Bình Nhưỡng tuần trước mời 121 phóng viên tham dự lễ kỷ niệm ngày sinh của nhà lập quốc Kim Nhật Thành. Theo giới quan sát nhận định, đây là cơ hội lớn để nước này phô trương sức mạnh quân sự với thế giới. Tuy nhiên, chuyến đi của cánh phóng viên cũng là dịp để đến đất nước bí ẩn nhất thế giới này kiếm ngoại tệ, theo Reuters.
Đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế, điều ảnh hưởng không nhỏ đến một số ngành xuất khẩu của nước này như than đá, ngoại tệ là một nguồn bổ sung được hoan nghênh vào lúc này ở Bình Nhưỡng.
Chi phí cho chuyến đi kéo dài 7 ngày ước tính khoảng 2.500 USD/người, được chi trả cho các cơ quan khác nhau của chính phủ. Số tiền này tương đương tiền lương 5 năm của một người Triều Tiên.
Khi đến Triều Tiên, tất cả các khoản phí đều phải thanh toán bằng tiền mặt, sử dụng ngoại tệ, với tỷ giá 100 won đổi lấy 1 USD. Theo phóng viên Sue Lin Wong của Reuters, một người đàn ông Triều Tiên tiết lộ tỷ giá chợ đen không chính thức giao động là 1 USD lấy 8.300-8.400 won, "tùy thuộc vào chúng tôi có thử hạt nhân hay không".
Hành khách bên chiếc máy bay của hãng hàng không Air Koryo tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 18/4. Ảnh: Reuters |
Ở Triều Tiên, phóng viên được "hộ tống" gần như mọi lúc mọi nơi, rất khó để có thể đổi tiền theo tỷ giá chợ đen. Người nước ngoài cũng không được phép sử dụng tiền địa phương trong bất cứ trường hợp nào. Sue cho rằng Triều Tiên đã thu về hơn 3.000 USD từ các phóng viên, từ tiền vé máy bay, khách sạn, visa, đến chi phí hàng ngày.
Chi phí visa cho một người Australia là 137 USD, đối với một phóng viên người Mỹ là 175 USD. Vé máy bay khứ hồi chặng Bắc Kinh - Bình Nhưỡng (800 km) của hãng hàng không quốc gia Air Korya có giá 522 USD. Trong khi đó, vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông cho chuyến Bắc Kinh - Seoul (950 km) chỉ khoảng 290 USD.
Sim điện thoại ở Triều Tiên cũng khá đắt đỏ, người địa phương và người nước ngoài sử dụng mạng khác nhau. Sue có thể gọi cho phóng viên khác và truy cập các ứng dụng, trang web nước ngoài nhưng người dân Triều Tiên thì không. Với 350 USD, Sue mua được một chiếc sim với gói 400 mb. Ở Trung Quốc, nó chỉ có giá khoảng 10 USD.
Chi phí cho 7 đêm ở Bình Nhưỡng là 784 USD. Mức giá này lẽ ra phù hợp với một khách sạn hạng sang ở nhiều nước châu Á khác, theo Sue. Tại quầy lễ tân, nữ nhân viên mỉm cười nói rằng nếu đưa 8 tờ 100 USD, khách sạn sẽ không có tiền trả lại.
Ngoài các khoản kể trên, phóng viên nước ngoài còn phải trả tiền "hộ tống" khi đến Bình Nhưỡng là 296 USD/người, bao gồm các khoản phí đăng ký, phí tham quan địa điểm, phí đi lại... Khi thanh toán, Sue còn phải trả thêm 16 USD vì tỷ giá hối đoái "thay đổi".
Nhiều chi phí khác cũng có mức giá cao hơn so với bình thường. Ví dụ, hóa đơn mua thức ăn và một ít bia cho một tuần là 300 USD, một cốc cà phê hòa tan mua ở trung tâm báo chí là 4,5 USD, tiền xe taxi cho một chuyến ngắn trong thành phố là 6 USD, còn tiền cắt tóc là 11 USD.
"Tiền cắt tóc cho người địa phương và người nước ngoài khác nhau", người thợ làm tóc nói với Sue.
Tưởng như vậy đã xong, nhưng sau khi thanh toán xong mọi hóa đơn tai khách sạn và đến sân bay, người hướng dẫn chạy đến và nói với Sue rằng: "Cô Sue-Lin, lớp nhựa bên ngoài chìa khóa khách sạn bị bong ra rồi. Cô phải trả 3 USD".