Sài Gòn sau 0h (P3): Cửu vạn nhí trong các chợ đầu mối

Giữa những công nhân bốc xếp lực lưỡng có không ít em nhỏ dưới 15 tuổi, gồng mình khiêng từng bao hàng tại các chợ đầu mối lúc nửa đêm.
 
cuu van nhi trong cac cho dau moi Sài Gòn sau 0h (P1): Những con phố không bao giờ ngủ!
cuu van nhi trong cac cho dau moi Những dịch vụ 'đặc biệt' sau 0h

Những cửu vạn nhí chủ yếu đến từ các tỉnh nghèo miền Tây, gia đình các em hầu hết thuộc dạng khó khăn nên hầu hết phải bỏ học lên thành phố làm thuê kiếm sống chạy ăn cùng gia đình.

Gánh nặng về cơm áo gạo tiền

cuu van nhi trong cac cho dau moi
Những cửu vạn nhí gồng mình đẩy từng bao hàng.

Chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Thủ Đức khi đã hơn 1h sáng, chỉ cần đi dạo một vòng là có thể thấy tới hàng chục trường hợp trẻ em làm thuê tại đây. Những khuôn mặt hốc hác, lưng áo ướt sũng mồ hôi, dáng người thoăn thoắt đẩy những kiện hàng từ gian này sang gian khác. Nặng trĩu trên vai các em là nỗi lo về cơm áo, gạo tiền, những nỗi lo của người lớn.

“Em lên thành phố được hai năm, làm đủ thứ việc nhưng lương ít quá không đủ sống, một chú xe ôm giới thiệu em vào làm cho một chủ vựa trong chợ đầu mối này được gần một năm nay. Công việc rất cực vì phải thức thâu đêm nhưng lương cũng đỡ hơn mấy chỗ trước”, Minh một cậu bé vừa qua 14 tuổi, quê ở An Giang chia sẻ.

Minh kể, gia đình em dưới quê không có ruộng, bố mẹ, anh em trong nhà thay phiên nhau lên thành phố làm thuê. Em chỉ học hết lớp 4 là phải nghỉ vì bố mẹ không lo nổi tiền học cho em nên theo mấy người bạn dưới quê lên đây đi làm. Nhiều lúc nhìn các bạn khác cắp sách đến trường em cũng thèm lắm, nhưng vì bố mẹ không có điều kiện nên em đành phải tiếp tục làm.

Đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, nghe tiếng gọi từ phía xa em đứng phắt dậy, chào vội một câu rồi kéo theo chiếc xe chạy thoăn thoắt về phía một xe tải hàng mới tới.

Gặp một em nhỏ đang ngồi bệt xuống sân chợ, đầu dựa vào bánh xe ô tô để nghỉ mệt. Khi chúng tôi bắt chuyện, em nói chỉ nghỉ vài phút rồi lại phải làm tiếp không là sẽ bị chủ chửi mắng và trừ tiền công. Em T. 13 tuổi, quê ở Sóc Trăng cho biết: “Em làm ở đây được hơn 3 tháng rồi, công việc cực khổ, nhiều lúc em chỉ muốn bỏ về quê nhưng nghĩ cha ở quê đang bệnh nên ráng kiếm tiền phụ mẹ lo cho cha”.

Thường thì các em làm từ 22h tới 7h sáng chủ sẽ trả 150.000 đồng, ăn uống tiết kiệm mỗi tháng em cũng có tiền để gửi về lo thuốc thang cho bố. Với đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, T nói tiếp: “Làm bốc xếp ở đây mệt mỏi lắm, hàng đêm phải đẩy không biết bao nhiêu lô hàng, nhiều khi mệt rã rời nhưng vì miếng cơm nên em vẫn phải oằn lưng đẩy hàng cho tới sáng.”

Nhìn những khuân mặt hốc hác, nghe câu chuyện cuộc đời của các em, chúng tôi không khỏi xót xa, thương cho các em, ở cái tuổi đáng ra phải được tới trường, phải được chăm lo thì lại phải nai lưng, thức trắng đêm để làm những công việc cực nhọc như thế này.

Tai nạn rình rập

cuu van nhi trong cac cho dau moi
Cuộc sống nhiều vất vả đẩy các em ra đời chạy ăn từng bữa phụ gia đình.

