ngày 18/12, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức Hội thảo chuyên đề về thực trạng triển khai các giải pháp giảm ngập nước trong 5 năm qua, cũng như đề xuất các giải pháp và chỉ tiêu định hướng cho giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn TP.
Tại hội thảo, các đại biểu phân tích nguyên nhân phát sinh các điểm ngập mới; vai trò của các nhóm giải pháp công trình và phi công trình được áp dụng trong thời gian qua; nguồn vốn về chống ngập…
KS Nguyễn Anh Tuấn. (Ảnh: Bách Hợp).
Nhiều đại biểu cho rằng khi đầu tư công trình cần phải làm dứt điểm ở từng khu vực trong bối cảnh mà nguồn kinh phí còn hạn hẹp… Vì thế, trong giai đoạn nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy hoạch thì cần theo nguyên tắc đồ án điều chỉnh quy hoạch nào thực hiện xong trước thì trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt trước nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc "quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn" ngay từ giai đoạn rà soát lập điều chỉnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trung tâm hạ tầng kĩ thuật TP HCM cho rằng, TP cần đặt vấn đề giải quyết hết ngập có nghĩa là không chỉ hết ngập ở đường phố mà còn cả ở hẻm nhỏ, nhà dân cũng không ngập. Cần phải đặt ra mục tiêu bền vững là phải giải quyết hết ngập chứ không chỉ là giảm ngập.
Về phần mình, TS Trương Hoàng Trương - Khoa đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM lại cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn còn hạn hẹp thì phải tận dụng các giải pháp phi công trình. Hiện nay người dân còn thường xuyên đổ rác, thức ăn dư thừa xuống cống nên cần phải tăng cường tuyên truyền ý thức người dân.
TS Võ Kim Cương. (Ảnh: Bách Hợp).
Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM đánh giá, dường như trong công tác chống ngập thì các quy hoạch đang chồng chéo nhau. Ông Cương cho rằng trong chống ngập thì Quy hoạch 1547 là quy hoạch chủ đạo, có tính chất quyết định nhất bởi khi làm xong các công trình lớn, đê bao bờ hữu sông Sài Gòn thì sẽ làm thay đổi hoàn toàn tình hình chống ngập. Vì thế TP cần phải tập trung ưu tiên số 1 là dự án chống ngập gần 10 ngàn tỉ đồng của Trung Nam.
"Nếu chúng ta giải quyết được, hoàn thành sớm các công trình của Quy họạch 1547 thì sẽ thay đổi rất nhiều, kể cả thoát nước, cao độ nền, cao độ các tuyến đường… đều phụ thuộc. Tiếc là dự án này đang chậm trễ", ông Cương chia sẻ.
TS Nguyễn Quang Trưởng. (Ảnh: Bách Hợp).
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quang Trưởng - Khoa Kĩ thuật xây dựng, Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, TP cần tập trung vào dự án trên bởi dự án này rất quan trọng để giúp hạ mức triều xuống. Nhưng bên cạnh đó cần phải cải tạo hệ thống cống để tránh tắc nghẽn gây ra ngập.
"Hồ điều tiết là xu hướng các nước tiên tiến, rất hiệu quả trong phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, đặc thù của thoát nước TP là thoát nước chung, nếu chứa vào hồ điều tiết thì kiểm soát chất lượng nước như thế nào", ông Trưởng băn khoăn.
Theo báo cáo của Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, trong giai đoạn 2016 – 2018, TP đã giải quyết 4/9 tuyến đường ngập do triều và khi dự án chống ngập gần 10 ngàn tỉ đồng cùng với dự án bờ tả sông Sài Gòn hoàn thành sẽ giải quyết triệt để các tuyến ngập do triều. Đầu năm 2016, TP còn 40 tuyến đường ngập do mưa, đến nay đã giải quyết 24 tuyến.