“Hành vi này không những ảnh hưởng trực tiếp đến nhà báo, cơ quan báo chí mà còn ảnh hưởng đến quyền được thông tin của người dân, xã hội, cần phải lên án và phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Báo chí trung ương, Cục Báo chí, nhận định.
Công an huyện hành hung giữa đường
Sáng 23-9, trong lúc tác nghiệp về vụ việc một lái xe taxi tử vong tại khu vực cầu Nhật Tân (Đông Anh, Hà Nội), phóng viên (PV) Trần Quang Thế, công tác tại báo Tuổi Trẻ Văn phòng đại diện Hà Nội, đã bị một nhóm người hành hung.
Theo đó, khoảng 10 giờ sáng, sau khi nhận được tin báo về vụ việc, dưới sự phân công của lãnh đạo, PV Quang Thế đã có mặt tại cầu Nhật Tân để ghi nhận. Tuy nhiên, khi có mặt tại hiện trường và chụp một bức ảnh, một số người đàn ông đã bất ngờ lao đến giật máy ảnh rồi đánh đập khiến PV Quang Thế bị chảy máu miệng.
Chưa dừng lại, các đối tượng này tiếp tục dọa đánh PV nếu không rời khỏi hiện trường.
PV Quang Thế cho biết khi anh đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì có một chiến sĩ công an mặc cảnh phục ra nói không được chụp, mặc dù thời điểm anh tác nghiệp tại hiện trường thì không hề có dây căng bảo vệ hiện trường. Tiếp đó, PV Quang Thế đã trình giấy tờ liên quan chứng minh mình đang đi tác nghiệp rồi đi ra cách xa hiện trường khoảng 30 m và chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Đội CSHS Công an huyện Đông Anh mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung. PV Quang Thế cho biết mình bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng.
“Họ dồn tôi ra giữa đường hành hung trong khi xung quanh có rất nhiều ô tô đang chạy tốc độ cao. Mặc dù tôi đã xin nhưng họ vẫn đánh” - PV Quang Thế cho biết.
PV Quang Thế (Báo Tuổi trẻ - áo trắng) bị đánh khi tác nghiệp. Ảnh: M.CHIẾN |
Dân phòng ra tay
PV Lê Hoàng Nam (nguyên PV báo Pháp Luật TP.HCM thường trú tại Long An) cho biết ngày 15-9-2015 khi đang tác nghiệp, đưa tin về một vụ xét xử tội chống người thi hành công vụ bên ngoài Tòa án huyệnThạnh Hóa (Long An) thì bị lực lượng công quyền khống chế, thu máy ảnh, điện thoại, đồng thời giải về trụ sở để hỏi cung.
“Lúc đó tôi đang đứng ngoài khu vực Tòa án huyện Thạnh Hóa (Long An) để tác nghiệp việc giữ gìn trật tự thì bị hai dân phòng cùng một số người mặc sắc phục công an tới yêu cầu xóa ảnh, không được tác nghiệp. Lúc này tôi nói mình đang công tác tại báo Pháp Luật TP.HCM và yêu cầu được xuất trình giấy tờ để tiếp tục tác nghiệp, không được xóa ảnh. Lúc này một người tới chỉ thẳng vào mặt và nói lớn phải xóa ảnh ngay. Sau đó một người mặc thường phục xông tới khóa tay tôi dưới sự chứng kiến của nhiều cán bộ công an. Dù tôi yêu cầu được xuất trình giấy tờ, người này cũng không đồng ý” - anh Nam nhớ lại.
Anh Nam cho biết mình rất bất ngờ và ngạc nghiên trước cách hành xử của những người mang sắc phục. “Vì thực tế địa điểm tôi đang đứng tác nghiệp là con đường bên ngoài tòa án, không hề có một bảng hiệu cấm quay phim hay chụp ảnh gì. Tôi nói mình không làm gì vi phạm pháp luật, sao lại bắt giữ người thì hai dân phòng, người mặc sắc phục công an cùng người đàn ông tới khống chế, tước điện thoại, máy ảnh của tôi. Họ áp giải tôi lên ô tô đưa về trụ sở gần đó để hỏi cung” - anh Nam thông tin thêm.
Sau đó anh Nam yêu cầu được lập biên bản sự việc nhưng không được đồng ý cho đến khi một công an khác tới yêu cầu thả PV ra.
