Nha Trang định hướng phát triển đô thị du lịch dọc sông Cái, mở rộng công viên ven biển, ven sông

UBND TP Nha Trang đang lấy ý kiến cộng đồng về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040.

 Một góc Nha Trang. (Ảnh: Chu Lai).

Theo đồ án, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế chính của TP Nha Trang. TP sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng và nâng cao vị thế, chất lượng phát triển du lịch, dịch vụ; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Cụ thể, TP Nha Trang tiếp tục phát huy giá trị của dải đô thị trung tâm ven biển – một trong những giá trị chính tạo ra sức hấp dẫn của du lịch thành phố.

TP sẽ tập trung phát triển đô thị du lịch dọc sông Cái; phát triển đô thị sáng tạo thu hút kinh tế tri thức trong toàn TP với trọng điểm là khu đô thị mới tại Diên An, Diên Toàn và Vĩnh Hòa.

Ngoài ra, TP cũng tập trung phát triển du lịch gắn với các khu đô thị, khai thác các hệ sinh thái đặc thù, như: bùn - nước khoáng nóng, biển, đầm, núi, nông nghiệp cảnh quan...; phát triển du du lịch chất lượng cao, du lịch chăm sóc sức khỏe hiện đang là xu hướng phổ biến của một số quốc gia châu Á và đặc biệt phù hợp với tiềm năng và lợi thế của Nha Trang.

TP Nha Trang hướng đến việc mở rộng bãi tắm và công viên ven biển, ven sông, đan xen hợp lý với các dịch vụ phục vụ cộng đồng, các không gian đô thị, để tăng tần suất và hiệu quả sử dụng công viên; xây dựng các khu công viên sinh thái, công viên chuyên đề trên biển, trên núi, tại vùng đồng trũng, vùng sinh thái nông nghiệp,..;

Đặc biệt, TP Nha Trang hướng đến việc xây dựng cảng du lịch quốc tế Nha Trang có khả năng đón du thuyền quốc tế lớn, đồng thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các loại phương tiện giao thông thủy khác.

Song song đó là mở rộng, bổ sung các cảng du lịch cộng đồng, bến thủy nội địa, bến du thuyền tại: khu vực cửa sông Quán Trường (Cửa Bé – giáp núi Hòn Rớ); khu vực biển Vĩnh Hòa, Vĩnh Lương; trên các đảo; khu vực chân đèo Cù Hin; khu vực phía Nam cầu Trần Phú; khu vực đồng trũng phía Nam đường Phong Châu; dọc theo các sông và tại khu vực có tiềm năng, có nhu cầu khác, dọc theo ven biển, ven sông và không gây ảnh hưởng đến các khu chức năng trên bờ…

TP Nha Trang sẽ điều chỉnh thiết kế công viên ven biển để tạo thuận lợi và hấp dẫn hoạt động vui chơi, giao lưu công cộng, phục vụ tốt cho hoạt động tắm biển; Bổ sung dịch vụ vào công viên ven biển với mật độ xây dựng gộp tối đa là 5% để tạo thuận lợi và hấp dẫn hoạt động vui chơi, giao lưu công cộng.

Đồng thời, mở rộng công viên phía Nam cầu Trần Phú tới bề rộng tương đương với khu vực phía Bắc cầu để làm giảm tác động xói lở tại khu vực phía Nam cầu và không ảnh hưởng đến dòng chảy, bổ sung bến tàu du lịch cho khu vực trung tâm thêm sống động, tăng giá trị (hiện nay, khu vực này hầu như không có người sử dụng).

Thúc đẩy việc đầu tư xây dựng và tái phát triển công viên – quảng trường công cộng Nam sông Cái, gắn với khu đô thị trung tâm phát triển mới và cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp. Cải tạo chỉnh trang hạ tầng khu vực cồn Ngọc Thảo để nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Khu vực cồn Nhất Trí định hướng giải toả một phần dân cư hiện hữu ven sông, bố trí khu đô thị sinh thái nước – tạo thành một dự án chiến lược, thay đổi cảnh quan khu vực cửa ngõ của sông Cái.

Đơn vị lập quy hoạch cũng lưu ý, tổ chức không gian đô thị hai bên sông lấy không gian cảnh quan sông và công viên ven sông làm trung tâm. Trục cảnh quan ven sông Cái được coi như mặt tiền đô thị quan trọng thứ hai của thành phố - sau dải ven biển.

Nha Trang hạn chế ở mức tối thiểu việc tổ chức đường đi sát sông hoặc sát công viên ven sông để không gian ven sông và các khu đô thị lân cận không bị đường cơ giới chia cắt,...

chọn
Thủ tướng 'chốt' thời hạn cho loạt 'siêu dự án' vùng Đông Nam Bộ
Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án trọng điểm trong vùng Đông Nam Bộ như: Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM; cảng Cần Giờ; các cao tốc Vành đai 4 TP HCM, Bình Phước - Đắk Nông, TP HCM – Mộc Bài...