Sau li hôn ồn ào với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có 160 triệu USD, lọt top những người giàu nhất Việt Nam

Riêng khối tài sản mang ra tòa tranh chấp và cổ phần sở hữu tại Trung Nguyên được định giá tương đương 40%, bà Lê Hoàng Diệp Thảo sở hữu khối tài sản hơn 3.700 tỉ đồng (hơn 160 triệu USD). Với tài sản này, nếu so với những nữ đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay, bà Thảo chỉ xếp sau 3 người, là bà chủ Vietjet và 2 "nữ tướng" tại Vingroup.

Sau khi Tòa án Nhân dân cấp cao TP HCM tuyên chấp thuận li hôn cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo hôm 5/12, cuộc li hôn "nghìn tỉ" giữa vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên tạm thời khép lại sau thời gian đằng đẵng hơn 4 năm.

Chấp thuận cho vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên li hôn, tòa phúc thẩm tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ nắm quyền điều hành Trung Nguyên, còn bà Thảo được sở hữu vàng, tiền mặt và nhiều tài sản khác gồm bất động sản, cổ phần tại Trung Nguyên.

thao-9337-2read-only-155399775321239726986

Toà phúc thẩm đã chấp thuận li hôn cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo hôm 5/12. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Không được tòa đồng ý cho tham gia điều hành tại Trung Nguyên vì đã có doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành hàng, cạnh tranh trực tiếp với Trung Nguyên, tuy nhiên, sau li hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nắm trong tay khối tài sản hàng nghìn tỉ đồng. Khối tài sản của bà Thảo còn đồ sộ hơn nhiều nữ đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay.

Bà Diệp Thảo nắm trong tay khối tài sản hơn 160 triệu USD

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5/12, kết quả phân chia tài sản của hội đồng xét xử đã hé lộ số tài tài sản mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận được sau li hôn.

Bà chủ cũ của Tập đoàn Trung Nguyên được giao sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ trong các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỉ đồng. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỉ đồng.

Ngoài ra, bà Thảo cũng được chia 7 bất động sản và tài sản gắn liền trên bất động sản này, tổng trị giá 375 tỉ đồng.

lehoangdiepthao1_zing-crop

Tổng tài sản ước tính được chia của bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau li hôn là hơn 3.700 tỉ đồng. (Ảnh: Zing).

Riêng tài sản tại Công ty Trung Nguyên Singapore, ông "vua cà phê" Trung Nguyên cũng tự nguyện giao cho bà Thảo sở hữu hoàn toàn. Bà Thảo từng cho biết công ty này được định giá khoảng 100 tỉ đồng, một con số rất nhỏ so với tài sản tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Tòa cũng quyết định giao 4 người con cho bà Thảo và ông Vũ phải cấp dưỡng 10 tỉ đồng mỗi năm, cho đến khi các con học xong đại học.

Trong khi đó, về phần ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Hội đồng xét xử đã giao cho ông Vũ quản lí điều hành Tập đoàn Trung Nguyên. Tổng số tài sản của Trung Nguyên ước tính hơn 5.600 tỉ đồng.

Ngoài ra, vua cà phê còn được chia quản lí đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỉ đồng.

Với việc không sở hữu cổ phần tại Trung Nguyên, tổng tài sản ước tính được chia của bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau li hôn là hơn 3.700 tỉ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ.

Bà Thảo đang là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất

Với khối tài sản đồ sộ được phân chia sau li hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gia nhập "câu lạc bộ" những phụ nữ giàu nhất Việt Nam.

Nếu so sánh với những nữ doanh nhân trên sàn chứng khoán Việt, hiện bà Thảo đang đứng vị trí thứ tư, với tổng tài sản sở hữu ít nhất là hơn 3.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, so sánh này chỉ mang tính chất tương đối, bởi tài sản của các nữ doanh nhân trên sàn chứng khoán được tính dựa trên cổ phần sở hữu tại các doanh nghiệp.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-09 lúc 23

Nếu so với những nữ đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt, tài sản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia sau li hôn cũng rất lớn. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Theo đó, bà chủ cũ của Tập đoàn Trung Nguyên chỉ đứng sau nữ tỉ phú giàu nhất Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo và 2 "nữ tướng" tại Tập đoàn Vingroup là bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng.

