Trong khi gần đây không ít bậc phụ huynh Việt Nam tuyên bố “phải để con có tuổi thơ” và phản đối việc một bộ phận các phụ huynh khác cho con đi học chữ, số và phép tính, thậm chí học cả ngoại ngữ trước khi vào lớp 1, các chuyên gia giáo dục New Zealand đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề này cũng triết lý giáo dục mầm non của “Xứ sở Kiwi”.
Một lớp mầm non ở New Zealand. Ảnh minh họa.
Một đứa trẻ chỉ học mẫu giáo mà đã “thành thạo” 3 thứ tiếng? Bạn có thể không tin nhưng đó là câu chuyện thật mà 2 chuyên gia Linda Mitchell và Sarah Archard, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non của Đại học Waikato (New Zealand) đã chia sẻ tại hội thảo quốc tế “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam”.
Hội thảo diễn ra từ ngày 10 đến 13/10, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam(VNIES) hợp tác với Đại học Waikato, New Zealand (UoW) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức.
Nhân vật chính của câu chuyện là Qin Qin, một em bé sinh ra trong gia đình đa quốc tịch gốc Á ở New Zealand, có thể nói tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại và tiếng Anh.
Những trường hợp như Qin Qin không phải là hiếm ở New Zealand, một đất nước có cộng đồng người nhập cư khá đông. Ngoài ra, nhiều trẻ em người Maori bản xứ khi bắt đầu đi học mầm non cũng mới làm quen với tiếng Anh nhưng các em đều thích nghi rất nhanh với môi trường mới cũng như ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình.
Theo bà Bronwen Cowie, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Wilf Malcolm, Khoa Giáo dục Đại học Waikato (New Zealand), quá trình học song ngữ này cũng tương tự như trẻ em Việt Nam được làm quen với tiếng Anh từ bậc mầm non. Thậm chí, có những em nhỏ người dân tộc thiểu số sẽ “biết” 3 thứ tiếng cùng một lúc là tiếng dân tộc, tiếng Việt và cả tiếng Anh khi tới trường.
Trẻ hoàn toàn có khả năng thích nghi và học hỏi nhiều ngôn ngữ một lúc ở giai đoạn này, bà Cowie khẳng định. Chuyên gia giáo dục New Zealand này cũng tin rằng việc sử dụng song song nhiều hơn một thứ tiếng từ khi còn nhỏ tốt cho trẻ về nhiều mặt.
Bà Bronwen Cowie, Giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục Wilf Malcolm, Khoa Giáo dục Đại học Waikato (New Zealand). Ảnh: VOV.
Việc cho trẻ mầm non làm quen với chữ viết hay con số cũng tương tự vậy. “Tôi được biết đây là vấn đề khá 'nóng' ở Việt Nam và dường như có 2 luồng quan điểm trái chiều về việc dạy chữ cho trẻ mầm non”, bà Cowie cho biết.
Quan điểm của chuyên gia giáo dục New Zealand này là ủng hộ trẻ làm quen với cách đọc viết từ bậc mầm non, song bà nhấn mạnh: “Có lẽ các em không nên được dạy theo cách ngồi và học bởi rất nhiều kỹ năng đọc, viết, hiểu có thể được dạy thông qua việc đọc truyện cho trẻ”.
Cụ thể, theo bà Cowie, việc học chữ ở giai đoạn này thực chất là một quá trình làm giàu từ vựng và quen với cách ghép từ, thậm chí là cả cấu trúc câu thông qua các câu chuyện kể có kèm tranh vẽ, các bài hát, bài thơ vần…
Các em cũng có thể tập tô vẽ hoặc viết một vài chữ cái nếu thấy hứng thú nhưng người lớn không nên bắt ép hay tạo áp lực cho các em phải rèn viết chữ cho đúng.
Cũng theo chuyên gia giáo dục New Zealand, không có thời lượng cố định hay cụ thể nào được khuyến nghị để dành thời gian cho trẻ “học” chữ và ngoại ngữ ở trường hay ở nhà.
“Tất cả nên được lồng ghép một cách tự nhiên và thoải mái nhất trong các hoạt động đa dạng”, bà nêu rõ. Ví dụ như việc cha mẹ đọc truyện cho con cũng là một cách giúp trẻ phần nào nhận diện được mặt chữ, hiểu được nghĩa của từ cũng như cách sắp xếp các từ để trở thành một câu.
Có một thực tế là nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam ủng hộ việc dạy chữ và song ngữ ở bậc mầm non nhưng dường như lại đang phó mặc chuyện này cho giáo viên. Trẻ chuẩn bị vào lớp 1 đã được học thêm các lớp tiếng Việt và tiếng Anh sau giờ học ở trường mầm non trong khi, theo các chuyên gia giáo dục New Zealand, đáng lẽ đó phải là thời gian cha mẹ dành cho con cái.
Tại hội thảo quốc tế “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam” vừa qua, rất nhiều diễn giả trong và ngoài nước cũng đã đề cập việc giáo viên trao đổi với phụ huynh như thế nào để các bậc cha mẹ hiểu họ cần phải làm gì tốt nhất cho sự phát triển của con trẻ trong giai đoạn đầu đời này.
Chia sẻ kinh nghiệm từ New Zealand, bà Cowie cho biết triết lý giáo dục bậc mầm non của nước này tập trung rất nhiều vào con trẻ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình và sau đó là xem xét những mối quan hệ đó với giáo viên.
New Zealand có một hệ thống đánh giá mà bà Cowie cho là rất xuất sắc, gọi là “learning story”, nghĩa là câu chuyện học hỏi. Theo đó, giáo viên mầm non thường viết các mẩu truyện ngắn kể lại những gì trẻ đã làm và đính kèm ảnh trẻ tham gia hoạt động đó hoặc bức tranh mà trẻ vẽ và kết thúc câu chuyện luôn mở ra những khả năng mà trẻ có thể làm tiếp. Cha mẹ sẽ được yêu cầu bình luận, phản hồi lại về câu chuyện đó và thêm vào những điều mà bé có thể làm ở nhà.
Theo cách này, giáo viên và phụ huynh đều được biết một đứa trẻ có khả năng làm được những gì ở hoàn cảnh khác mà họ không được tận mắt quan sát. Điều này giúp cả 2 bên thực sự hiểu rõ hơn về năng khiếu, tính cách, thiên hướng phát triển của trẻ, từ đó có những biện pháp giáo dục phù hợp.
Điều quan trọng là tất cả những “câu chuyện học hỏi” này phải được lưu lại, không chỉ để cho bố mẹ theo dõi sự tiến bộ của con mà còn để chính trẻ tự cảm nhận sự chuyển biến của bản thân. Việc “tự thấy mình khôn lớn hơn” sẽ là sự khích lệ rất lớn đối với trẻ, hơn bất cứ lời khen nào từ người lớn.