Quận Thanh Xuân mở rộng đường Nguyễn Tuân, các hộ dân bị thu hồi đất sẽ được đền bù ra sao?

Đối với các hộ dân thuộc diện thu hồi đất ở để thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính và UBND quận Thanh Xuân, đã đề xuất hỗ trợ bằng 20 - 30% giá đất ở. Tổng diện tích hỗ trợ theo giá đất ở không vượt quá hạn mức 60 m2 đất/hộ.

Đường Nguyễn Tuân nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Xung quanh kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội, cử tri quận Thanh Xuân đã đề nghị UBND thành phố triển khai dự án đường Lương Thế Vinh kéo dài (đoạn từ đầu ngõ 495 Nguyễn Trãi đến đường vào cụm 3 trường thuộc phường Thanh Xuân Nam).

Bên cạnh đó, đề nghị thành phố xem xét, nâng mức hỗ trợ về đất đối với các hộ gia đình phải giải phóng mặt bằng để triển khai dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân.

Trả lời kiến nghị cử tri, Hà Nội cho biết, dự án đường Lương Thế Vinh kéo dài chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của thành phố do không có cơ sở bố trí vốn để triển khai.

Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các đơn vị để xem xét, đánh giá sự cần thiết đầu tư, bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Đối với dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân, vào tháng 10/2018, quận Thanh Xuân đã phê duyệt dự án với quy mô chiều dài 720 m, mặt cắt ngang mở rộng lên thành 21 m (gồm 15 m nền đường và 6 m vỉa hè). Tổng diện tích sử dụng đất khoảng 15.120 m2, tổng mức đầu tư hơn 399 tỷ đồng.

Ban đầu, thời gian thực hiện được phê duyệt là 2018 - 2020. Sau đó, dự án này đã được điều chỉnh thời gian thực hiện thành 2018 - 2024.

Theo thống kê hồi tháng 6/2023, dự án này sẽ thu hồi giải phóng mặt bằng 14.334 m2 của 172 trường hợp, gồm 11 tổ chức, 160 hộ dân và 1 khu tập thể cao 2 tầng. Hiện nay, công tác GPMB dự án vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 22 trường hợp có nguồn gốc đất do Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Chính quản lý, sử dụng.

Vào những năm 1970 - 1980, Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất để giao cho một số các cơ quan, đơn vị và hình thành tuyến đường (đặt tên là Nguyễn Tuân); phần còn lại phía hai bên đường không còn sử dụng để canh tác.

Theo bản đồ địa chính được xác nhận năm 1996 thì các khu đất này có công trình nhà ở, sổ mục kê năm 2000 ghi là đất ở, nên xác định các hộ sử dụng làm nhà ở, đất ở từ trước tháng 10/1993. Diện tích còn lại một số hộ tự xây nhà ở, chuyển đổi sang làm đất ở từ sau ngày 15/10/1993 đến trước 1/7/2004.

Ngày 7/9 vừa qua, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính và UBND quận Thanh Xuân đã có tờ trình liên ngành đề xuất chính sách hỗ trợ về đất cho các hộ dân phải GPMB.

Cụ thể, hỗ trợ bằng 30% giá đất ở để áp cho phần diện tích đất thu hồi có xây dựng nhà ở và các công trình để ở sử dụng trước ngày 15/10/1993. Hỗ trợ 20% giá đất ở cho phần diện tích đất thu hồi có xây dựng nhà ở và các công trình để ở sử dụng từ sau ngày 15/10/1993 đến trước 1/7/2004. Tổng diện tích hỗ trợ theo giá đất ở không vượt quá hạn mức 60 m2 đất/hộ.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.