Đến công an xã bao vây, giật máy ảnh
Sáng 21-9, anh Đỗ Thanh Hải, PV báo VTC News thường trú tại Tây Nguyên, nhận tin báo của nhiều người dân về việc chính quyền xã Cư Kpô tiến hành cưỡng chế đất để lấy mặt bằng xây dựng nhà văn hóa thôn Nam Tân không đúng quy trình. Anh cùng một số đồng nghiệp đến hiện trường và liên hệ với ông Nguyễn Viết Mùi - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kpô, người chủ trì buổi cưỡng chế để liên hệ tác nghiệp.
Tuy nhiên, khi anh vừa đến và chưa kịp xuất trình giấy tờ, ông Mùi đã nói to vào loa cầm tay, gọi trưởng công an xã đến thu máy ảnh, đuổi PV ra ngoài. Ngay lập tức, hàng chục công an và dân quân xã đã vây lại, khống chế giật máy ảnh, máy tính rồi áp giải anh Hải ra ngoài.
“Họ cùng nhau khống chế, giật lấy máy ảnh và ba lô tôi mang trên người, khiến máy ảnh bị rớt xuống đất nên hư hỏng, người bị xây xát. May mắn là tôi đã được một số người dân hỗ trợ” - anh Hải cho biết.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, anh đã trình báo vụ việc lên Công an huyện Krông Búk.
Đến chiều cùng ngày, chủ tịch UBND xã Cư Kpô đã mời anh đến trụ sở, chính thức xin lỗi về hành động khống chế, giật máy ảnh, máy tính của lực lượng công an xã. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Cư Kpô từ chối giải quyết việc máy ảnh và máy tính bị hư, cũng như việc PV bị xây xước do bị khống chế vì cho rằng PV đến tác nghiệp nhưng không xin phép xã.
Nhà báo LÊ XUÂN TRUNG, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ: Không thể hành xử thô bạo từ lời nói đến hành động như thế. Với việc này, theo chúng tôi lẽ ra các chiến sĩ công an phải tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp như nhà báo Quang Thế tác nghiệp trên cầu Nhật Tân. Còn nếu vì lý do bảo vệ hiện trường thì cán bộ cảnh sát, công an phải giải thích rõ chứ không thể hành xử thô bạo từ lời nói đến hành động như hành xử trong vụ nhà báo Quang Thế. Chúng tôi đề nghị Công an TP Hà Nội và Công an huyện Đông Anh xử lý nghiêm cách hành hung nhà báo tác nghiệp như thế. Về phía báo Tuổi Trẻ, trước bất cứ thông tin nào liên quan đến PV, cộng tác viên của báo, đầu tiên chúng tôi thường yêu cầu PV, cộng tác viên tường trình đầy đủ sự việc khách quan; để từ đó nắm được bản chất vụ việc, xem PV, cộng tác viên của mình đúng hay sai. Từ việc xem xét này mới có quyết định trong từng trường hợp cụ thể. QUỲNH TRANG ghi |
GS NGUYỄN ĐĂNG DUNG, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội: Hoạt động báo chí không chỉ là việc của các tòa soạn mà còn là của công dân. Những hành vi đó đã vi phạm điều cấm của Luật Báo chí. Bằng chứng rõ nhất là hành vi đuổi theo nhà báo Quang Thế, đấm, đá và đe dọa nhà báo. Xem xét thêm những diễn biến khác còn có thể nhận thấy một số phương tiện tác nghiệp của các PV khác cũng bị làm hư hại. Và điều này đương nhiên trái ngược với điều cấm “phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, PV hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” đã được Luật Báo chí quy định. Ở góc độ vĩ mô, tôi cho rằng: Báo chí là tiếng nói của người dân, bảo vệ quyền lợi của công dân. Đương nhiên, tự do báo chí không phải là quyền tự do tuyệt đối. Tôi coi việc tác nghiệp báo chí không chỉ là việc của các tòa soạn, các nhà báo, các PV mà còn là của công dân, trong đó có tôi, trong việc dùng quyền tự do báo chí để thúc đẩy sự minh bạch, sự phát triển của xã hội và của từng cá nhân làm nên xã hội ấy. Tôi cho rằng quyền tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin có mối liên đới với nhau. Luật Tiếp cận thông tin vừa là công cụ tốt cho nhà báo, vừa là biện pháp đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Mà báo chí Việt Nam hiện nay được coi là một trong những kênh giám sát, kênh phản biện của xã hội. Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao: Công an bảo vệ ai vậy? Hình ảnh công an đuổi đánh nhà báo thực sự đã làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân. Hình ảnh quá mức phản cảm, gây ra vô cùng bức xúc. Cơ quan quản lý nhóm công an có hành vi côn đồ này cần trả lời công luận các câu hỏi dưới đây: Thứ nhất, chưa bàn đến người đó là công an, nếu chỉ là một người bình thường tấn công một người khác yếu hơn (khi nguời yếu đó không có lỗi) một cách quyết liệt và gây ra thương tích thì có xác định là hành vi côn đồ không? Hành vi đó có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích không? Thứ hai, động cơ nào khiến nhóm công an đó tấn công, cản trở một nhà báo đang tác nghiệp hợp pháp để lấy thông tin cung cấp cho bạn đọc? Tại sao công an lại cản trở việc làm của nhà báo? Công an sinh ra là để trấn áp tội phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, vậy nhóm công an này bảo vệ ai đây? Nhóm công an coi thường pháp luật, coi thường danh dự, nhân phẩm của người khác, đánh người đến chảy cả máu mồm là đã có hành vi vi phạm pháp luật, coi thường sức khỏe con người, cần phải bị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh để làm gương. Xin đừng nại ra lý do: “Do áp lực công việc nên dẫn đến sai phạm” để bao che cho cấp dưới, vì làm như thế sẽ không bao giờ tạo ra được một đội ngũ công an tốt, hết lòng phục vụ nhân dân...! Ông PHAN HỮU MINH, Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam: Đúng sai thế nào phải xử lý nghiêm minh, thông báo trên công luận Văn bản do Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ký thể hiện rõ quan điểm của Hội, yêu cầu Công an TP Hà Nội chỉ đạo Công an huyện Đông Anh và các đơn vị có liên quan xem xét sự việc thấu đáo. Đúng sai thế nào phải xử lý nghiêm minh, thông báo trên công luận và trả lời Hội Nhà báo Việt Nam. Quan điểm của Hội Nhà báo với một công dân bình thường thì việc hành hung, gây cản trở đã là không được, ở đây báo chí lại hoạt động vì sự nghiệp chung, các hành động đó cần lên án. Nếu đơn vị nào, cá nhân nào, tổ chức nào có những hành động như vậy phải xử lý nghiêm khắc trước pháp luật, mọi người phải bình đẳng trước pháp luật. Thực ra Hội Nhà báo Việt Nam trong năm tháng vừa rồi không vụ nào bỏ qua, Hội Nhà báo rất hăng hái trong việc đó để bảo vệ quyền lợi hội viên. Tuy nhiên, báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin thì thông tin có nhiều chiều, hoạt động tác nghiệp có nhiều phương thức tác nghiệp, trước tiên nhà báo cần tác nghiệp đúng nguyên tắc, thể lệ…, tự bảo vệ mình trước bằng cách thực hiện nghiêm túc và đầy đủ quy định của từng cơ quan, của ngành. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm đến vấn đề này, hết sức rút kinh nghiệm, tiến tới chấm dứt các hành động cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Trưởng phòng Báo chí trung ương, Cục Báo chí: Nhiều nhà báo chưa biết đến công cụ giải quyết vụ việc là Thanh tra TT&TT Thời gian qua, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) đã xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở tác nghiệp của nhà báo không nhiều, theo tôi do một số nguyên nhân như: Khi có hành vi cản trở tác nghiệp báo chí, các nhà báo, cơ quan báo chí thường thông báo và đề nghị chính quyền địa phương (cơ quan có thẩm quyền chung về quản lý nhà nước ở địa phương) và công an địa phương (cơ quan có chức năng giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương) vào cuộc giải quyết. Nhiều nhà báo chưa biết đến công cụ hành chính giải quyết vụ việc là thanh tra ngành TT&TT; cũng có nhà báo cho rằng đội ngũ thanh tra ngành TT&TT còn mỏng, không có công cụ phụ trợ đắc lực, trong khi đó yêu cầu bảo vệ nhà báo cần ngay tức khắc với đội ngũ có công cụ phụ trợ đầy đủ để thực hiện, do đó họ báo công an địa phương. Một số nhà báo khi bị cản trở tác nghiệp thì tự mình giải quyết hoặc nhờ đồng nghiệp giúp đỡ chứ không nhờ sự can thiệp từ cơ quan có thẩm quyền. |