Phụ huynh đi họp không phải chỉ để \"lướt\" điện thoại, nghe thông báo đóng tiền

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc đi họp cho con chỉ là đến lấy lệ, đến cho có mặt và nghe thông báo đóng tiền là xong, quan niệm trên theo ý kiến của nhiều giáo viên là hoàn toàn sai lầm.
 

Đi họp “chạy xô”

Mới đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện bức ảnh được chụp ở buổi họp phụ huynh lớp mẫu giáo, tuy nhiên điều đáng nói là nhiều bậc cha, mẹ chỉ chăm chú vào việc “lướt” điện thoại.

Ngay khi bức ảnh được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều phản hồi từ dư luận, đặc biệt là các bậc làm cha làm mẹ. Người đồng tình, người phản đối, nhưng thông qua bức ảnh đủ để thấy rằng đây đang là một thực trang không hiếm trong thời gian gần đây.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với một số phụ huynh và giáo viên về thực trạng này, để đem đến cho độc giả cái nhìn khách quan và đúng đắn nhất về tầm quan trọng của viêc họp phụ huynh cho con.

phu huynh di hop khong phai chi de luot dien thoai nghe thong bao dong tien
Bức ảnh trong buổi họp phụ huynh lớp mẫu giáo. (Ảnh: Eva).

Chị Thúy Ngân, trú tại Phú Đô (Mỹ Đình - Hà Nội) cho biết, mấy năm gần đây, việc họp cho 2 con nhỏ thường do bà nội đi họp hộ, vì vợ chồng chị đi làm cả ngày không có thời gian đi họp cho con.

“Một buổi sáng mà bà phải “chạy xô” đi họp cho 3 cháu. Trong đó, 2 con nhà chị, một cháu đang học lớp 3 tuổi, một cháu lớp 5 tuổi và con nhà dì đang học lớp 2 (Tiểu học Phú Đô) nên bà ngồi lớp này một lúc lại chạy qua lớp kia cho có mặt và kịp điểm danh”, chị Ngân kể lại.

Không chỉ việc chạy xô, họp hộ, nhiều trường hợp phụ huynh đi họp cho con nhưng chỉ coi như đến có mặt lấy lệ. Mặc dù có mặt tại buổi họp, nhưng không ý kiến, không phát biểu mà chỉ chăm chú sử dụng điện thoại, đến hết giờ thì đi về.

"Tôi thấy những việc sử dụng điện thoại trong giờ họp cho con không phải là hiếm. Nhất là những ông bố đi họp cho con, người đến ngồi chơi game, nhiều người vào mạng đọc báo, rồi thi thoảng có người chạy ra ngoài nghe điện thoại”, anh Ngô Văn Mạnh (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết.

Trong khi đó, cũng có phụ huynh cho rằng điều này là bình thường. Họp phụ huynh có gì đâu, đến nghe cô giáo ngồi kể thành tích về nhà trường, chủ yếu là thông báo nộp tiền.

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận các bậc phụ huynh rất phê phán và kịch liệt phản đối việc làm việc riêng trong giờ họp cho con.

“Cả năm mới đi họp phụ huynh cho con một đến hai lần, vậy nên nghỉ một buổi làm để đi họp cho con một cách nghiêm túc không phải là khó khăn. Hơn nữa, đi họp nghe các cô giáo nhận xét về từng cháu một rất cụ thể, nếu không nghe sao biết con mình đi học như nào”, chị Thu Trà có con đang học lớp mẫu giáo 4 tuổi cho biết.

Cùng quan điểm với chị Trà, chị Nguyễn Vân bày tỏ quan điểm: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, vậy mà đi họp mà chỉ chăm chú vào điện thoại thì là không tôn trọng giáo viên. Như vậy thì còn mong gì giáo viên chăm sóc cho con mình được chu đáo và tốt nhất".

Trong khi đó nhiều bậc cha mẹ đến họp phụ huynh chỉ để lắng nghe và không dám phản ứng vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con. Bởi vậy, thực tế không ít cha mẹ phản hồi không tốt về buổi họp phụ huynh hiện nay như "chán", "chẳng có gì", "đi họp hay không cũng được".

Giáo viên "độc thoại" thì vô ích

Trăn trở về những buổi họp phụ huynh hiệu quả và chất lượng cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên trường mầm non Bình Minh (Từ Liêm- Hà Nội) bộc bạch: "Mỗi lần tổ chức họp phụ huynh thì giáo viên luôn cố gắng hết sức để buổi họp diễn ra thành công và hiệu quả. Nội dung cuộc họp thực sự là cuộc trao đổi 2 chiều giữa giáo viên và các bậc phụ huỵnh. Nếu chỉ mình giáo viên “độc thoại” thì có thể thấy rằng đó không phải là đích hướng tới của việc tổ chức buổi họp”.

Cũng theo lời cô Hương, tình trạng phụ huynh, người nhà họp nhiều ca cho các cháu, hay trong giờ họp mà chỉ xem điện thoại thì ở cương vị bất cứ cô giáo nào cũng đều cảm thấy rất buồn và thấy mình không được tôn trọng. Họp phụ huynh mà phụ huynh làm việc riêng là chứng tỏ họ không quan tâm đến những gì giáo viên nói.

phu huynh di hop khong phai chi de luot dien thoai nghe thong bao dong tien
Điều các bậc phụ huynh quan tâm trong mỗi buổi họp là thông tin liên quan tới học sinh. (Ảnh: Dân Trí).

“Việc phụ huynh chăm chú điện thoại, hay làm việc riêng ở một số lớp họp không phải không có, nhưng ít và cá biệt. Và thường chúng tôi không để xảy ra tình trạng như trong bức ảnh được chia sẻ trên mạng”, cô Hương nói.

Cũng theo quan điểm của cô Hương, làm sao để phụ huynh chú ý trong buổi họp và không nói chuyện cũng như làm việc riêng thì giáo viên phải quán triệt và khéo léo nhắc nhở ngay từ đầu.

"Thường chúng tôi sẽ tổ chức buổi họp ngắn gọn và hiệu quả. Thay vì nói những điều xa vời hay giới thiệu về thành tích của nhà trường thì tập trung nói về học sinh để bố mẹ quan tâm hơn, đó cũng là một một cách thu hút sự chú ý của phụ huynh rất tốt, cô Hương chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Ánh, giáo viên cấp 2 chia sẻ, đã nhiều năm dạy học, mỗi năm cô chủ nhiệm một lớp và thường các buổi họp đều diễn ra rất sôi nổi, nghiêm túc.

“Còn việc nhiều phụ huynh cho rằng đi họp chỉ nghe đóng tiền là xong, đây là một quan điểm hoàn toàn không đúng đắn. Việc họp phụ huynh đầu năm cho các em học sinh có ý nghĩa rất quan trọng, thường giáo viên sẽ nhận xét về tình hình của từng em học sinh trong lớp, cùng với đó là công bố những phương hướng dạy học đề ra trong năm tới của nhà trường. Còn việc đóng học phí chỉ là một phần của thông báo, trong khi đó các khoản đóng góp đều theo quy định của nhà nước”.

Đặc biệt, trong cuộc họp nhiều ý kiến phát biểu hay góp ý của phụ huynh đều được giáo viên tiếp thu và có câu trả lời thỏa đáng, những vấn đề phụ huynh thắc mắc đều được giải trình một cách triệt để. “Cái gì thuộc quy định phải trích dẫn, cái gì thuộc nhà trường phải rõ ràng, tất cả trên quan điểm đồng ý của tất cả phụ huynh”, cô Ánh cho biết thêm.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.