Sau 'nhiều đời' dự thảo Nghị định quản xe công nghệ, Bộ Tư pháp vẫn đề nghị làm rõ thêm bản chất Grab

Bộ Tư pháp vẫn đề nghị cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có qui định quản lí cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch sau khi Bộ GTVT đưa ra gần chục dự thảo Nghị định quản lí xe công nghệ.
Sau nhiều đời dự thảo Nghị định quản xe công nghệ, Bộ Tư pháp vẫn đề nghị làm rõ thêm bản chất Grab - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa).

Bộ Tư pháp, Grab đề nghị "định nghĩa" lại kinh doanh vận tải

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ Tư pháp vừa có góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, Bộ Tư pháp cho biết, Khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị định đưa ra khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

"Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi".

Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại qui định này.

"Theo qui định như trên thì bất kì đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhưng dự thảo Nghị định chưa làm rõ thế nào là trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, thế nào là quyết định giá cước vận tải sẽ dễ dẫn đến áp dụng không thống nhất.

Bộ Tư pháp đề nghị chỉ coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải", Bộ Tư pháp cho hay.

Bộ Tư pháp khẳng định nhất trí với việc bổ sung qui định để quản lí các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm), khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lí, điều hành xe taxi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ này đề nghị cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có quy định quản lí cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.

Đáng chú ý là đối với góp ý trên của Bộ Tư pháp, Công ty TNHH Grab cũng cho rằng hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm nhiều công đoạn.

"Việc chỉ đưa hai công đoạn "điều hành phương tiện, lái xe" và "quyết định giá cước vận tải" vào định nghĩa kinh doanh vận tải, mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác, như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện... là không hợp lí.

Chúng tôi đề xuất cần qui định rõ ràng các khái niệm "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải"; đồng thời, bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm "kinh doanh vận tải bằng xe ô tô", Công ty TNHH Grab góp ý.

Qui định không rõ mục tiêu, hạn chế kinh doanh vận tải

Cũng liên quan đến hoạt động taxi, theo Khoản 5 Điều 6 dự thảo Nghị định có bổ sung qui định: "Trong thời gian 1 tháng xe taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình".

Với qui định trên, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ với lí do việc hạn chế thời gian xe taxi hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu là không có cơ sở pháp lí, không có cơ sở khoa học, mang tính chất áp đặt hành chính, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị bỏ điểm c khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định qui định "Xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải bảng điện tử với chữ xe "XE HỢP ĐỒNG".

Bộ này cho rằng điểm a, điểm b khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định đã quy định tất cả các loại xe hợp đồng đều phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG", vì vậy, việc qui định như tại điểm c khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định là không cần thiết.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị xem lại điểm c khoản 3 Điều 7 dự thảo Nghị định qui định "Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe: ... Không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh".

"Qui định này là không rõ mục tiêu quản lí, hạn chế đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ vận chuyển, đưa đoàn cán bộ, công nhân viên theo hợp đồng cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp cho rằng, việc qui định như dự thảo Nghị định còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính, tạo gánh nặng cho việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước", Bộ này góp ý.

Dự thảo có thể tạo cơ chế xin cho, tăng chi phí doanh nghiệp

Đáng chú ý là Bộ Tư pháp tiếp tục đề nghị xem xét, bỏ qui định tại khoản 5 Điều 7 dự thảo Nghị định về việc đơn vị kinh doanh vận tải ô tô trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo đến Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thông tin về hành trình, thời gian thực hiện.

Bộ cho rằng việc yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo sẽ thêm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp mà cũng không bảo đảm đạt được mục đích quản lí xe hợp đồng.

"Nếu cần thiết báo cáo để phục vụ mục đích thống kê, quản lí thuế, có thể yêu cầu doanh nghiệp báo cáo chi tiết thông tin theo định kì (hàng tuần, hàng tháng) để tiết kiệm thời gian và công sức cho doanh nghiệp và Sở GTVT", Bộ Tư pháp góp ý.

Với điểm d khoản 1 Điều 13 dự thảo Nghị định qui định "không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 9 chồ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chồ (kể cả người lái xe)... để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô", Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc lại.

Cụ thể là cân nhắc quy định này trên cơ sở làm rõ lí do của việc đưa ra qui định hạn chế trên.

Bộ Tư pháp cho rằng, việc hoán đổi xe có sức chứa từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ nếu không vi phạm qui định về an toàn kĩ thuật thì không nên hạn chế.

Được biết, dự thảo Nghị định tiếp tục duy trì cơ chế đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đăng kí để được cấp phù hiệu cho từng xe tham gia kinh doanh vận tải.

Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá lại sự cần thiết của qui định này.

"Qui định như dự thảo Nghị định có thể tạo cơ chế xin - cho, tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, cần xem xét loại bỏ.

Dự thảo Nghị định đã qui định doanh nghiệp phải có phù hiệu đối với xe kinh doanh vận tải, do đó, chỉ nên qui định mẫu phù hiệu và giao cho các đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm lắp phù hiệu theo đúng qui định", Bộ Tư pháp thông tin thêm.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.