Sau vụ "vỡ" đường dây tiền ảo đa cấp ngàn tỷ: Sàn ảo vẫn nhộn nhịp

Dù vụ lừa đảo tiền ảo đa cấp 15.000 tỷ đồng liên quan công ty Modern Tech gây xôn xao dư luận nhưng ngay tại TPHCM, trên các diễn đàn tài chính, người chơi vẫn nhộp nhịp nghe tư vấn, mua bán tiền ảo.
sau vu vo duong day tien ao da cap ngan ty san ao van nhon nhip
Nhiều người đang bị chiêu dụ đầu tư mua tiền ảo DAG.

Thưởng “khủng”, lãi suất đến 65%

Trong vai một nhà đầu tư muốn tìm hiểu tiền ảo, chúng tôi được người giới thiệu tên B. “tiếp thị” đồng tiền ảo mới xuất hiện mang tên DAG. Tại trụ sở giao dịch DAG trên đường Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận, TPHCM), gần chục người tụ tập và chia sẻ thông tin về đồng tiền ảo này. B. thì thầm: “Đồng tiền ảo DAG là dòng tiền ổn định và khắc phục tất cả các lỗi của các đồng tiền ảo trước đó. Hiện, DAG đã có mặt trên hơn 200 nước, dù mới vào Việt Nam nhưng cũng có khoảng 700 người tham gia rồi. Mình đầu tư càng sớm càng có lợi về sau”.

Tại đây, các nhà “môi giới” giới thiệu, DAG có nhiều gói tham gia từ 100EUR - 25.000EUR. Tùy theo gói mà được hưởng lợi lãi suất hàng tháng lên đến 65%. Mỗi tháng, công ty sẽ chuyển tiền (đồng DAG- PV) vào tài khoản cho nhà đầu tư vào thứ 2 đầu tháng. Ngoài ra, khi giới thiệu được người tham gia vào DAG, nhà đầu tư sẽ được hưởng hoa hồng theo dạng đa cấp 10% đối với F1, 5% với F2... Đặc biệt, nếu giới thiệu được khách tham gia các gói lớn như 12.500EUR, 25.000EUR thì bạn sẽ nhận được 25% hoa hồng bằng tiền mặt.

Khi chúng tôi đề cập tính pháp lý của đồng DAG, B. cho hay: “Cái này là sàn quốc tế, có mặt khắp thế giới nên đâu cần Việt Nam phải cấp phép. Mình thích thì cứ đầu tư thôi chứ có ai cấp phép đâu”(?!).

Cũng đánh vào lòng tham bằng lợi nhuận “cực khủng”, đồng tiền ảo mới mang tên MMM (3M) đã chiêu dụ được khá nhiều người chơi. Cụ thể, khi đầu tư vào đây, khách chỉ việc “ngồi chơi xơi nước” với số tiền “ lãi” lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng.

Văn phòng giao dịch tiền ảo BNC (đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình) chiều 11/4 không ít người đến mua bán tiền ảo. Đây là đồng tiền được cho là do công ty CP Đầu tư phát triển doanh nghiệp điện tử Việt Nam (BNI) “phát hành” cuối năm 2017, ban đầu có giá 2 USD/BNC. Khi biết khách muốn mua BNC, nhân viên BNI thông báo còn 4 ngày nữa đồng tiền này được đưa lên “sàn giao dịch quốc tế”, mức giá hiện tại là 4 USD/BNC. Khách muốn mua bao nhiêu cũng có.

Trước đó, công ty Modern Tech cũng chiêu dụ “con mồi” bằng lợi nhuận khủng từ 50-60%; tổ chức sự kiện ở các địa điểm nổi tiếng của TPHCM, Hà Nội, Vũng Tàu; mời các ca sĩ nổi tiếng tham gia… Cuối cùng, đã có 32.000 “con mồi” dính bẫy với số tiền hơn 15.000 tỷ đồng.

