Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, một trong số các luật sư của Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM được phân công bảo vệ em bé trong vụ án.
Việc em bé ở chung cư Galaxy đã tố cáo hành vi bất chính của người đàn ông trong thang máy với người nhà, để người thân của em ngay tại thời điểm xảy ra sự việc đã liên lạc tới bảo vệ chung cư Galaxy và yêu cầu truy xuất camera, xác định nhân thân của ông Nguyễn Hữu Linh, là yếu tố rất quan trọng để có đủ bằng chứng đưa ông Linh ra tòa.
Ngày 27/5, bị can Nguyễn Hữu Linh đã đến Tòa án nhân dân quận 4 để nhận các quyết định triệu tập liên quan vụ án dâm ô với người dưới 16 tuổi. VKSND quận 4 đã tống đạt cáo trạng truy tố đến bị can Nguyễn Hữu Linh.
TAND quận 4 cho biết sau khi nhận hồ sơ, cáo trạng truy tố ông Linh, TAND quận 4 đã ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can này.
Hiện nay, ông Linh đang tạm trú tại một căn nhà đứng tên con gái ông ở quận 2 và thường xuyên trình diện chính quyền địa phương.
TAND quận 4 đang nghiên cứu cáo trạng và hồ sơ vụ án, chưa thể khẳng định có trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Việc xử lý sai phạm của bị can nguyên là Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng gặp không ít khó khăn, khi mặc dù có bằng chứng là đoạn video trong camera an ninh đã ghi lại, nhưng dư luận cũng dấy lên nhiều câu hỏi nóng bỏng về việc luật quy định thế nào là dâm ô, thế nào là sàm sỡ?
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, một trong số các luật sư của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM được phân công bảo vệ em bé trong vụ án này, cho biết: “Tội dâm ô đòi hỏi chứng cứ. Vì dâm ô hoặc thì không thể nào có người làm chứng, vì không ai làm những chuyện đó cho người thứ 3 đứng xem. Vì vậy, trong vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Hữu Linh, yếu tố thuận lợi là có camera ghi lại.
Những hành vi của bị can, như chúng ta thấy là rõ ràng đã có hôn miệng em bé, vượt quá mọi phạm vi cho phép về cưng nựng trẻ. Với một người xa lạ, không hề quen biết, bước vào nơi vắng vẻ chỉ có hai người mà hành động như thế là cưỡng hôn. Bằng chứng này đủ mạnh để đưa bị can Nguyễn Hữu Linh ra tòa ngay cả khi gia đình em bé không yêu cầu khởi tố”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ khẳng định ông Linh làm việc lâu năm tại cơ quan thực thi pháp luật nhưng lại phạm pháp là yếu tố tăng nặng.
“Tòa sẽ xem xét các yếu tố của bị can, chẳng hạn như phạm tội lần đầu, mới chỉ có một lần gây án, có nhân thân tốt, nên có thể được tại ngoại theo luật quy định. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến các yếu tố khác, chẳng hạn như là người trong ngành kiểm sát, là cơ quan thực thi luật pháp, hơn ai hết, bị can hiểu luật pháp và lẽ ra phải ý thức được hậu quả từ hành vi phạm pháp của mình, đây lại là yếu tố tăng nặng chứ khó có thể giảm nhẹ" - Luật sư phân tích.
"Nhưng bây giờ với gia đình em bé, khi được hỏi có yêu cầu bồi thường hay không, vì theo luật quy định, bị can có thể phải bồi thường tới 50 tháng lương, thì gia đình em bé lại không yêu cầu bồi thường. Đó là khó khăn cho Hội đồng xét xử bởi vì công luận đang rất nóng lòng chờ xem kết quả phiên xử sẽ thế nào cho đúng người đúng tội” – Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.