Theo báo cáo thị trường đầu tư bất động sản châu Á - Thái Bình Dương quý III của Savills, kinh tế Việt Nam chịu rất nhiều những tác động tiêu cực từ làn sóng dịch thứ 4. Những đợt giãn cách xã hội kéo dài áp dụng trên quy mô toàn quốc đã dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GDP) chỉ tăng 1,42%.
Mặc dù vậy, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy vốn FDI đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) nổi bật cũng đã giao dịch thành công trong quý vừa qua.
Đơn cử như thương vụ công ty Aseana Properties Ltd. bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho một đối tác liên doanh với tổng giá trị khoảng 95 triệu USD; thương vụ tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu USD hay thương vụ Nishi Nippon Railroad mua lại phần vốn góp của CTCP đầu tư Nam Long tại công ty TNHH Một thành viên Paragon Đại Phước.
Cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp mở ra các thị trường mới tại Việt Nam, nhằm thỏa mãn nhu cầu đầu tư bất động sản vốn luôn có sẵn của tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng.
Một số dự án cơ sở hạ tầng công cộng mới đang trong giai đoạn triển khai và hoàn thiện. Đơn cử như tại Hà Nội, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố dự kiến đầu tư hơn 3,65 tỷ USD vào lĩnh vực giao thông để thực hiện tổng số 255 dự án.
Tại TP HCM, dự án Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối quận 1, khu đô thị mới Thủ Thiêm và TP Thủ Đức cũng đã tiến hành việc lắp đặt đốt dầm thép cuối cùng. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý II/2022.
Ngày 23/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa đã phê duyệt kế hoạch đầu tư giai đoạn 1 tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư khoảng 822,89 triệu USD, được xây dựng theo mô hình quan hệ đối tác công tư.
Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Về cơ bản, Việt Nam đã và đang là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản trên thế giới".
Cụ thể, với phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư. Nhu cầu thuê nhà xưởng và nhà kho chất lượng cao ngày một tăng. Tình trạng thiếu đất công nghiệp ở các vị trí đắc địa và giá thuê cao là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu này.
Trong quý vừa qua, Bắc Giang và Hưng Yên đã phê duyệt những khu công nghiệp với quy mô lần lượt là 800 ha và 193 ha. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, diện tích đất công nghiệp sẽ tăng 115.000 ha so với năm 2020.
Đối với thị trường nhà ở, ông Neil MacGregor cho biết, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở trên khắp Việt Nam. Các yếu tố như quá trình đô thị hóa và sự giảm dần số lượng trong các hộ gia đình truyền thống đa thế hệ cũng hỗ trợ cho nhu cầu này:
"Nguồn cung nhà ở đã bị hạn chế trong những năm gần đây, dẫn đến việc tăng giá ổn định, duy trì trong suốt thời gian đại dịch. Khi trạng thái bình thường mới được thiết lập, Chính phủ và các nhà phát triển bất động sản sẽ phải hành động nhanh chóng để giải phóng nguồn cung, tránh giá cả leo thang".
Với phân khúc văn phòng, ông Neil đánh giá đây vẫn là một trong những mối quan tâm chính của các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, cơ hội vẫn còn khá khan hiếm. Việc gia tăng tỷ lệ sinh lời có thể bị ảnh hưởng, lợi suất đầu tư trên các dự án văn phòng hạng sang đang giảm xuống dưới mức 6%.
Trong khi đó, phân khúc nghỉ dưỡng, khách sạn - phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch cũng đồng thời là nơi các nhà đầu tư thông minh có khả năng tìm thấy cơ hội hiếm có để gia nhập thị trường Việt Nam.
"Dù quá trình phục hồi có thể mất vài năm nhưng đây là thời điểm tốt để tìm mua những sản phẩm chất lượng mà thông thường sẽ không bao giờ tung ra thị trường. Cơ hội xuất hiện ở cả các thành phố trọng điểm và các điểm đến nghỉ dưỡng", ông Neil cho biết.