Đăng kí khám bệnh, xét nghiệm máu thông qua ứng dụng điện thoại | |
'Cò' khám chữa bệnh lộng hành |
Nơi đây trở thành địa chỉ khám bệnh tin cậy của những bệnh nhân nghèo bởi vừa không mất tiền điều trị lại vừa được đội ngũ lương y trách nhiệm, nhiệt tình chăm sóc.
Phòng khám nhân đạo của các cựu chiến binh dành cho bệnh nhân nghèo tọa lạc tại số 134 đường Cách Mạng tháng Tám (phường 10, Quận 3) TP. HCM. |
Được thành lập vào năm 1994, tính đến nay, phòng khám đã có gần 25 năm hoạt động, cứu chữa miễn phí cho hàng triệu bệnh nhân nghèo từ khắp nơi đổ về. Ông Viên Hữu Đức (78 tuổi, Phó phòng khám), là một trong ba người sáng lập ra phòng khám bồi hồi kể lại: “Trước đây, phòng khám này là căn nhà cấp 4 rộng chưa đầy 50 mét vuông, bên cạnh là bãi đất trống. Chiều chiều mấy anh em cựu chiến binh chúng tôi hay ra đây chơi cờ tướng, uống trà. Từng công tác trong lĩnh vực y tế, chứng kiến nhiều người nghèo không có tiền chữa bệnh phải về nhà chờ chết, thế là tôi mạnh dạn đề xuất chính quyền địa phương tổ chức nơi đây thành phòng khám miễn phí và được thông qua”.
Ông Viên Hữu Đức, người đồng sáng lập ra phòng khám. |
Ông Đức cho biết khi mới thành lập, phòng khám còn nhiều thiếu thốn. Mọi thiết bị, vật dụng đều do các thành viên trong Hội cựu chiến binh phường đóng góp và mua về. Cả phòng khám chỉ có một giường sắt, một tủ gỗ và hai cái bàn. Thế nhưng mọi người vẫn sắp xếp ca trực và có mặt đầy đủ, luôn trong tâm thế sẵn sàng phục vụ.
Nhớ lại người bệnh đầu tiên của phòng khám, ông Nguyễn Văn Chọn kể lại: “Vào buổi chiều mưa tầm tã, người dân đưa một anh đạp xích lô bị trúng gió tím tái hết người đến phòng khám. Sau vài phút được chúng tôi cạo gió, xoa bóp và ấn huyệt, anh xích lô đã dần tỉnh lại. Từ đó tiếng lành đồn xa, người dân bắt đầu biết và đến phòng khám ngày một nhiều hơn”.
Sau này, do hoạt động tích cực và có sức lan tỏa nên các "mạnh thường quân", và chính quyền địa phương đã tặng thêm các thiết bị điều trị hiện đại như máy châm cứu từ trường, điện tâm, giường tủ… Ngôi nhà cấp bốn ngày nào giờ đã được nâng cấp thêm một lầu, cộng với 15 giường phục vụ cho nhiều người bệnh.
Hiện tại, toàn phòng khám có 7 y bác sĩ làm việc. Hầu hết mỗi người đều làm từ 3 đến 4 buổi trong một tuần. “Thỉnh thoảng cũng có các sinh viên được Bệnh viện Y học dân tộc cử xuống để vừa thực tập vừa hỗ trợ chúng tôi”, ông Chọn cho biết.
Lương y Nguyễn Thị Lài, người gắn bó với phòng khám từ những ngày mới thành lập chia sẻ: “Bệnh nhân nào ở đây chúng tôi cũng đều quen mặt cả, bởi họ điều trị lâu ngày, thậm chí là quanh năm do mắc phải các bệnh mãn tính”. Lương y Lài trước đây vốn làm việc tại Viện Y dược học dân tộc, sau khi nghỉ công tác thì bà về đây chăm sóc các bệnh nhân. Đều đặn từ sáng thứ 2 tới sáng thứ 6, lúc nào bà cũng có mặt tại phòng khám. “Ngày trước còn khỏe, tôi vẫn thường đạp xe từ Quận 6 qua đây, nhưng giờ đã 74 tuổi rồi nên đi lại cần phải có người chở. Với tôi niềm vui là thấy nụ cười trên gương mặt của những người bệnh, vì khi đó họ không bị những cơn đau hành hạ nữa”.
Lương y Nguyễn Thị Lài, người gắn bó với phòng khám từ những ngày mới thành lập. |
Ông Nguyễn Châu (quê Đà Nẵng) bị tai biến hơn 4 năm cho biết: “Trước đây tôi chữa trị ở Bệnh viện Y học cổ truyền với chi phí điều trị là 9 triệu một tháng. Cộng cả chi phí ăn ở và người phục vụ, giặt đồ nữa là 15 triệu. Nhưng từ khi tới phòng khám Hội cựu chiến binh này thì tôi được chữa trị hoàn toàn miễn phí. Đội ngũ bác sĩ, lương y ở đây quan tâm và thăm hỏi tôi như những người thân trong nhà. Điều đó làm tôi rất xúc động”.
Không chỉ có đội ngũ y bác sĩ nhiệt tình, tận tâm cứu chữa cho bệnh nhân. Các cựu chiến binh của phường 10 còn luân phiên nhau có mặt tại phòng khám để giữ xe miễn phí cho mọi người vào phòng khám, giúp đỡ các bệnh nhân đi lại. Anh Nguyễn Văn Long thuộc tổ xe ôm tự quản ở Ga Hòa Hưng chia sẻ rằng vào những thời gian rảnh anh vẫn thường ghé qua để hỗ trợ phòng khám, nhiều khi anh còn chở các bệnh nhân về nhà tận nhà mà không lấy tiền công.
Với phương pháp cứu chữa bằng vật lí trị liệu, không dùng thuốc, phòng khám đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều bệnh nhân. Mỗi ngày phòng khám tiếp nhận từ 20 – 30 người đến chữa bệnh, phần lớn họ là những người nghèo từ các tỉnh lên thành phố làm việc kiếm sống. Với họ các lương y, bác sĩ ở đây chính là những người thân trong gia đình. Bởi tất cả các bệnh nhân đều được chăm sóc tận tình như nhau.
Đưa trẻ đi khám bệnh cúm ở viện: 'Cẩn thận nguy cơ bị lây nhiễm chéo' | |
Đăng kí khám bệnh, xét nghiệm máu thông qua ứng dụng điện thoại | |
'Cò' khám chữa bệnh lộng hành |