Khi nhắc đến chàng rể “quý”, bà Mai không khỏi lắc đầu ngán ngẩm chia sẻ với bạn bè “Ngày nào tôi cũng phải nói với nó là con là chồng, là cha rồi, con cư xử như người trưởng thành đi, đừng có như trẻ con như thế, nhưng nó cứ nhơn nhơn thế, chán lắm!”
Khi biết con gái “bỗng dưng” mang thai khi vừa tốt nghiệp cấp ba, bà Mai không khỏi “thất kinh hồn vía” vì tự dưng “bị” làm bà ngoại vào tuổi 45. “Mà thằng đó là ai?” bà Mai cấp tốc truy vấn cô con gái đang rưng rức “sống trong sợ hãi” khi biết mình có bầu. Chuyện qua chuyện lại rồi bà cũng được biết thân thế và sự nghiệp của chàng rể quý chính là cái thằng “oắt con” học trên con bà một lớp, hàng ngày vẫn đến chơi và học nhóm mãi không về ấy! Lúc không biết chàng rể tương lai là ai bà Mai cứ hoang mang, mà biết được tung tích của rể quý rồi bà còn hoang mang hơn gấp bội phần, chung quy chỉ vì chàng rể tương lai đích thị là một đứa “trẻ trâu” đúng nghĩa “ăn chưa no, lo chưa tới”. Nhưng biết làm thế nào bây giờ? Con dại thì cái phải mang, bà đành gọi “con rể” qua nhà để xem tình hình và quyết định của “nó” ra sao rồi còn liệu đường mà tính!
Anh con rể tương lai sang nhà, ngồi dí một góc sofa và nép mình dúm dó trông đến tội, như đứa trẻ con mắc lỗi và chờ mẹ phạt, cứ im lặng chả nói gì, bà Mai đành phải mở lời trước “Bác biết chuyện của cháu với con bác rồi, giờ sự thể như thế, bác cũng không muốn trách móc gì nữa, vì cũng không giải quyết được việc gì! Giờ cháu tính sao?”
Thằng bé thẽ thọt, tay vân vê cái gấu áo, lí nhí “Dạ, tại cháu cũng yêu Linh ạ! Cháu sẽ có trách nhiệm, cháu sẽ về nói với gia đình cháu ạ!”, sau khi nói được mấy câu chốt vấn đề, chàng rể quý lại ngồi im vân vê vạt áo, mặt cứ cúi gằm xuống, bà Mai tính răn dạy nó mấy câu nhưng thấy thái độ có vẻ biết lỗi và đầy sợ sệt thế kia, bà chép miệng cho qua “Thôi thì trời chả chịu đất thì đất phải chịu trời vậy, cháu về nói chuyện với bố mẹ rồi bảo bố mẹ sang gặp bác nói chuyện!”. Thằng bé “vâng, dạ” đầy thành kính rồi chạy tót khỏi nhà, nhìn cái kiểu hành xử của nó bà Mai không thể không buồn lòng, nuôi con cái lớn mà chưa khôn nhưng cũng mong mỏi con có một tấm chồng, không như cây tùng cây bách thì cũng phải trưởng thành, chững chạc, ai ngờ…Nghĩ đến tương lai của đôi trẻ mà bà thở dài thượt một cái…
Nhắc đến chàng rể quý, bà Mai không khỏi lắc đầu ngán ngẩm... |
Bên thông gia may mắn cũng là người biết điều, khi biết con mình “gây họa” thì cũng tức tốc sang nhà bà thưa chuyện, nội dung cũng tích cực hoan hỉ, “Thôi thì thêm người thêm của, mình bảo chúng nó từ từ rồi chúng nó sẽ nhớn! Bên tôi bên bà có thêm con thêm cháu cũng vui nhà vui cửa!”. Thế là hai bên đành dẹp những mối lo toan đầy chính đáng về tương lai của đôi trẻ để tổ chức một đám cưới cho hai đứa trẻ con “bị” làm bố mẹ khi tuổi đời chưa đến hai mươi.
Sau đám cưới, bà Mai đề đạt vấn đề với bên thông gia rằng bà chỉ có một mình con Linh nên bà muốn chàng rể sang bầu bạn bên này để chờ con bà sinh xong thì sẽ qua bên ấy làm dâu con, nhà thông gia cũng thoáng tính và dễ thông cảm nên tâm sự thật “thằng Khanh nó còn trẻ con lắm, bà thay chúng tôi răn dạy nó cho nó trưởng thành”. Vậy là nhà bà có thêm hai đứa trẻ con nữa, một là đứa cháu ngoại đang trong bụng đứa trẻ con sắp làm mẹ kia, hai là chàng rể quý có biệt tài “cày” game thành thần.
