Năm 2021, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành hàng hải Việt Nam là tiếp tục duy trì sự tăng trưởng của khối cảng biển trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, một nhiệm vụ quan trọng không kém mà ngành này phải thực hiện đó là xây dựng quy hoạch cảng biển giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050, tạo tiền đề phát triển bền vững kinh tế biển theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, sau 20 năm thực hiện các quy hoạch; trong đó có quy hoạch cảng biển, Việt Nam đã hình thành được một hệ thống cảng biển hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam. Hiện nay, Việt Nam có 45 cảng biển và 263 bến cảng, với tổng chiều dài khoảng 89 km. Đặc biệt, với việc đầu tư trọng tâm ở phía Nam là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, phía Bắc là cảng nước sâu Lạch Huyện cộng với các giải pháp để đón được các tàu có trọng tải lớn, Việt Nam bước đầu đã hình thành và có tốc độ phát triển rất nhanh hai cảng biển nước sâu có năng lực đón các tàu chạy biển tuyến xa (tàu mẹ) đi bờ Tây nước Mỹ, châu Âu.
"Nếu như khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2000 chỉ đạt gần 82 triệu tấn thì đến năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng, đạt hơn 630 triệu tấn, tăng gần gấp 8 lần. Còn so với năm 2019, khối lượng hàng hóa tăng hơn 5% và tăng 80 triệu tấn so với thiết kế.
Ngoài ra, sản lượng vận tải của đội tàu Việt Nam cũng không ngừng gia tăng. Từ năm 2015 đến nay, đội tàu biển Việt Nam đã đảm nhận hầu hết lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, gần 10% hàng hóa xuất nhập khẩu… Kết quả này là nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển được chú trọng phát triển trong thời gian qua", Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá.
Là đơn vị giúp Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải và cũng là đơn vị xây dựng quy hoạch cảng biển giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, đến thời điểm hiện tại, quy hoạch cảng biển cho 10 năm tới và tầm nhìn 30 năm đã cơ bản hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, với mục tiêu là quy hoạch cảng biển phải đi trước một bước nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để đánh giá, xin ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp…Tuy nhiên, vấn đề là quy hoạch được triển khai theo đúng lộ trình tránh như giai đoạn trước, ở một vài nơi có hiện tượng cung vượt quá cầu gây lãng phí nguồn lực.
Một điểm quan trọng là trong quy hoạch lần này đã tính tới sự kết nối giao thông. Hiện nay, kết nối giao thông tại một số nơi, khu vực chưa đồng bộ với hệ thống cảng biển, nhu cầu cảng biển. Tình trạng đô thị hóa sát với khu vực cảng biển làm cho hệ thống kết nối giao thông tại những nơi này quá tải khi phải gánh cả giao thông đô thị làm xung đột giao thông với cảng biển. Hiện cảng Quy Nhơn, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… đều đang bị hiện tượng này.
Do đó, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định, quy hoạch cảng biển sẽ phải tính đến sự phù hợp với quy hoạch đô thị để đảm bảo sự kết nối giao thông với cảng biển được tốt nhất. Định hướng sắp tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện hữu, đẩy mạnh đầu tư trọng tâm, trọng điểm cũng như thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác kết hợp với ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) chia sẻ, một trong những điểm mới của quy hoạch ngành giao thông nói chung, lĩnh vực hàng hải nói riêng là sẽ tập trung thể hiện những quan điểm phát triển của ngành theo đúng nội dung tại các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ đạo, đảm bảo tính đồng bộ giữa các phương thức vận tải, khắc phục tất cả những hạn chế của các quy hoạch trước đây.
Cũng theo ông Nguyễn Danh Huy, với lợi thế về chi phí vận chuyển rẻ, thích hợp với vận chuyển khối lượng lớn, cự ly xa, hàng hải sẽ đóng vai trò là phương thức vận tải chủ yếu phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, sẽ phải cơ cấu lại tỷ trọng các lĩnh vực để phát huy vai trò của lĩnh vực vận tải biển cũng như nguồn lực đầu tư trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia giao thông, để hàng hải khơi thông luồng hàng, bứt phá, cạnh tranh và hội nhập, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, ngành hàng hải cần xây dựng, triển khai quy hoạch đồng bộ, đồng thời, tổ chức khai thác có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối liên thông giữa cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành hàng hải cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển lớn chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức…
Theo đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam nâng cao năng lực đội tàu. Ngoài ra, ưu tiên thị phần vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cho đội tàu trong nước và đảm bảo thị phần vận tải nhất định hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam cho đội tàu trong nước.
Về nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng cảng biển, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang thông tin, theo dự báo đến năm 2030, với lượng hàng hóa gấp 2 lần như hiện nay thì nhu cầu về vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển khoảng 100 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, hạ tầng hàng hải có tính chất đặc thù, trừ các hạ tầng công cộng dùng chung như luồng tàu biển, đê chắn sóng, chắn cát được đầu tư bằng nguồn ngân sách, hầu hết hạ tầng cầu bến cảng được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Do đó, khi quy hoạch được phê duyệt, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ các dự án ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để tạo động lực phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ này sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển với sự hỗ trợ của Nhà nước về cấp đất, ưu đãi thuế, vốn vay... cũng như triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và có hiệu quả các đề án xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển đã được phê duyệt.