Quán hủ tiếu, cơm tấm ở Sài Gòn ngày thịt heo tăng giá khủng

Khẳng định đã "gồng hết nổi", nhiều quán cơm sườn, hủ tiếu, bún riêu… tại TP HCM đã đồng loạt rủ nhau tăng giá hơn nửa tháng nay. Những quán vốn có tiếng "bán mắc" thì giữ nguyên giá nhưng giảm khẩu phần thịt.

Tính đến hôm nay, sau một tháng tăng chóng mặt, hiện giá heo hơi trong nước đã có xu hướng chững lại, một số tỉnh thành phía Bắc bắt đầu hạ giá, trong khi các tỉnh phía Nam vẫn neo trên mức 70.000 đồng/kg.

Trong khi đó, trên thị trường, giá thịt heo bán lẻ vẫn còn khá cao. Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP HCM, thịt nạc heo từ 140.000-150.000 đồng/kg, sườn non từ 170.000-200.000 đồng/kg, ba rọi, ba rọi rút xương từ 200.000-250.000 đồng/kg. Cá biệt, một số siêu thị ngoại có mức giá lên đến 280.000 đồng/kg.

Áp lực giá thịt heo tăng cao đã khiến hàng quán hủ tiếu, cơm tấm Sài Gòn... rủ nhau đội giá theo. Quán tăng nhiều cũng đã đội thêm 10.000 đồng/tô; quán tăng nhẹ cũng 3.000-5.000 đồng/tô nhưng vẫn than lỗ.

Tô hủ tiếu, dĩa cơm tấm Sài Gòn đã tăng thêm 5.000-10.000 đồng

Sau một thời gian cố gắng giữ giá, hiện nhiều quán sá, cửa hàng kinh doanh cơm tấm, bún riêu, hủ tiếu… tại TP HCM đều đồng loạt tăng giá bán, vì không chịu nổi giá thịt heo tăng liên tục nhiều ngày qua.

IMG_8366

Giá cơm tấm, hủ tiếu tại TP HCM đã điều chỉnh tăng từ 3.000-10.000 đồng tuỳ loại. (Ảnh: Phúc Minh).

Thay vì giữ mức giá 20.000 đồng một dĩa cơm sườn như trước đây, một quán cơm bình dân trong một con hẻm trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), đã tăng lên thành 25.000 đồng. Còn nếu khách ăn dĩa cơm sườn bì chả thì sẽ trả 3.5000 đồng, thay cho giá 30.000 đồng vào đầu tháng.

"Tôi mới nâng lên đây thôi, thật ra bán cơm bình dân phục vụ cho người lao động chân tay là chính nên không muốn tăng giá đâu, nhưng giữa từ đầu tháng đến nay thì hết chịu nổi. Giá thịt heo tăng chóng mặt quá, không tăng thì không bán nổi", chị chủ quán nói.

Từ tuần đầu tháng 11, hàng ăn tại TP HCM đã rục rịch tăng giá bán, khi thấy thịt heo bán lẻ tăng từng ngày. 

Tại hệ thống cơm tấm P.L.T cũng nhanh chóng nâng giá bán tất cả các món ăn có "dính" đến thịt heo. Dĩa cơm sườn non từ 45.000 đồng hồi đầu tháng 11 nay đã đổi thành 55.000 đồng, cơm ba rọi từ 25.000 đồng lên 32.000 đồng/dĩa. Phần nem nướng thêm từ 15.000 đồng lên 18.000 đồng, thậm chí phần chả hấp hay bì thịt thêm cũng từ 10.000 đồng tăng lên 12.000 đồng. Chỉ có các món liên quan đến gà là vẫn được giữ giá.

Không chỉ những quán ăn bình dân, một thương hiệu cơm tấm nổi tiếng khác nằm khu vực gần chợ Tân Định (quận 1) cũng đã quyết định tăng thêm 5.000 đồng mỗi dĩa cơm tấm sườn. Sau khi tăng, giá mỗi dĩa cơm tấm sườn cán mốc 45.000 đồng.

