Không có đứa trẻ nào hư! | |
Con hư tại 10 lỗi dạy con rất tai hại này của bố mẹ |
Đọc truyện trước khi đi ngủ và nói chuyện với trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh có tác dụng kích thích não bộ phát triển, không những thế thói quen tưởng chừng như bình thường này còn tạo tiền đề cho trẻ đạt thành tích tốt hơn ở trường học, một nhóm các nhà nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu thực hiện nhằm vào đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ ra rằng có sự khác biệt rõ rệt trong các kỹ năng liên quan đến ngôn ngữ ở trẻ được nói chuyện với bố mẹ nhiều và trẻ ít được như vậy.
Hãy nói chuyện với con ngay từ giai đoạn sơ sinh. (Ảnh: Lily Sophia Photography) |
Với cùng một bài kiểm tra ngôn ngữ, những em bé ít được nói chuyện với bố mẹ đạt kết quả kém hơn, và khi tròn 24 tháng tuổi, kỹ năng ngôn ngữ của một số bé bị thụt lùi so với những đứa trẻ cùng tuổi đến 6 tháng. Hạn chế này sẽ vẫn tiếp diễn và ảnh hưởng đến khả năng học tập ở trường học trong 6 năm tiếp theo.
Giáo sư Anne Fernald, nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Stanford cho biết việc trò chuyện với trẻ sơ sinh sẽ giúp trẻ nắm bắt được các quy tắc, nhịp điệu của ngôn ngữ từ khi trẻ còn rất nhỏ và tạo nền tảng xây dựng vốn hiểu biết cơ bản về cách thức thế giới hoạt động.
Việc nói đi nói lại những câu quen thuộc giúp trẻ ghi nhớ từ ngữ, đồng thời trẻ học được mối quan hệ giữa các từ đó. Một câu đơn giản như “trời hôm nay đẹp quá, mẹ đẩy xe cho con đi ra ngoài chơi nhé” cũng giúp trẻ mường tượng bức tranh về thế giới tươi đẹp bên ngoài.
“Bố mẹ cần nói chuyện với con ngay từ ngày đầu tiên con chào đời”, Giáo sư Fernald phát biểu tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội khoa học tổ chức ở Chicago mới đây. "Nói chuyện với con ngay từ giai đoạn sơ sinh nghĩa là bạn đang góp phần gây dựng nên một trí tuệ, trí tuệ này có khả năng nghĩ về quá khứ và cả tương lai”.
Việc nói đi nói lại những câu quen thuộc giúp trẻ ghi nhớ từ ngữ, đồng thời trẻ học được mối quan hệ giữa các từ đó. (Ảnh: Bambooshoots) |
Giáo sư Fernald mô tả một loạt thí nghiệm mà cô đã thực hiện nhằm kiểm tra kỹ năng xử lý ngôn ngữ của trẻ. Trong một thí nghiệm, một nhóm trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi ngồi trong lòng của bố mẹ, còn bố mẹ thì ngồi trước màn hình máy vi tính đang hiển thị hình ảnh một em bé và một chú chó ngồi cạnh nhau.
Các nhà nghiên cứu sử dụng máy quay video tốc độ chậm để ghi lại phản ứng của trẻ nhanh đến mức nào khi nghe lệnh “nhìn sang bên em bé” hoặc “nhìn sang bên chú chó”. Nửa thời gian trong bài kiểm ra này, trẻ nhìn đúng hình theo mệnh lệnh.
Bài kiểm tra này nhằm đánh giá khả năng xử lý thông tin của trẻ. Ở nhóm trẻ nhỏ tuổi hơn, trẻ có dừng lại một lát rồi sau đó mới nhìn đúng vào hình theo mệnh lệnh yêu cầu. Nhưng khi kỹ năng ngôn ngữ của trẻ cải thiện, mắt trẻ chuyển hướng nhanh hơn và nhìn vào đúng hình ảnh có em bé hoặc có chú chó.
Trong một nghiên cứu khác, giáo sư Fernald phát hiện ra rằng nhóm trẻ ít được bố mẹ nói chuyện cùng nhìn vào bức ảnh theo đúng mệnh lệnh chậm 200 mili giây so với nhóm trẻ nói chuyện nhiều với bố mẹ. Khi bố mẹ trò chuyện nhiều với trẻ sơ sinh, khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ nhanh hơn.
Khi bố mẹ nói chuyện nhiều hơn với con cái, chính bố mẹ sẽ dễ dàng phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của con mình. (Ảnh: Lily Sophia Photography) |
Giáo sư Fernald cho biết trẻ phát triển ngôn ngữ tốt nhất khi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tham gia vào cuộc trò chuyện về những điều trẻ đang thấy hứng thú. Cô cho biết, cho trẻ xem ti vi hoặc iPad không thể thay thế được việc nói chuyện trực tiếp với trẻ, thậm chí ti vi, iPad còn gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.
“Khi bố mẹ nói chuyện nhiều hơn với con cái, chính bố mẹ sẽ dễ dàng phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của con mình. Chăm sóc con cái là nghĩa vụ của bố mẹ. Hàng ngày bạn cho con ăn, ru con ngủ, tắm cho con, giúp con thay quần áo, vậy thì hãy nói chuyện với con trong khi bạn làm những công việc đó”, giáo sư Fernald nói thêm.
Trong khi đó, một giáo sư khác, giáo sư Erika Hoff, nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Florida Atlantic, chia sẻ rằng bố mẹ không nên hạn chế vốn từ mà hoàn toàn có thể sử dụng từ ngữ phong phú với các cấu trúc câu phức tạp khi nói chuyện với trẻ. “Trẻ sẽ không thể học hỏi điều mới lạ nếu chưa từng được nghe về chúng”, giáo sư kết luận.