Theo Báo Chính phủ, ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Thọ đã chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và tiến tới đứng trong nhóm 15 - 20 địa phương phát triển nhất trong cả nước ngay từ năm 2035 trở đi; xây dựng TP Việt Trì là thành phố hạt nhân và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương tiểu vùng Tây Bắc...
Đồng thời, kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2025 là 8,5%, giai đoạn 2026 - 2030 là 12 %. Để thực hiện kịch bản này, tỉnh và đơn vị tư vấn lập quy hoạch dự kiến, số vốn đầu tư cần huy động trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 45.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026 - 2030 là giai đoạn bứt tốc, khoảng 115.000 tỷ đồng/năm.
Tỉnh xác định 3 đột phá phát triển, gồm cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.
Cùng với đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc trên 4 lĩnh vực du lịch; y tế; giáo dục; thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ; làm mới sản xuất, kinh doanh (trong đó có lĩnh vực trọng điểm) và làm mới tổ chức theo hướng hiện đại; thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh.
Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu, nhất trí thông qua quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.
Phát biểu kết luận, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng.
Đồng thời, đề nghị tỉnh Phú Thọ tổ chức rà soát lại các quy định, chủ trương, xu thế mới trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng quy hoạch vùng... để tránh mâu thuẫn, xung đột; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.