Ngay cả những người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh, sức dài vai rộng còn ngại công việc bốc xếp này, huống chi những đứa trẻ mới chỉ mười mấy tuổi đầu, sức khỏe yếu, thì càng khó tránh tai nạn trong lúc làm việc.

Em P, làm công việc bốc xếp trong chợ nói nhóm của mình có 5 người hay chơi với nhau, dù làm cho những chủ vựa khác nhau nhưng lúc rảnh thường tụ họp nhau nói chuyện, và đi chơi chung. Tháng trước trong nhóm có thằng H bị tai nạn trong lúc bốc hàng, do quá mệt nên bị bao bí rơi từ trên thùng xe tải xuống trúng chân, bị gãy chân và phải về quê để dưỡng bệnh.

“Nó mới lên làm được ba tháng, tiền chẳng dư được bao nhiêu, giờ lại xảy ra tai nạn như thế, về quê bố mẹ nó lại phải cực nhọc để nuôi thêm nó nữa. Chúng em mỗi đứa một ít hùn với nhau để giúp nó lúc đi viện, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, thấy thương cho nó và cho cả gia đình nó nữa”, nói đến đây P. cũng rưng rưng nước mắt, đôi mắt đỏ lên trông thấy, em vội lấy chiếc khăn vắt trên vai để lau mặt.

Theo lời giới thiệu của P, chúng tôi tìm gặp chú H, làm nghề chạy xe ôm tại cổng chợ đầu mối Thủ Đức và đã từng nhiều lần chở những cửu vạn nhí bị tai nạn đi cấp cứu. Gặp chú lúc trời đã tờ mờ sáng, nhấp một ngụm cà phê chú bắt đầu kể: “Chú đã đứng ở cái cổng chợ này gần chục năm nay, chứng kiến không biết bao nhiêu đứa trẻ làm trong chợ không may bị các bao hàng rớt trúng, đứa thì gãy tay, đứa gãy chân, có đứa may mắn thì chỉ trầy xước nhẹ. Vào tháng 2 năm rồi, một đứa trong lúc kéo xe, do chất quá nhiều hàng, nó không điều khiển được và xe lật nghiêng sang một bên, nó bị một bọc bí xanh rớt chúng chân. Chính tôi là người đưa nó đi cấp cứu, và vì thế mới biết về hoàn cảnh hẩm hiu của gia đình nó”.

Chú H kể tiếp: “Tội nghiệp! Nó mồ côi cha từ nhỏ, mẹ nó tần tảo nuôi hai chị em, được một thời gian lại mắc căn bệnh hiểm nghèo. Nó bỏ học, lên thành phố làm thuê, vừa để nuôi chị đi học vừa để thuốc thang cho mẹ nó ở nhà. Chắc cũng vì cố dành dụm, ăn uống kham khổ nên thân hình nó gầy gò, làm nhiều bị đuối sức mới để cho cái xe lật. Nằm trong bệnh viện nó cứ khóc ròng, và dặn rằng không muốn cho mẹ nó biết. Sau đợt ấy, tôi phải đi quyên mỗi người ở đây một ít, trả tiền bó cái chân cho nó và còn một ít cho nó về quê. Đã mấy tháng trôi qua, giờ chắc nó cũng đã khỏe nhưng chưa thấy lên lại”.

Lúc chúng tôi chia tay chú H cũng là lúc trời bắt đầu sáng hẳn. Những cửu vạn nhí trong chợ cũng khoác áo ra về sau một đêm dài làm việc cực nhọc, nhiều em mắt đỏ, thâm quầng vì thiếu ngủ, mồ hôi vẫn còn nhễ nhại. Các em ấy đang mau chóng trở về phòng trọ, tắm rửa, ăn uống, lại ngủ một giấc lấy sức cho một đêm dài nữa phía sau, tiếp tục vòng lẩn quẩn như câu nói: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.

Duy Phong

chọn
Chung cư Hà Nội đã cắt sốt
Theo lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, khi mọi người xếp hàng để mua BĐS thì có nghĩa thị trường đang FOMO. Dự báo 3-6 tháng tới, khi lãi suất điều chỉnh tăng để giải quyết vấn đề tỷ giá, nhu cầu mua trên thị trường sẽ giảm.