Quán hủ tiếu nam vang trên đường Đặng Văn Bi (Thủ Đức) cũng đổi giá từ hơn tuần nay. Tô hủ tiếu "bình dân" nhất quán này từ 35.000 đồng tăng lên 40.000 đồng, tô đặc biệt tăng thêm đến đến 10.000 đồng, lên 55.000 đồng...

Đáng nói, một hiệu cơm khác tại quận Bình Thạnh, cũng báo tăng giá cơm tấm vì giá thịt heo tăng nhưng cơm chả cá cũng tăng theo từ 40.000 đồng dĩa lên thành 45.000 đồng. Trong năm nay, đây là lần thứ hai quán cơm này tăng giá, lần sau cao hơn lần trước 5.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi phần ăn đã tăng tổng cộng 10.000 đồng.

Có hiện tượng "té nước theo mưa"

Trong khi đó, một quán hủ tiếu có tiếng tại quận Bình Thạnh lại quyết định không tăng giá bán. Tại đây, giá bán một tô hủ tiếu bình thường vẫn giữ là 35.000 đồng/tô, tô đặc biệt 45.000 đồng mỗi tô. Khi hỏi có ý định tăng giá hay không, chủ quán than hết lời, vì giá thịt heo những ngày qua cao ngất, thậm chí mối quen của anh lấy đã tăng gấp rưỡi so với trước đây.

"Thịt heo tăng cao quá rồi em ơi. Giờ mỗi sáng lấy thịt mà cũng lo túi tiền. Nhưng anh vẫn chưa dám tăng vì bán quá lâu ở đây, rất nhiều khách quen rồi. Từ bây giờ tới trước Tết có thể anh sẽ cố gắng, để xem qua Tết tình hình thế nào rồi tính tiếp", chủ quán tiết lộ.

Tuy nhiên, dù tuyên bố không tăng giá nhưng một số khách nhận ra, thịt heo xắt lát của cửa hàng này đã mỏng hơn so với trước đây. Hoặc một số thành phần khác như ruột non, tim heo trong một tô đặc biệt cũng giảm đi thấy rõ.

Quán cơm tấm bình dân trước trước công một trường tiểu học ở phường Phước Long B, quận 9, cũng thay vì tăng giá bán thì "cắt miếng thịt nhỏ lại, vì bán cho trẻ con phần ăn sáng 30.000 đồng thì đắt quá. Nhưng nếu cứ giữ nguyên giá 25.000 đồng/dĩa với miếng thịt to như trước đây thì quán sẽ lỗ vốn", chủ quán phân trần với khách hàng.

Đáng chú ý, khảo sát cho thấy, những hàng quán có mức giá cao từ trước đến nay, trên 50.000 đồng mỗi phần, hầu hết đều quyết định không tăng giá, hoặc tuyên bố giữ giá đến qua Tết. 

Tuy nhiên, các cửa hàng này lại đang tận dụng cơn "bão giá" làm chiêu marketing. Đủ các hình thức gây tò mò, khiến khách chú ý. Trong đó phổ biến nhất là treo bảng: "Cửa hàng quyết định không tăng giá dù giá thịt heo tăng cao", để giữ khách và thu hút lượng khách mới.

"Mức giá bình thường 50.000 đồng mỗi tô hủ tiếu hoặc cơm tấm, khách chấp nhận vì hàng quán sạch sẽ, đã bán lâu. Tuy nhiên, lượng thịt heo trong phần ăn cũng không quá nhiều để có thể nâng tiếp thêm 10.000 đồng. Thực tế, nếu phần ăn sáng lên tới 60.000 đồng thì quá đắt", anh Quang Thịnh (ngụ quận 3) cho biết.

Trong cơn "bão giá" thịt heo, nhiều người tiêu dùng khẳng định có hiện tượng "tát nước theo mưa", cứ thấy giá thực phẩm tăng là quyết định tăng giá bán, dù thực tế lượng thịt dùng trong khẩu phần ăn không đáng là bao.