Cụ thể, hiện CEO hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đang có trong tay hơn 37.000 tỉ đồng. Tài sản này giúp bà ghi tên vào danh sách những tỉ phú USD giàu nhất hành tinh của Forbes.

Trong khi đó, 2 Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup là bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng cũng là nữ doanh nhân có tổng tài sản trên sàn chứng khoán cao hơn bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Tổng tài sản của 2 "nữ tướng" lần lượt là 17.500 tỉ và 11.692 tỉ đồng.

Tạm xếp ở vị trí thứ tư, tổng tài sản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo có được sau li hôn là hơn 3.700 tỉ đồng. 

Khối tài sản này giúp bà vượt mặt nữ đại gia thủy sản Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vĩnh Hoàn. Hiện với việc sở hữu gần 39,6 triệu cổ phiếu VHC, giá trị tài sản được định giá ở thời điểm hiện tại của bà Khanh cũng mới đạt gần 3.150 tỉ đồng.

Ngay cả tổng tài sản trên sàn chứng khoán của mẹ con "nữ hoàng" mía đường nhà Thành Thành Công là bà Huỳnh Ngọc Bích và Đặng Huỳnh Ức My cũng không bằng tài sản của bà chủ cũ Trung Nguyên có được sau li hôn. Cụ thể, tổng tài sản của mẹ con bà Huỳnh Ngọc Bích gần 3.100 tỉ đồng.

Xếp sau bà Thảo còn một loạt nữ doanh nhân nổi tiếng, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn hiện nay như Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung (1.671 tỉ đồng), bà Chu Thị Bình của Thủy sản Minh Phú (1.346 tỉ đồng), Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh (818 tỉ đồng), "nữ tướng" Mai Kiều Liên của Vinamilk (574 tỉ đồng)…

Bà Thảo còn là chủ của thương hiệu King Coffee

Hiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn sở hữu riêng một chuỗi cà phê mang tên King Coffee. Trong thời gian "cơm không lành, canh không ngọt" với ông Vũ, bà Thảo đã thành lập công ty riêng là Trung Nguyên International Corporation. 

2643_1_2-crop

Bà Thảo đang chủ thương hiệu King Coffee. (Ảnh: Phúc Minh).

Một điểm khác biệt trong cách xây dựng King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo là sau khi ra mắt năm 2016, bà chọn "đánh" ở thị trường nước ngoài như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… trước khi mang về Việt Nam.

Đầu tháng 8 năm ngoái, thương hiệu cà phê King Coffee chính thức mở chuỗi quán tại TP HCM. Gần đây, bà Thảo đã bắt đầu tấn công mở rộng chuỗi tại nhiều tỉnh thành lớn cùng với TP HCM,  như Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Kiên Giang…

Đưa chuỗi cà phê này về Việt Nam, hình ảnh bà Thảo luôn gắn với King Coffee, bà cũng nhiều lần khẳng định vẫn trung thành với mục tiêu mở 1.000 quán cà phê khắp cả nước.

4022_13_3

Mô hình của King Coffee khá giống phiên bản cũ trước đây của Trung Nguyên. (Ảnh: Phúc Minh).

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng cho biết King Coffee thừa hưởng kinh nghiệm và cả hệ giá trị từ chuỗi nhượng quyền Trung Nguyên - nơi bà và ông Vũ gây dựng nên thương hiệu Trung Nguyên. 

Vì vậy, nhìn vào cách mà bà xây dựng King Coffee, có thể thấy những nét phảng phất của Trung Nguyên trước đây, từ màu sắc nhận diện thương hiệu, menu thức uống chủ đạo là Arabica và Robusta với cách pha chế phin thường thấy của Trung Nguyên, cho đến cách bày trí của mô hình xưa, nhưng được nâng một bậc mới để phù hợp nhóm khách hàng cao cấp theo định hướng.