Rủi ro lạm phát, nhà đầu tư BĐS F0 'gom hàng', nhóm chuyên nghiệp phản ứng trái ngược

Trước những dấu hiệu gia tăng lạm phát trong thời gian tới, nhóm nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp có xu hướng phản ứng trái ngược với những nhà đầu tư mới.

Phát biểu trước Quốc hội sáng ngày 12/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2022, rủi ro lạm phát là rất lớn.

Theo bà Hồng, khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, các nước phát triển đang có mức lạm phát cao lịch sử. 

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng đang có chiều hướng gia tăng. Nếu không tính toán, cân đối các yếu tố vĩ mô cẩn thận, việc giảm lãi suất có thể dẫn tới rủi ro về lạm phát.

Nguy cơ lạm phát hiển hiện, nhà đầu tư F0 'gom hàng', nhóm chuyên nghiệp phản ứng trái ngược - Ảnh 1.

Một số người xu hướng chuyển dòng tiền vào thị trường bất động sản để trú ẩn lạm phát. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Tại tọa đàm "Lạm phát và bất động sản - chọn kênh đầu tư trú ẩn dòng tiền" do Batdongsan.com.vn tổ chức, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo, trường Đại học Kinh tế TP HCM cũng cho biết, đã có những dấu hiệu cho thấy sự gia tăng của chỉ số lạm phát và sự ảnh hưởng đến nền kinh tế trong năm 2022. Tất cả các biểu hiện như việc siết dòng tiền từ ngân hàng, Chính phủ ưu tiên bơm tiền vào nền kinh tế, chi phí nguyên vật liệu tăng cao... đều cho thấy một bức tranh về nguy cơ lạm phát sẽ xảy ra trong năm 2022.

Tuy nhiên, đứng trước những dấu hiệu lạm phát của nền kinh tế, các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản đang có những động thái trái ngược. 

Từ góc nhìn của một đơn vị tư vấn, phân phối bất động sản, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư bất động sản đang chia thành hai nhóm với tâm lý trái ngược: Thận trọng và tích cực xuống tiền.

Ông Hoàng phân tích, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người nhưng vẫn có những nhà đầu tư thậm chí kiếm được nhiều tiền trong giai đoạn dịch bệnh, đặc biệt là nhóm đầu tư chứng khoán. Nhóm này đang hiện thực hóa khoản lãi của họ vào thị trường bất động sản.

"Những người có tiền dùng bất động sản để trú ẩn lạm phát là có thật. Tuy nhiên không thể nói nhóm này chiếm đa số các nhà đầu tư trên thị trường. Tôi biết có rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, lâu năm lại đang tạm dừng đầu tư hoặc có tâm thế thận trọng quan sát tình hình", ông Hoàng cho biết. 

Chung nhận định, ông Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, nhóm đầu tư cá nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản và nhiều kênh đầu tư khác sẽ không có phản ứng quá rõ ràng trước vấn đề lạm phát. Họ sẽ thận trọng trong tư duy, so sánh và không vội vàng chuyển luồng tiền vào bất động sản để trú ẩn.

"Nhà đầu tư nhận định được lạm phát là vấn đề về mặt quy luật kinh tế, quy luật thị trường, điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam, cần phải chấp nhận lạm phát ở một mức nhất định. Nhà nước sẽ kiểm soát lạm phát, cho nên người ta không cần vội chuyển dòng tiền từ chỗ này sang chỗ khác", ông Nghĩa cho biết.

Trong khi đó, có những "tay chơi mới", lượng vốn ở mức thấp, khoảng dưới hai tỷ đồng, có xu thế lựa chọn chuyển dòng tiền vào bất động sản thay vì ngân hàng để trú ẩn hoặc coi như một dạng tích lũy. 

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.