Sàn thương mại điện tử Adayroi của Vingroup làm ăn ra sao trước khi dừng bán hàng, nhập vào VinID?

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang cho rằng tập đoàn đóng cửa Adayroi không hẳn do sàn này hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế hoạt động, lượng truy cập của khách hàng trên Adayroi thấp hơn nhiều so với Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và mảng bán lẻ vẫn thua lỗ nghìn tỉ nhiều năm qua.

Sáng 18/12, sau thông tin giải thể Vinpro, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức lên tiếng câu chuyện trang thương mại điện tử Adayroi dừng bán hàng, chấm dứt hợp đồng với nhà cung cấp. Theo Vingroup, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào Công ty VinID. Vingroup cho biết thời hạn thực hiện sáp nhập Adayroi vào VinID chỉ còn hơn 10 ngày nữa.

Sàn thương mại điện tử Adayroi đã ra mắt và hoạt động được hơn 5 năm. Nhìn vào hoạt động của Adayroi có thể thấy, sàn này không "rình rang", mà đi theo chiến lược khác biệt từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến hoạt động của Adayroi hiệu quả, lượng truy cập hàng tháng bị các sàn thương mại điện tử khác như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… bỏ rất xa.

Adayroi bán "cả thế giới" sản phẩm, dịch vụ của Vingroup

Sàn thương mại điện tử Adayroi của Tập đoàn Vingroup chính thức hoạt động vào tháng 8/2014. Đây cũng là thời điểm chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ có mặt trên thị trường. Điều này cho thấy, ngay từ khi bước chân vào lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã có tham vọng lớn, "đánh chiếm" ở hầu hết các kênh từ cửa hàng đến mua sắm trực tuyến.

IMG_9013

Sau khi nhượng VinMart, VinMart+, Vingroup cũng quyết định số phận của Adayroi. (Ảnh: Phúc Minh).

Nhảy vào thương mại điện tử từ rất sớm, hoạt động của Adayroi có phần khác biệt so với các sàn thương mại điện tử khác như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… 

Trong khi các sàn này đẩy mạnh đa dạng hàng hóa, tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp cùng bán hàng, hoặc điểm thấy rõ nhất chính là "đốt tiền" vào việc khuyến mãi, thì Adayroi lại im ắng hơn. Gần đây, sàn thương mại điện tử của Tập đoàn Vingroup mới bắt đầu hưởng ứng các chương trình khuyến mãi mua sắm trực tuyến 11/11, 12/12, tuy nhiên, mức giảm giá lại không hấp dẫn bằng các sàn khác.

Hoạt động là trang thương mại điện tử, sứ mệnh của Adayroi lại là một phần trong hệ sinh thái của Vingroup. Trên sàn này, tất cả sản phẩm, dịch vụ của tập đoàn đều được bày bán, với mức giá ưu đãi tối đa lên đến vài chục phần trăm.

Nhóm sản phẩm bán trên Adayroi gồm hàng hoá của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart+, bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ Vinmec, du lịch nghỉ dưỡng tại hệ thống khách sạn 5 sao Vinpearl, điện thoại Vsmart, xe ôtô VinFast, vé xem đua xe F1… 

Adayroi được xem là một kênh phân phối, bán đầy đủ hàng hoá, dịch vụ của Vingroup.

Điều này đã được CEO Nguyễn Việt Quang thừa nhận. Ông cho rằng Adayroi là một phần trong hệ sinh thái của Vingroup.

img7001-15656081558261482644827

Sàn thương mại điện tử Adayroi bán tất cả sản phẩm, dịch vụ mà Vingroup đang kinh doanh. (Ảnh: Phúc Minh).

"Thực tế, khi phát triển Adayroi, mục tiêu đầu tiên của Vingroup là tạo ra một nền tảng hỗ trợ đắc lực cho hệ sinh thái mà Vingroup đã xây dựng được. Adayroi đã tạo ra một sân chơi công bằng với những tiêu chuẩn, chuẩn mực về chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử", CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang nói.

Adayroi luôn bị Shopee, Lazada, Tiki, Sendo bỏ xa

Tuyên bố Adayroi có sứ mệnh hỗ trợ cho hệ sinh thái của Vingroup, chuyên bán sản phẩm, hàng hoá chuẩn mực về chất lượng nhưng thực tế, lượng truy cập và lượt mua sản phẩm của khách hàng trên sàn này lại không cao. 

Trong các kết quả thống kê của iPrice Group về Thương mại điện tử tại Việt Nam, cái tên Adayroi của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chưa một lần nằm trong top dẫn đầu. Adayroi thường "bền vững" ở các vị trí thứ 6 đến thứ 9 trong bảng xếp hạng ở các chỉ số website thương mại điện tử có nhiều người dùng nhất, ứng dụng có lượng người sử dụng nhiều nhất và ứng dụng có lượt tải xuống nhiều nhất...

