm, các cơ sở và cách xác định đất có mặt nước ven biển quy định tại Điều 140 Luật Đất đai 2013.

Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, đưa ra Thường trực Chính phủ thảo luận, cho ý kiến.

Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi Thường trực Chính phủ thống nhất, thông qua nội dung dự thảo Nghị định, giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký văn bản xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung của dự thảo Nghị định theo tinh thần của Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc hội khóa XIV và quy định của pháp luật hiện hành.

Theo hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định về lấn biển  được Bộ tư Pháp công bố hồi tháng 9/2021, lấn biển là một phần quan trọng của tăng trưởng và phát triển kinh tế đối với nhiều quốc gia ven biển trên thế giới.

Lấn biển đã được thực hiện ở nhiều quốc gia: Ai Cập, Maroc, Senegal và Tunisia ở Châu Phi, ở Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam ở Châu Á; ở Bỉ, Đan Mạch, Đức, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ở Châu Âu; ở Liên bang Nga; ở các bang phía đông nam của Hoa Kỳ Châu Mỹ ở Bắc Mỹ; và ở Argentina, Colombia, Suriname và Venezuela ở Nam Mỹ (MVenW, 1983). Ở Tây Bengal, Ấn Độ, 1.500 km2 bờ biển đất ngập nước Sundarbans đã được khai hoang trong hơn 100 năm qua (UNEP, 2009).

Ở Trung Quốc, 9.200 km2 (16%) diện tích đất ngập nước hiện có vào những năm 1970 đã biến mất vào năm 2007 (Zuo và cộng sự, 2013). Ở cấp độ địa phương hơn, 28% bãi triều xung quanh bờ biển Hoàng Hải được cải tạo từ những năm 1980 đến cuối những năm 2000 (Murray và cộng sự, 2014). 

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương phục vụ phát triển bền vững. Địa hình có nhiều sông ngòi, đồi núi dốc giúp lãnh thổ đồng bằng châu thổ của Việt Nam được mở rộng một cách tự nhiên do phù sa bồi đắp hàng năm. Không gian phát triển được mở rộng ra biển và đại dương, gắn liền với lịch sử ngàn năm phát triển của dân tộc. Hoạt động lấn biển trên thực tế tại Việt Nam đã và đang được thực hiện ở các quy mô khác nhau tại nhiều địa phương để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Các dự án lấn biến đáng chú ý như dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; KĐT du lịch Hùng Thắng (Bãi Cháy - Quảng Ninh) rộng 224ha; KĐTM Halong Marina rộng 230ha; Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210ha, KĐT sinh thái biển Phương Trang New Town rộng 117ha (Đà Nẵng); Dự án Saigon Sunbay hơn 600ha (Cần Giờ, TP.HCM); KĐTM Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420ha...

Bên cạnh các lợi ích thu được, hoạt động lấn biển cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết và nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái, chỗ ở, sinh kế của người dân ven biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước cả trước mắt và lâu dài. Do vậy, cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lấn biển, kiểm soát chặt chẽ các dự án lấn biển để bảo đảm phát triển bền vững. 

Theo dự thảo Nghị định kèm theo hồ sơ thẩm định nêu trên, một trong những nguyên tắc lấn biển là phải phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; không ảnh hưởng đến đường di chuyển của tàu thuyền, thoát lũ khu vực cửa sông, làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai; không ảnh hưởng tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và địa phương có liên quan.

Các khu vực không thực hiện lấn biển bao gồm: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật lâm nghiệp; khu bảo tồn biển, khu nuôi trồng thủy sản, khu sản xuất giống thủy sản tập trung, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật thủy sản; khu vực cảng biển, khu neo đậu, khu neo đậu tránh bão, khu neo đậu chuyển tài hàng hóa, luồng hàng hải theo quy định của pháp luật hàng hải; các khu vực đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng...

Về giao khu vực lấn biển, Điều 9 Dự thảo Nghị định quy định về Thẩm quyền giao khu vực lấn biển để lấn biển đề xuất: "1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giao khu vực biển để lấn biển đối với dự án lấn biển thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao khu vực biển để lấn biển không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này."

 

chọn
Hình ảnh cầu Tam Tòa nối Nam Định - Ninh Bình sau 7 tháng thi công
Cầu Tam Tòa vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sau 7 tháng thi công đã dần thành hình.