Ngày 6/8, trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự kiến ngày 15/8 tới đây, gói thầu XL7 - gói thầu cuối cùng trong 11 gói thầu xây lắp thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ được khởi công.
Cụ thể, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 thông tin, ngày 1/8 vừa qua, hợp đồng xây dựng đã được Ban Quản lý dự án 2 ký kết với liên danh nhà thầu: Công ty TNHH xây dựng Hoàn Hảo - Công ty xây dựng 1-5 và đang chờ ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ (Ngân hàng phát triển châu Á- ADB) để đáp ứng điều kiện thủ tục khởi công. Theo phương án được duyệt, gói thầu XL7 có chiều dài hơn 7km đi qua địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Gói thầu có giá trị 418 tỷ đồng. Thời gian thi công 22 tháng.
Trước đó, cuối tháng 7/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đôn đốc tiến độ dự án tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Với vai trò là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 2 được giao nhiệm vụ khẩn trương phối hợp các địa phương làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 làm việc trực tiếp với Hội đồng giải phóng mặt bằng của các địa phương để lên kế hoạch tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch vốn theo từng giai đoạn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư theo thẩm quyền.
Về thi công, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư phải chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu tổ chức thi công cuốn chiếu, hoàn thiện dứt điểm theo từng hạng mục (nền, móng, mặt đường) đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Đặc biệt lưu ý giải pháp thi công phù hợp khi thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi.
"Đối với các gói thầu đang chậm tiến độ (XL1, XL5, XL9) và có nguy cơ chậm tiến độ trong thời gian tới như gói thầu XL10, nhà thầu cần tăng cường thiết bị, nguồn lực, tăng ca/kíp làm bù khối lượng đã bị chậm, điều chỉnh các mũi thi công cho phù hợp với mặt bằng đã được bàn giao. Trường hợp, các gói thầu vẫn bị chậm tiến độ do yếu tố chủ quan của nhà thầu trong các tháng tiếp theo, chủ đầu tư phải có biện pháp xử lý tuân thủ quy định của hợp đồng đã ký", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Liên quan đến tiến độ của dự án, trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho hay, ngoài khó khăn về giải phóng mặt bằng cũng như việc chuyển đổi đất rừng, tiến độ của dự án đang bị chậm có yếu tố từ thời tiết mưa nhiều tại khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là khu vực Lai Châu, Lào Cai. Hiện đang là giai đoạn làm móng nền đường nên chỉ cần một trận mưa là công trường phải nghỉ thi công hàng chục ngày vì phải đợi nền đường khô mới xử lý được các hạng mục kỹ thuật.
Để đảm bảo tiến độ chung của dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho hay đã yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh thi công các hạng mục đã có công địa thi công, tranh thủ làm các hạng mục như đúc cống, tấm phên… để khi thời tiết thuận lợi là đẩy mạnh thi công trên công trường bù tiết độ bị "hụt" thời gian qua.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và Chính phủ Australia tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Quy mô của dự án gồm 2 tuyến: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147 km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.
Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.
Theo báo cáo, đến nay, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 20% giá trị hợp đồng.
Trong một diễn biên liên quan, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa trình Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 700 tỷ đồng, từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn đối ứng được điều chỉnh tăng từ hơn 988 tỷ đồng lên hơn 1.643 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tăng từ hơn 101 tỷ đồng lên hơn 153 tỷ đồng.
Đối với phần vốn tăng thêm, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có mức tăng cao nhất, từ gần 312 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng (tăng hơn 708 tỷ đồng); tiếp đến là phần tăng của chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (gần 52 tỷ đồng). Trong khi đó, chi phí dự phòng được điều chỉnh giảm hơn 53 tỷ đồng.