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-19 lúc 11

Lượng truy cập sàn Adayroi thấp hơn nhiều so với Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Xếp trước Adayroi ở cả 3 chỉ số trên đều là những tên tuổi quen thuộc trong ngành thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.

Đơn cử, theo kết quả cập nhật mới nhất, trong quý III/2019, số lượng khách hàng truy cập vào website Adayroi chỉ đạt 6,4 triệu lượt mỗi tháng. Trong khi đó, lượng khách truy cập của Lazada, Tiki, Sendo, Shopee luôn ổn định trên 20 triệu lượt, cao ít nhất 3-4 lần Adayroi. Thậm chí, theo iPrice, số lượng khách hàng truy cập website Adayroi còn thấp hơn cả website của Điện Máy Xanh và Điện máy Chợ Lớn.

Trong khi đó, ứng dụng của Adayroi cũng chỉ xếp thứ 6 về số lượng người dùng trong quý III/2019, sau các tên tuổi quen thuộc Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và AliExpress.

Kết quả xếp hạng các quý trước của iPrice Group cũng cho thấy Adayroi chưa từng xếp ở các vị trí cao trong bản đồ thương mại điện tử Việt Nam.

Về mặt hiệu quả kinh doanh, Vingroup chưa từng công bố doanh thu và lợi nhuận của Adayroi. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vingroup, mảng bán lẻ, gồm bán hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng bán lẻ khác thường có doanh thu lớn, chỉ đứng sau bất động sản.

anh-chup-man-hinh-2019-12-03-luc-145955-1575360010971413731543

Doanh thu bán lẻ tăng trưởng liên tục nhưng Vingroup đã lỗ nghìn tỉ mỗi năm ở mảng này. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Quý III năm nay, mảng bán lẻ mang lại cho Vingroup 7.870 tỉ đồng, tăng 66% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ đạt 21.910 tỉ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu. 

Tuy nhiên, báo cáo tài chính cũng tiết lộ thêm bán lẻ cũng là mảng kinh doanh thua lỗ lớn thứ hai tại tập đoàn sau mảng sản xuất với khoản lỗ 9 tháng lên đến 3.461 tỉ đồng. Các năm trước, khoản lỗ của bán lẻ cũng lên đến hàng nghìn tỉ mỗi năm.

Có phải Adayroi đóng cửa do thua lỗ?

Sau tuyên bố sáp nhập sàn thương mại điện tử Adayroi vào Công ty CP VinID, CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang khẳng định việc tập đoàn đóng cửa Adayroi không hẳn do mảng này hoạt động không hiệu quả, khiến thua lỗ liên tục nhiều năm qua.

IMG_8778

Vingroup cũng quyết định giải thể VinPro, chính thức buông mảng bán lẻ trực tiếp. (Ảnh: Phúc Minh).

"Thương mại điện tử ở Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp đều chấp nhận thua lỗ ban đầu khi đầu tư vào thương mại điện tử để thâu tóm thị phần. Ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ", ông Quang nêu quan điểm.

Theo ông, việc sáp nhập này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tập đoàn quyết định nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình 'New Retail', là mô hình kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O).

Ông Nguyễn Việt Quang nói sáp nhập Adayroi với ứng dụng VinID không chỉ giúp xây dựng một nền tảng bản lẻ mới, linh hoạt hơn, mà còn có thể cá nhân hóa đến từng khách hàng, bởi dự đoán đúng nhu cầu, phục vụ đúng yêu cầu vào đúng thời điểm của khách hàng.

Quyết định đóng cửa trang thương mại điện tử này, cùng với giải thể chuỗi điện máy VinPro trong tháng 12 này được xem là bước đi tiếp theo của Vingroup trong việc chính thức buông mảng bán lẻ.

"Những thay đổi này chính là động thái tiếp theo trong lộ trình cơ cấu lại toàn bộ khối bán lẻ của tập đoàn theo chiến lược tập trung cho các lĩnh vực mũi nhọn là công nghệ và công nghiệp như đã tuyên bố trước đó", ông Nguyễn Việt Quang khẳng định.

Công ty cổ phần VinID mà Adayroi sẽ sáp nhập có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, được thành lập tháng 7/2018, do Vingroup sở hữu 80% cổ phần. Trong sơ đồ cơ cấu quản trị của Vingroup, VinID được giới thiệu là hệ sinh thái số, thuộc nhóm thương mại - dịch vụ.

VinID khởi nguồn là chương trình chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, hay dễ hiểu là ứng dụng tích điểm cho Vinmart. Nhưng hiện VinID đã triển khai những chức năng mới để trở thành công cụ giúp kết nối khách hàng.

VinID được giới thiệu vừa là ứng dụng tiêu dùng thông minh, ứng dụng thanh toán, tài chính, vừa thu thập, nghiên cứu và phân tích tiêu dùng, và có tính năng tiếp thị bán hàng, hỗ trợ và phản hồi cho hệ sinh thái Vingroup.