Sáng nay Thủ tướng họp với loạt doanh nghiệp Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh...

Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo loạt doanh nghiệp bất động sản, sản xuất như Vingroup, FPT, Masan, Novaland, Hưng Thịnh... họp bàn về chính sách tiền tệ năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc. (Nguồn: VGP)

Loạt doanh nghiệp lớn được mời họp có Vingroup, Sungroup, Geleximco, FPT, Masan, TH, Đèo Cả, Novaland, Hưng Thịnh, Savico, Taseco; các tổng công ty, như: Đầu tư phát triển công nghiệp, Đầu tư phát triển nhà và đô thị Hà Nội; các CTCP như: Phát Đạt, Địa ốc Hoàng Quân, Đầu tư IMG, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Vinaconex...

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá kinh tế thế giới năm 2024 được đánh giá còn rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, dù kinh tế Việt Nam có khởi sắc, tiến bộ, phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức có thể đến bất lúc nào.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, cụ thể, sát thực tiễn. Cách đây hơn ba tháng, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị với các chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng thương mại bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngày 5/3, Thủ tướng tiếp tục có Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cố gắng, điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, các doanh nghiệp nỗ lực cơ cấu lại hoạt động phù hợp tình hình, các tổ chức tín dụng cũng chia sẻ để có dòng vốn lưu thông tốt hơn.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng); lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm; một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả (như gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, trong khi gói 15 nghìn tỷ đồng cho ngành gỗ lại giải ngân rất nhanh)...

Vì sao DN kêu thiếu vốn nhưng lượng tiền gửi vẫn tăng?

Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các Chủ tịch, Tổng Giám đốc và các ngân hàng thương mại tập trung thảo luận, đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế?

Hai là, vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?.

Theo NHNN, đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023 – nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.

Ba là, tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?

Bốn là, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?

Năm là, các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như NHNN đã giao ngay từ đầu năm? Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?

Sáu là, Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp? Cần có những công cụ gì? Chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, nhiều ngân hàng thừa nhận bất động sản vẫn là kênh hấp thụ vốn lớn nhất của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên do thị trường bất động sản gặp khó, đặc biệt là nhiều dự án gặp vướng pháp lý nhưng chậm được tháo gỡ nên nguồn vốn tín dụng kênh này, trong đó có tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, bị giảm mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho tăng trưởng tín dụng thời gian qua bị chậm lại.

Do vậy, nhiều ngân hàng đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm gỡ vướng pháp lý các dự án bất động sản, tạo điều kiện cho chủ đầu tư và cả khách mua nhà đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.