Là người đóng góp nhiều ý kiến cho Quy hoạch, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những nội dung cốt lõi của Quy hoạch liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
- Quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai. Ông đánh giá thế nào về tính ưu việt của Quy hoạch trong phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu?
PGS.TS. Lê Anh Tuấn: Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch tích hợp cấp vùng lần đầu tiên được thực hiện trong cả nước theo nội dung của Luật Quy hoạch 2017 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 287/QĐ-TTg.
Có thể nói, đây là một thử thách lớn của nhóm thực hiện quy hoạch vì phải xử lý một khối lượng lớn dữ liệu của nhiều ngành và bảo đảm các vấn đề hài hoà giữa các bên liên quan nhằm tạo ra một ưu thế từ các giải pháp phù hợp nhất trên cơ sở giá trị vượt trội của từng tiểu vùng và cả vùng.
Đồng thời, cụ thể hóa những đề xuất phát triển vùng ĐBSCL cho lợi ích kinh tế quốc gia, sự bền vững về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và xã hội, ứng phó tốt hơn với những tác nhân bất lợi của biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm bớt những yếu tố hạn chế gây cản trở trong việc phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng.
Quy hoạch này phù hợp chủ trương lớn về "thuận thiên" của Chính phủ với mục tiêu biến ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế, các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với BĐKH.
Mặt khác, quy hoạch chú trọng phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh.
- Như ông đã từng nhận định: "Thách thức cơ bản nhất về BĐKH cho vùng ĐBSCL là nước biển dâng-xâm nhập mặn, biến động nguồn nước sông Mekong ở đầu nguồn và thời tiết bất thường gia tăng". Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ giải quyết thách thức này như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Lê Anh Tuấn: Quy hoạch đã dựa vào các cơ sở khoa học, kế thừa các quy hoạch phát triển trước đó, phân chia vùng ĐBSCL thành 3 vùng sinh thái nước chính là vùng nước ngọt, vùng nước lợ và vùng nước mặn.
Từ 3 vùng lớn, 14 tiểu vùng được nhận diện theo từng đặc điểm địa lý sinh thái, sản xuất và yếu tố nước đặc thù với sự xem xét các kịch bản BĐKH, nước biển dâng - xâm nhập mặn, thời tiết bất thường gia tăng và các tình huống biến động nguồn nước sông Mekong ở đầu nguồn.
Từ một tầm nhìn xa hơn, đến năm 2030 và 2050, các hình thái sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông, đô thị… sẽ phải chuyển đổi từng giai đoạn, ứng phó tốt hơn các biến động bất lợi của BĐKH và các yếu tố ngoại vi khác.
Đồng thời trong quy hoạch cũng đề xuất 8 trung tâm đầu mối như là cụm sản xuất, chế biến, dịch vụ logistic, cung cấp thông tin phù hợp theo hướng làm tăng các giá trị nông sản và phát triển kinh tế, tạo sinh kế mới và mục tiêu cuối cùng là để có một chất lượng sống tốt hơn cho các địa phương trong khu vực.
- Sự kết nối và cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL chưa thực sự hiệu quả và còn lỏng lẻo, làm hạn chế năng lực triển khai các chương trình, kế hoạch. Những nội dung nào của quy hoạch vùng sắp tới sẽ khắc phục được hạn chế này, tạo động lực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, thưa ông?
PGS.TS. Lê Anh Tuấn: Vấn đề kết nối và cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL là một hạn chế lớn trong kỳ vọng phát triển hài hoà cho vùng và các tiểu vùng. Trên cơ sở Quy hoạch vùng đã được phê duyệt với 8 trung tâm đầu mối cho 13 tỉnh thành phố, mỗi trung tâm đầu mối phải trở thành trục kết nối và liên kết giữa các địa phương và liên kết giữa các ngành.
Trong các nội dung cốt lõi của Quy hoạch có 2 vấn đề nổi lên. Thứ nhất là xây dựng mục tiêu tổng quát phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng cho thời kỳ đến năm 2030 và cho từng giai đoạn 5 năm. Thứ 2 là xây dựng phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn, phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng.
Đây chính là 2 nội dung sẽ cụ thể hóa và kết nối thống nhất, đồng bộ hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia. Đây cũng là cơ sở để lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng đảm bảo được tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tôi cho rằng trong quá trình thực hiện các kế hoạch từ bản quy hoạch, các bất cập về chính sách và thể chế như các vấn đề về sử dụng ngân sách tỉnh, các tiêu chí hay quy phạm không phù hợp sẽ được Chính phủ cân nhắc cải tiến và thay đổi để các kết nối, cơ chế điều phối liên kết tốt hơn, hiệu quả hơn.
- Theo nhận định của ông, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ phải làm gì để tích hợp hiệu quả với Quy hoạch vùng, tận dụng tốt lợi thế đặc thù của địa phương?
PGS.TS. Lê Anh Tuấn: Ngay từ đầu, các địa phương trong vùng đã tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch ĐBSCL với tư cách là cấp sẽ triển khai thực hiện, hưởng lợi và chịu sự tác động trực tiếp từ bản quy hoạch này. Điều này cần thiết để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những "nút thắt" để tạo đà cho phát triển, tạo sự đồng thuận cao, hướng tới kết nối giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.
Hiện nay, các tỉnh ở ĐBSCL đang thực hiện quy hoạch tích hợp ở quy mô cấp tỉnh, cũng vẫn theo tinh thần của Luật Quy hoạch 2017 và quan điểm Quy hoạch vùng đã xác định. Đó là theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH, chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy con người làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với BĐKH.
Quy hoạch cấp tỉnh sẽ xem xét và đề xuất việc tận dụng tốt lợi thế đặc thù của địa phương, đồng thời giảm thiểu các tác nhân bất lợi từ thiên nhiên và xu thế thị trường. Từ Quy hoạch, các địa phương có thể tận dụng thế mạnh đặc thù để sản xuất hướng tới chất lượng, đi vào chế biến sâu hơn là sản xuất thô, phân vùng nào là trung tâm logistics, thủy sản, trái cây… kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tôi lấy ví dụ, nhiều nông dân ở các địa phương vùng ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… đã có nhiều cách làm sáng tạo, thích ứng với BĐKH. Từ thực tế của địa phương, họ đã có các mô hình như nuôi tôm sinh thái, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, lựa chọn giống thích hợp với xâm nhập mặn…
Các địa phương cũng đã chú trọng đến lưu ý quy hoạch cấp tỉnh có mâu thuẫn với những hoạch định của quy hoạch vùng. Quy hoạch cấp tỉnh sẽ được một hội đồng xem xét, đánh giá và chỉnh sửa. Với nội dung quy hoạch cấp tỉnh, một kế hoạch được thực thi nhằm phát huy tối đa các cơ hội, tiềm năng để phát triển tốt hơn cho từng địa phương đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2050 là điều cần thiết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!