Tôi đã từng chứng kiến nhiều nhà báo coi chiếc thẻ hành nghề như một "Thượng Phương Bảo Kiếm", không ai không nể sợ. Ngay chính bản thân tôi, khi nhà hàng của vợ bị sách nhiễu, doạ nạt, tôi đã từng nghĩ ngay đến cây "thượng phương bảo kiếm" trong ví của mình. Chỉ là muốn lôi ra tự vệ trước một vài "vị" nhũng nhiễu. Nhưng cuối cùng tôi đã không làm…vì nhiều lẽ…
Tôi cũng đã từng đọc qua nhiều vụ công an lạm quyền hành hung người. Lấy lý do đang làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm mà đánh trước hỏi sau! Có những chiến sỹ công an mặc sắc phục lên người mà vẫn nạt nộ dân chúng. Như thể cảnh phục ấy là thứ "thượng phương bảo kiếm" giúp họ có quyền trảm trước tấu sau.
Tôi cũng từng chứng kiến các bác sỹ nạt nộ bệnh nhân, giáo viên nạt nộ học sinh, quan chức trong bộ máy hành chính thích hành là chính...
Tác giả Hoàng Anh Tú |
Tôi tự hỏi: có thực có một thứ quyền lực đến từ nghề nghiệp hay không ??? Là nhà báo thì có quyền doạ đưa lên báo, là công an thì có quyền đánh trước hỏi sau, bắt tạm giữ để điều tra, là bác sỹ thì nạt nộ bệnh nhân, doạ không thăm khám tử tế nếu không phong bì, là giáo viên có thể ép học sinh đi học thêm, cha mẹ phải chăm sóc cô ngày lễ tết, là cơ quan công quyền thì có cơ chế xin-cho....
Không! Vốn dĩ chẳng có nghề nào là có quyền lực cả. Nhà báo phụng sự đi tìm sự thật. Anh dùng thẻ sai mục đích anh sẽ bị kỷ luật tước thẻ nhà báo. Thậm chí đi tù. Công an cũng vậy. Anh bảo vệ bình an cho dân. Anh khiến dân chúng sợ anh là anh sai rồi. Anh lạm quyền thì anh cũng như dân, vào tù. Bác sỹ cũng vậy. Cấm phong bì điếu đóm. Giáo viên cũng vậy. Cấm học thêm dạy thêm. Các cơ quan hành chính cũng vậy. Cấm sách nhiễu hành là chính. Tất cả đều có chế tài rõ ràng, cụ thể! Chỉ là người dân có biết vậy hay không???
Tôi nghĩ người dân biết. Nhưng người dân vẫn sợ. Sợ chẳng phải đầu cũng phải tai. Nhà báo doạ thì cho nhà báo ít tiền hoặc trả tiền mua trang quảng cáo (mà chẳng thấy báo biếu đâu, chẳng biết mặt mũi trang quảng cáo đó đâu). Nhà báo vi phạm giao thông, rút thẻ thì công an vẫn cho nhà báo đi dù rõ ràng nhà báo sai luật. Vào bệnh viện thôi thì dúi tiền cho bác sỹ mua lấy sự yên tâm. Con cái đi học thêm cũng là tốt mà, xin thầy cô vì thế mà chiếu cố đến con em mình. Tới các cơ quan hành chính thì dúi cho ít tiền để đỡ bị hành lên hành xuống chạy đi chạy lại... Mọi mối quan hệ đều được bán với giá cụ thể!
Chúng ta tôn vinh những nghề cao quý như nhà báo xả thân giữ bút thép. Như chiến sỹ công an chắc tay súng bảo vệ trị an, tiêu diệt tội phạm, tiễu trừ cái ác. Như bác sỹ dốc lòng cứu chữa, chiến đấu với thần chết bảo vệ bệnh nhân. Như các giáo viên nỗ lực truyền thụ kiến thức, dạy các con nên người. Như các cơ quan hành chính giúp dân làm đúng luật.... Chứ chúng ta không tôn vinh quyền lực.
Chúng ta kính nể, yêu mến chứ không sợ sệt mà tiếp tay. Nếu được thế, hẳn những vụ hành hung nhà báo sẽ không có cơ hội xảy ra. Và nếu có xảy ra nó chỉ là va chạm gây gổ giữa một người dân với một người dân chứ không phải một nghề nghiệp với một nghề nghiệp. Để rồi trên mạng xã hội, người làm báo cám cảnh thân phận nhà báo bị hành hung mà đau xót, người làm ngành công an không phải thở dài vì lỡ đụng "ông báo". Và ngoài kia, sẽ không còn nữa những cuộc chiến quyền lực giữa nghề này với nghề kia...
Thực mong lắm thay!