IMG_8338

Các quán hủ tiếu rủ nhau đội giá vì giá thịt heo tăng cao. (Ảnh: Phúc Minh).

Hồi tháng 5, giá thịt heo trong nước bắt đầu rớt mạnh kể từ khi dịch tả châu Phi bắt đầu lan sang nhiều tỉnh thành phía Nam. Thời điểm đó, giá heo hơi trong nước chỉ còn khoảng một nửa so với hiện nay, giá thịt bán lẻ trên thị trường cũng giảm vì người dùng thận trọng với thịt heo, nhưng hàng quán vẫn giữ nguyên giá cũ vừa tăng mạnh sau Tết Kỉ Hợi.

"Thường lệ, cứ qua Tết là bắt đầu chu kì tăng giá, quán nào ít thì 3.000-5.000 đồng mỗi phần ăn, quán nào sang hơn một chút thì tăng những 10.000 đồng. Nếu tính luôn mức tăng vừa qua thì người tiêu dùng khổ nhất", chị Hoàng Anh (quận Bình Thạnh) tính toán.

Chị Hoàng Anh là nhân viên văn phòng và có 2 con nhỏ. Chị cho rằng nếu cứ đà qua Tết tăng giá nữa, chị sẽ quyết định "cắt" khẩu phần ăn sáng bên ngoài của cả nhà. Thay vào đó, chị sẽ tự chuẩn bị bữa sáng cho chồng và các con để tiết kiệm một khoản tiền không hề nhỏ.

CPI tháng 11 tăng kỉ lục vì giá thực phẩm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 9 năm gần đây.

Tổng cục Thống kê cho biết sở dĩ CPI tháng 11 tăng cao là do nguồn cung thịt heo giảm, làm giá thịt heo và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.

IMG_3418

Nhiều bà nội trợ bắt đầu quan tâm thuỷ hải sản thay vì thịt heo. (Ảnh: Phúc Minh).

Tổng cục Thống kê cho biết sở dĩ CPI tháng 11 tăng cao là do nguồn cung thịt heo giảm, làm giá thịt heo và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.

Trong mức tăng 0,96% của CPI tháng 11/2019, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá tăng. Nhóm hàng dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, với 2,74%.

Nhóm thực phẩm tăng 4,11%. Nguyên nhân chính là giá thịt heo tăng 18,51%, tác động CPI chung tăng 0,78%.

Do thịt heo tăng cao, nhiều bà nội trợ chuyển hướng sang thịt gà, thịt bò, thủy hải sản nên trên thị trường chợ truyền thống, tiếp tục có sự rục rịch tăng giá những mặt hàng này.

Ghi nhận cho thấy do giá thịt heo và thịt bò không còn chênh lệch nhiều nên bà nội trợ chuyển qua dùng thịt bò, lại khiến mặt hàng này tăng 10.000 đồng/kg so với trước, từ 280.000 đồng/kg lên thành 290.000 đồng/kg.

Mặt hàng thủy sản cũng nhích nhẹ ở một số loại phổ biến như cá diêu hồng, tôm, mực… tăng nhẹ từ 5.000-10.000 đồng mỗi kg.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết thịt quay, giò chả tăng 5,99%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,59%; giá thịt bò tăng 1,29%; giá thịt gà tăng 1,57%; giá cá, tôm tươi ướp lạnh tăng từ 0,89-1,36%; giá thủy sản chế biến tăng 0,49%…

Theo Bộ Công Thương, dự báo nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn, tính cho 3 tháng gần Tết, tức 11-12/2019 và tháng 1/2020. Ước tính, mỗi tháng cận Tết Nguyên đán Canh Tí, thị trường thiếu hụt khoảng 70.000 tấn heo hơi.

Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt heo, để bình ổn thị trường.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương định hướng cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đưa các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối… chế biến từ thịt heo đông lạnh nhập khẩu, nhằm thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.