Trước đó, các ĐB đã nghe Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2020.
Theo tờ trình, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí cơ bản như: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; Không trùng với các chuyên đề đã được QH, UBTVQH giám sát trong 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất…
Quốc hội sẽ giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tính đến ngày 23/3, Tổng thư ký QH đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, UBTVQH đề nghị QH xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Góp ý kiến, đa số các ĐB đồng tình chọn chuyên đề 1.
Theo ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hoà), điều quan trọng nhất mà cử tri, nhân dân quan tâm đó là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, từ TƯ tới cấp xã.
"Nhiều người thắc mắc tại sao chúng ta có nhiều cơ quan, từ TƯ tới cơ sở tham gia mà tình trạng xâm phạm trẻ em vẫn diễn ra", ông Thân nói.
Ông đề nghị QH mở rộng phạm vi giám sát, có những biện pháp để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo luật Trẻ em 2016.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, có một vấn đề lâu này ít được quan tâm là hoạt động báo chí.
Theo ông, hoạt động báo chí cơ bản góp phần tích cực trong xã hội thời gian qua. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có trường hợp, tình huống không thể không giám sát.
ĐB Vân đề cập đến quyền tác nghiệp của phóng viên, còn không ít nơi ngăn cản, né tránh báo chí. Cá biệt có những nơi còn ngăn cản, hành hung phóng viên.
Ngoài ra, có hiện tượng lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Ông đề nghị có thể không giám sát tối cao ở QH nhưng cần thiết phải giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí hoặc giao cho UB Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH giám sát.