Phong trào mua sắm trả thù sau dịch Covid-19

Người tiêu dùng Trung Quốc đang quay trở lại say mê những túi xách hàng hiệu, mỹ phẩm, và xe hơi sang trọng. Tuy nhiên, sự cuồng nhiệt này lại không lan toả đến các ngành hàng tiêu dùng khác như bia và nhà hàng.

Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đang chứng kiến quá trình phục hồi không đồng đều trên thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chứng kiến sự phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Chán nản sau nhiều tháng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và không thể ra nước ngoài du lịch, người tiêu dùng Trung Quốc "lắm tiền nhiều của" đang tìm sự thoải mái trong việc mua sắm trả thù. Một tín hiệu tốt đối với hàng chục thương hiệu hàng xa xỉ đang hiện diện tại Trung Quốc, được thúc đẩy bởi sự giàu có ngày càng tăng của người dân nước này trong thập kỉ qua.

Bloomberg đã phân tích doanh thu quí trong tháng 6 của hơn 20 công ty hàng đầu thị trường Trung Quốc trên các danh mục hàng tiêu dùng chính. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ba xu hướng tiêu dùng chính đã xuất hiện ở Trung Quốc.

Người Trung Quốc đi mua sắm trả thù sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tăng trưởng doanh số của một số thương hiệu tiêu dùng tại Trung Quốc trong hai quí đầu năm nay. (Đồ hoạ: Bloomberg).

Hàng xa xỉ và bình dân

Các nhà sản xuất hàng xa xỉ đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu hai con số trong quí gần nhất so với cùng kì năm ngoái, cho thấy xu hướng phục hồi mạnh mẽ trong ngành. Không có khả năng đi du lịch nước ngoài đã thúc đẩy các hoạt động kinh doanh tại các điểm nóng du lịch trong nước và các cửa hàng miễn thuế.

Nhà phân tích Catherine Lim tại Bloomberg Intelligence có trụ sở tại Singapore cho biết nhu cầu dồn nén sau hai tháng hạn chế hoạt động từ tháng 2 đến tháng 3, khiến người tiêu dùng thèm khát mua sắm hàng xa xỉ hơn các món hàng bình dân.

"Người tiêu dùng chắc chắn đang tự xoa dịu vết thương sau những sự sợ hãi mà dịch bệnh bùng phát tạo ra", nhà phân tích này cho hay.

Doanh số bán hàng của LVMH tại thị trường Trung Quốc trong quí trước đã tăng 65% so với một năm trước đó, trong khi tổng doanh thu của toàn tập đoàn giảm 38%. Giám đốc tài chính LVMH Guiony đã tiết lộ con số trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 7 vừa qua tại Trung Quốc.

Doanh số bán hàng của Kering SA (tập đoàn sở hữu thương hiệu thời trang Gucci) tại Trung Quốc đại lục cũng đã tăng 40% sau khi chứng kiến sự sụt giảm doanh số trong quí đầu tiên.

Tuy nhiên, đà phục hồi và tăng trưởng lại không xảy ra đối với các nhóm hàng bình dân. Các công ty sản xuất đồ thể thao như Anta Sports Products và nhà sản xuất thiết bị điện Midea Group có doanh số bán hàng tăng trưởng rất thấp, thậm chí không tăng trong giai đoạn từ tháng 4-6 năm nay.

Tổng doanh số bán lẻ các mặt hàng này vẫn giảm trong tháng 7 cho thấy nền kinh tế vẫn tiếp tục chịu sức ép từ đại dịch bùng phát.

Con số mà chính phủ Trung Quốc công bố cũng như từ những nghiên cứu thị trường cho thấy: "Đại dịch đã giáng một đòn mạnh hơn so với dự đoán vào những người tiêu dùng có thu nhập thấp, những người phải thắt lưng buộc bụng nhiều hơn nữa", Luo Yixin - nhà phân tích tại Huatai Financial Holdings, bình luận.

"Đó là lí do tại sao trong vài tháng qua, xu hướng tiêu dùng lại phân cực ở Trung Quốc", Yixin lí giải.

Lối sống lành mạnh hơn

Các công ty có sản phẩm phục vụ lối sống lành mạnh, mà cụ thể ở đây là các công ty sữa - hưởng lợi lớn trong đại dịch, khi người tiêu dùng có xu hướng chăm sóc bản thân tốt hơn.

China Mengniu Dairy đã báo cáo tăng trưởng doanh thu 19% trong quí II vừa qua và lợi nhuận tăng 86% so với năm ngoái. Tập đoàn Inner Mongolia Yili Industrial báo cáo doanh thu tăng 23%, lợi nhuận hàng quí tăng 72%, phục hồi rõ ràng so với mức lợi nhuận sụt giảm cuối tháng 3.

"Nhận thức về chăm sóc sức khoẻ ngày càng gia tăng của người tiêu dùng trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 đã mang lại cơ hội phát triển cho các sản phẩm liên quan tới sức khoẻ, đặc biệt là ngành kinh doanh sữa", công ty Yili viết trong báo cáo kết quả tạm thời vào tháng 8.

Mengniu cũng kì vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ được duy trì vì những lí do tương tự.

Một nhà cung cấp bột protein và vitamin của Trung Quốc là By-health đã đổ tiền vào một chiến dịch quảng cáo nhằm "tăng cường khả năng miễn dịch" và đã chứng kiến doanh số tăng gần 17% trong quí II sau khi giảm 5% trong quí trước đó.

Tuy nhiên, nỗ lực hướng tới lối sống lành mạnh không mang lại quả ngọt cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Mọi người vẫn chưa hình thành được thói quen đến phòng tập, hoặc không tham gia các hoạt động thể dục ngoài trời do lo sợ lây nhiễm Covid-19.

Xa lánh xã hội

Trong khi người dân bắt đầu rời khỏi nhà để làm việc và mua sắm, họ vẫn dè chừng với việc đi ăn ngoài nhà hàng và giao lưu.

Người Trung Quốc đi mua sắm trả thù sau dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Một người đàn ông đi thang cuốn trong một nhà hàng tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP).

Yum China Holdings - tập đoàn sở hữu các quán ăn KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc - tiếp tục chứng kiến doanh số bán hàng giảm trong quí II. Các công ty như Budweiser Brewing và APAC đã ngăn chặn sự sụt giảm doanh số bán hàng bằng các bắt tay với các siêu thị hoặc bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, việc các club đêm hay quán bar mở cửa chậm chạp trở lại vẫn là một lực cản.

Các nhà phân tích dự đoán, tăng trưởng doanh số hàng xa xỉ sẽ giảm khi nhu cầu bị dồn nén được thoả mãn.

Nhà phân tích Lim tại Bloomberg Intelligence cho biết: "Những người tiêu dùng Trung Quốc đại lục có thể sẽ cân nhắc trong việc mua hàng của họ trong nửa cuối năm nay. Nhìn chung dự báo chi tiêu sẽ chậm lại so với mức tăng mà chúng ta đã chứng kiến trong tháng 4 và tháng 6".

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.