Công an TP Hồ Chí Minh vào cuộc

Ngày 11/4, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM có công văn khẩn giao Công an TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp (cụ thể là công ty CP Modern Tech, với số tiền huy động các nạn nhân tố cáo là hơn 15.000 tỷ đồng), khẩn trương báo cáo đề xuất trình UBND TPHCM có biện pháp xử lý phù hợp.

Công văn đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM theo dõi sát để xử lý nghiêm các vi phạm về thanh toán không dùng tiền mặt, không hợp pháp, tiền ảo bị cấm phát hành, cung ứng và sử dụng... NHNN tham mưu UBND thành phố kịp thời triển khai các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Song song đó, lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu các sở chức năng chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến việc sử dụng tiền ảo trong thanh toán.

Không được bảo vệ

Ông Liêm khẳng định các loại tiền ảo không phải tiền tệ, không là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Người nào dùng iFan, Pincoin để giao dịch sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhấn mạnh về trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động tiền tệ, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm và hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ về góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, tiền ảo luôn tiềm ẩn rủi ro cho người sở hữu vì tính ẩn danh cao. Việc quản lý thông qua thuật toán khiến số tiền này khó bảo toàn giá trị, và dễ xảy ra bị tấn công và gây cản trở trong giao dịch. Điều quan trọng nhất là nó không chịu sự chi phối của cơ quan chính danh nào nên người sở hữu không được bảo vệ nếu có thất thoát nghiêm trọng. “Đây là một vấn đề phức tạp, NHNN cũng đã đưa ra những quy định để khống chế nhưng phạm vi rộng nên vẫn cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng khác. Hiện nay chúng tôi cũng chỉ đưa ra khuyến cáo với người dân, doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này”, ông Minh bày tỏ.

Trước đó, trong tháng 1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp NHNN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền điện tử tại Việt Nam.

Người chơi có thể bị xử lý hình sự

Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an cho rằng, chính người chơi cũng vi phạm pháp luật bởi luật Việt Nam không cho phép đầu tư tiền ảo.

Đại tá Trường khẳng định việc Modern Tech huy động vốn của người dân để đầu tư vào tiền ảo iFan và Pincoin là giao dịch trái pháp luật. Người chơi đầu tư tiền ảo, nhưng lại bị mất tiền thật, vừa có thể bị xử lý hình sự.

Modern Tech mới chỉ nộp thuế môn bài 1,5 triệu đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, theo đăng ký kinh doanh của Modern Tech, đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Văn (SN 1988; ngụ Q.2)- giám đốc công ty. Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Theo danh sách cổ đông sáng lập, ngoài ông Văn còn 7 cổ đông khác, với vốn góp từ 12-15 tỷ đồng/người. Công ty này bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2017 nhưng thực tế văn phòng thuê tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ là ảo, không hoạt động. Đến ngày 11/4, công ty này vẫn chưa đăng ký giải thể.

Nguồn tin từ Cục Thuế TPHCM cho biết, doanh nghiệp này chỉ mới nộp thuế môn bài 1,5 triệu đồng và chưa đăng ký sử dụng hóa đơn. Thời gian hoạt động của doanh nghiệp này rất ngắn, chỉ vài tháng nên chưa phải kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chỉ đăng ký kê khai thuế thu nhập theo năm nên hiện tại các khoản phát sinh doanh thu hay hợp đồng của doanh nghiệp này vẫn chưa được Cục thuế rà soát.

“Với việc doanh nghiệp này bị phản ánh tiêu cực, Cục Thuế TPHCM sẽ tiến hành rà soát lại đồng thời sẽ kiểm tra theo quy định đối với doanh nghiệp nộp hồ sơ xin giải thể” – vị này nói.

sau vu vo duong day tien ao da cap ngan ty san ao van nhon nhip Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xử lý vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng.

sau vu vo duong day tien ao da cap ngan ty san ao van nhon nhip Bộ Công an tăng cường điều tra, xử lý tiền ảo trái luật

Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.