Quảng Ngãi xem xét dừng công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh

Từng đầu tư 22 tỷ đồng cho đề án công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh từ 2015, nay Quảng Ngãi muốn kết thúc do "không nhìn thấy rõ hiệu quả kinh tế và xã hội".

Đây là thông tin được ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cung cấp tại buổi họp báo quý I do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chiều 7/4.

Ông Đặng Văn Minh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cáo UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định kết thúc đề án công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Đến thời điểm hiện tại, đề án này đã tiêu tốn khoảng 22 tỷ đồng ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Theo ông Minh, sau khi rà soát toàn bộ đề án, UBND tỉnh cho rằng hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ ràng. 

"Trong quá trình thực hiện thì có thể được có thể không được, chứ không phải thực hiện bằng mọi giá, việc bố trí kinh phí hàng năm đúng quy định thì quyết toán là bình thường", Tiền phong dẫn lời ông Minh phát biểu trong buổi họp. 

Quảng Ngãi xem xét dừng công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh - Ảnh 1.

Đảo Lý Sơn, vùng lõi của đề án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh, từng được lãnh đạo Quảng Ngãi đánh giá sẽ giúp tỉnh phát triển bền vững. (Ảnh: Zing News).

Đề án công viên địa chất được triển khai từ năm 2015 với tên gọi ban đầu là Công viên địa chất toàn cầu Bình Châu - Lý Sơn.

Nghị quyết Đảng bộ và HĐND tỉnh năm 2015 từng xác định việc thực hiện dự án này một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.

Năm 2017, UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm cơ quan thường trực. 

Từ đó đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các chuyên gia quốc tế tiến hành hàng chục đợt khảo sát, với khoảng 160 hành trình khảo sát địa mạo, cảnh quan, và địa văn hóa nhằm xác định tổng thể các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất. Nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế về công viên đã được tổ chức, thu hút hàng trăm nhà khoa học.

Năm 2019, Ban Quản lý đánh giá diện tích Lý Sơn và vùng phụ cận quá nhỏ để làm đề án nên đề nghị tỉnh mở rộng lên 4.600 km2, bao gồm nhiều diện tích trên đất liền.

Cuối 2019, hồ sơ dự thảo về công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được gửi cho UNESCO và vượt qua vòng sơ loại. Theo quy định, tổ chức này sẽ biểu quyết bằng phiếu bầu tại Hội nghị thường niên của Đại hội đồng UNESCO dự kiến ban đầu tổ chức vào cuối 2020 tại Jeju Hàn Quốc. Tuy nhiên, Covid -19 bùng phát trên toàn cầu nên việc thẩm định bị hoãn.

Theo ông Đặng Văn Minh, việc UBND tỉnh đồng ý cho mở rộng diện tích công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh là chưa đúng theo tinh thần nghị quyết đảng bộ lần thứ 19 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có quyết định chính thức về việc này nên dù UBND tỉnh có gửi hồ sơ cho UNESCO thì cũng không đảm bảo đúng quy định.

Công viên địa chất toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn để bảo tồn di sản địa chất hài hòa với bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển kinh tế, du lịch. Ở Việt Nam có ba nơi đã được công nhận công viên địa chất toàn cầu là công viên đá Đồng Văn (Hà Giang), công viên địa chất Non nước Cao Bằng và công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đăk Nông.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.