Hai đứa đều ở tuổi đang tập lớn nên dù đang chuẩn bị làm bố làm mẹ đến nơi thì cũng vẫn “hiện nguyên hình” là hai đứa trẻ to xác, cứ cãi nhau chí chóe cả ngày. Linh bụng bầu lùm lùm bảo chồng đưa đi bệnh viện để khám thai thì Khang vừa bấm phím điên đảo, mắt dán màn hình vừa bảo “Cứ từ từ, đi đâu mà vội, đã đẻ được đâu mà lo!” Linh tức quá nên lại tru tréo lên, mà anh chồng trẻ con thì cũng chả nhịn lại câu nào “Ai bảo chửa? Ai bắt chửa?” thế là lại cãi nhau to, bà Mai đầu tắt mặt tối bán buôn giờ về nhà lại thêm nhiệm vụ làm quan tòa phân giải, đến chết mệt!
Đã thế, hai đứa nào đã có công việc gì, đều sống nhờ cha mẹ cả, cái gánh nặng kinh tế dù được bên thông gia hỗ trợ nhưng để lo cho cả gia đình “chúng nó” khi đứa trẻ ra đời, bà Mai thực sự mệt mỏi. Nhưng tình mẫu tử lúc nào cũng ăm ắp trong bà, thế nên bà gắng thêm chút nữa, chỉ mong “chúng nó” ở nhà, không làm được việc to thì làm việc nhỏ, quét dọn cái cửa cái nhà, cơm nước nấu nướng cho nhau ăn, vui vẻ động viên nhau để cho bà bớt nhọc. Ấy thế nhưng cái mong mỏi rất chính đáng, rất đơn thuần ấy mà “chúng nó” cũng không làm được, lại còn chí chóe suốt ngày như phường chèo, bà bực lắm!
Anh con rể thì từ ngày về nhà mẹ vợ, cứ hồn nhiên coi nhà vợ như nhà mình nên cả ngày ôm cái máy tính cày game, chả thiết tha gì chuyện đời, đến bữa mẹ vợ phải gọi xuống ăn mới nhấc mông dạy, có khi còn nói vọng xuống “Cả nhà ăn trước đi, con ăn sau! Con đang bận cày!” rất thành thật! Bà ngán ngẩm lắm, mấy bữa bị đau khớp gối không mở hàng buôn bán được, bà mới có thời gian để dạy dỗ anh con rể “Con giờ đã làm chồng, lại sắp lại cha rồi! Con phải thay đổi tâm tính cho người lớn chín chắn đi, chứ như thế này mẹ thấy không ổn…” chưa nói dứt câu thì chàng rể đã cãi xong “Ôi giời, cha mẹ sinh con trời sinh tính chứ mẹ, bố mẹ con ở nhà có nói gì đâu!”. Bà phiền lòng lắm, muốn phân tích cho “nó” hiểu rõ vấn đề thì “nó” đứng phắt dậy “Con có phá phách gì đâu, suốt ngày ngồi ngoan ở nhà ,chỉ chơi game thôi chứ có trộm cắp lừa đảo gì đâu, đầy thằng bằng tuổi con nó còn phá hơn con!” nói xong lại ngồi vào bàn mở máy tính lên và “chiến”, bỏ mặc lời mẹ vợ như gió thổi qua tai…
Chàng rể quý ngày ngày "cày" game, chả thiết tha gì chuyện đời... |
Bà Mai càng ngày càng cảm thấy bất lực và có phần chướng mắt với chàng rể quý, nhưng nghĩ đến con gái đang bụng mang dạ chửa, nghĩ đến đứa cháu trong bụng mà bà nín nhịn cho êm cửa ấm nhà. Nhưng bà nín là một chuyện, thiên hạ lại cứ rình chuyện nhà bà để châm chọc chê cười làm bà càng thêm xấu hổ.
Hàng xóm sang chơi nhà thấy anh con rể cứ ngồi cày game, hỏi gì đáp đấy thì ngán ngẩm, vừa hỏi móc mỉa vừa cười chê, lu loa cho người này người kia biết nhà bà Mai bạc phúc, không biết dạy con nên vớ được thằng rể “trẻ trâu” như nuôi nợ trong nhà. Dù bà đã thừa nhận trong sự bất lực rằng “Ngày nào tôi cũng phải nói với nó là con là chồng, là cha rồi, con cư xử như người trưởng thành đi, đừng có như trẻ con như thế, nhưng nó cứ nhơn nhơn thế, chán lắm!” nhưng tiếng đời cứ gần xa móc máy, lôi nhà bà ra như một tấm gương “tày liếp” cho cái sự không biết dạy con, để con gái lấy phải đứa trẻ con to xác.
Bà Mai hàng ngày kiếm cơm đã mệt, về đến nhà lại chứng kiến cái phường chèo suốt ngày cự cãi, rồi thì dư luận xôn xao, ba mệt lắm! Bao lần bà thốt lên “Rể ơi! Con lớn mau cho con gái mẹ được nhờ…” nhưng lời nói chả bao giờ lọt vào tai anh rể quý, vì đơn giản là anh đang đeo headphone “cày” game điên đảo!