Reuters: Đã có 76 quốc gia cam kết tham gia vào chương trình bình đẳng vắc xin do WHO khởi xướng

Tính đến 21h ngày 3/9, thế giới ghi nhận hơn 26 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 868.000 người chết do Covid-19. Số lượng ca nhiễm mới vẫn đang tăng nhanh ở nhiều quốc gia.
Reuters: Đã có 76 quốc gia cam kết tham gia vào chương trình bình đẳng vắc xin do WHO khởi xướng - Ảnh 1.

Thế giới ghi nhận 26.233.710 ca mắc Covid-19 và 868.344 bệnh nhân tử vong do Covid-19. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters).

Reuters hôm 3/9 cho biết, đã có 76 quốc gia giàu có thể hiện quyết tâm tham gia dự án Cơ sở Tiếp cận Toàn cầu vắc xin Covid-19 (Covax).

Dự án Covax được khởi xướng bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Sẵn sàng Đối phó Dịch bệnh và liên minh vắc xin Gavi, nhằm mục đích tăng tốc độ phát triển vắc xin và đảm bảo phân phối vắc xin bình đẳng giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới.

"Chúng tôi đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của Nhật Bản, Đức, Na Uy và hơn 70 quốc gia, tất cả đều đồng thuận về nguyên tắc nhằm sản xuất vắc xin Covid-19 cho người dân và dự đoán con số các nước tham gia dự án sẽ tiếp tục tăng cao", Seth Berkley, giám đốc điều hành liên minh vắc xin Gavi, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Reuters.

"Đây là một tin tốt, cho thấy rằng Covax đang mở ra cơ hội kinh doanh và chúng tôi hi vọng dự án sẽ thu hút được sự quan tâm trên toàn thế giới". Các điều phối viên của Covax cũng đang đàm phán với Trung Quốc về việc liệu nước này có thể tham gia hay không, Berkley nói.

"Hôm qua chúng tôi đã có một cuộc thảo luận với chính phủ (Trung Quốc). Chưa có bất kì thỏa thuận nào được kí kết, nhưng Bắc Kinh đã đưa ra những "tín hiệu tích cực", theo Berkley.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã nói trong một cuộc họp báo hôm 2/9 rằng Trung Quốc "ủng hộ Covax và đã liên lạc với WHO và các thành viên khác" về vấn đề này.

Những người ủng hộ dự án cho rằng Covax sẽ giúp giảm chi phí vắc xin cho tất cả mọi người và chấm dứt đại dịch Covid-19.

Berkley cho biết các quốc gia giàu có tham gia vào Covax sẽ dùng ngân sách quốc gia cho việc mua vắc xin và hợp tác với 92 quốc gia nghèo hơn được hỗ trợ thông qua các khoản đóng góp tự nguyện để đảm bảo vắc xin được phân phối công bằng.

Các nước giàu có tham gia cũng được tự do mua vắc xin thông qua các thỏa thuận song phương và các kế hoạch khác.

Hôm 1/9, Mỹ cho biết họ sẽ không tham gia quá trình phát triển, sản xuất và tiếp cận bình đẳng vắc xin ngừa Covid-19 theo sáng kiến Covax vì Mỹ không muốn làm việc với WHO.

Phát ngôn viên của Nhà Trắng Judd Deere cho biết: "Nước Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng với các đối tác quốc tế trong việc tìm ra giải pháp đánh bại loại virus này, nhưng chúng tôi sẽ không chịu hạn chế bởi các tổ chức đa phương có liên quan tới WHO và Trung Quốc."

Trả lời truyền thông, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết chính quyền Mỹ có quan tâm tới một số khía cạnh của Covax tuy nhiên những bất đồng ý kiến giữa các quan chức và sự tin tưởng lớn vào quá trình nghiên cứu vắc xin của nước này đã đưa tới quyết định cuối cùng nêu trên.

Berkley cho biết ông không ngạc nhiên trước quyết định của Mỹ, nhưng sẽ tìm cách tiếp tục đàm phán với Washington.

Liên minh châu Âu (EU) cho biết các quốc gia thành viên có thể mua vắc xin Covid-19 thông qua Covax.

Reuters: Đã có 76 quốc gia cam kết tham gia vào chương trình bình đẳng vắc xin do WHO khởi xướng - Ảnh 2.

Covax hi vọng sẽ sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 cho tất cả các quốc gia. (Ảnh: John Cairns/University of Oxford/Financial Times).

Theo Financial Times, Ủy ban châu Âu đã thông báo EU sẽ đóng góp 400 triệu euro nhằm hỗ trợ mục tiêu mua 2 tỉ liều vắc xin và phân phối bình đẳng trên toàn cầu theo sáng kiến Covax nhằm hỗ trợ các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Berkley cho biết, các điều phối viên của Covax đã tìm cách tăng tính linh hoạt trong việc tham gia các thỏa thuận để khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các quốc gia.

chọn
Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều
Với Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. VARS kiến nghị cần thiết lập chính sách ưu đãi như giảm hoặc miễn thuế cho Việt kiều đầu tư vào địa ốc.