Tiền ảo của Facebook có tên gọi là Libra. (Ảnh: New York Times).
Vào hôm thứ Ba, Facebook đã hợp tác với một số tập đoàn lớn khác như Uber, Spotify, PayPal và VISA để cùng đưa ra một tuyên bố rằng họ sẽ dẫn đầu trong cuộc đua tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu mới có tên là Libra.
"Chúng tôi tin rằng thế giới cần một loại tiền tệ mới, đáp ứng tốt nhất các thuộc tính như: ổn định, lạm phát thấp, được sử dụng trên phạm vi toàn cầu", Facebook nói trong tuyên bố của mình.
Theo đó, Facebook đã đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống tiền tệ và cách thức thanh toán mới bằng cách sử dụng công nghệ Blockchain. Facebook cũng đã thành lập một công ty con có tên là Calibra, với mục đích cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động như: tiền tiết kiệm, tiền chi tiêu và tiền gửi.
Các chuẩn mực cho loại tiền mới này sẽ được quản lí bởi một tổ chức phi lợi nhuận ở Thụy Sĩ được gọi là Hiệp hội Libra. Đồng tiền ảo này cũng sẽ có ngân hàng trung ương của riêng mình, gọi là Cục dự trữ Libra và hội đồng quản trị là thành viên của các tập đoàn đã giúp Facebook hình thành ra nó.
Trước Libra, trên thế giới cũng đã xuất hiện nhều loại tiền ảo như thế, được gọi là tiền điện tử như Bitcoin và Ripple, cũng với mục đích thay thế hệ thống tiền tệ hiện tại.
Tuy nhiên, Libra sẽ rất khác so với các đồng tiền điện tử khác. Nếu như đối với các đồng tiền điện tử, chúng được sử dụng vì người dùng chấp nhận nó, hoàn toàn không phải xuất phát từ giá trị nội tại nào hay sự bảo trợ bởi bất cứ chính phủ nào, thì Libra lại vận hành theo một cách khác.
Libra ổn định hơn các loại tiền điện tử trên. Nó được hỗ trợ bởi các khoản dự trữ: Nếu người dùng mua một đô Libra, đồng đôla này sẽ được giữ ở một nơi nào đó, và sẵn sàng chi trả khi ai đó bán Libra.
Hơn nữa, hầu hết các loại tiền điện tử đề rất khó sử dụng thì Libra hứa hẹn sẽ thân thiện với người dùng khi được tích hợp trực tiếp vào Facebook và WhatsApp.
Dự án này đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mặt giấy tờ và ý tưởng, chưa có bất kì một động thái công khai chính thức nào từ phía Facebook hay từ phía các tập đoàn bắt tay với trang mạng xã hội này.
Tuy nhiên, tham vọng tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu mới là một bước đi đầy táo bạo của Facebook, đặc biệt là vào thời điểm tập đoàn này đang chìm trong cơn bão về bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân.
Facebook cũng đang dính phải những chỉ trích hoặc bị điều tra vì vi phạm quyền riêng tư, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và làm xói mòn những giá trị như tự do báo chí hay tính dân tộc.
Tuy vậy, theo New York Time, tham vọng này phù hợp vào mục tiêu của Facebook đó là kết nối thế giới bằng cách tạo ra một hệ thống thanh toán có khả năng vượt qua các ngân hàng trung ương, các cơ quan quản lí và hệ thống tiền tệ rắc rối hiện có.
Đồng tiền ảo này sẽ đem lại nhều rủi ro cho nền kinh tế, theo các chuyên gia.
Bước đi táo bạo này của Facebook đang gặp phải 4 vấn đề lớn.
Đầu tiên, và có lẽ là đơn giản nhất, đó là tổ chức ra một hệ thống thanh toán toàn cầu, là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn vào các cách thức kiểm soát. Các ngân hàng hiện nay luôn phải chú ý đến các chi tiết nhỏ nhất để ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế và làm giả.
Tái tạo một hệ thống phức tạp như vậy không phải là việc mà một tổ chức có các vấn đề về độ riêng tư và các vấn đề kĩ thuật như Facebook có thể làm được. Hoặc tệ hơn, nếu Facebook vẫn nhất quyết làm nó, sẽ tạo ra những lỗ hổng cho các hoạt động rửa tiền, trốn thuế hay tài trợ khủng bố phát triển.
Thứ hai, kể từ sau Nội chiến Mỹ, chính quyền liên bang đã ra một lệnh cấm giữa các ngân hàng và các hoạt động thương mại. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã ra các quy định cấm ngân hàng đi vào thực hiện các hoạt động phi ngân hàng thông qua mô hình công ty mẹ con. Lịch sử chứng minh rằng người Mỹ sẽ không muốn các ngân hàng cạnh tranh trực tiếp với khách hàng của họ.
Ngân hàng và thanh toán là hai lĩnh vực khác nhau, cho phép ngân hàng được phép tiếp cận các bí mật kinh doanh của khách hàng. Năm 1970, một công ty du lịch lập luận rằng ngân hàng có thể biết hết các khách hàng tốt nhất của họ, và nếu ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cạnh tranh trở lại, họ sẽ không có đối thủ. Đó là lý do lệnh cấm được ban hành.
Hãy tưởng tượng công ty con Calibra của Facebook biết được số dư trong tài khoản và cách chi tiêu của bạn, sau đó bán dữ liệu này cho một nhà bán lẻ để sử dụng thuật toán tối đa hóa giá cho những gì bạn có thể trả cho một sản phẩm.
Nếu điều này xảy ra không chỉ với nhiều người tiêu dùng mà còn xảy ra đối với các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế thì hậu quả sẽ thế nào? Xung đột lợi ích như vậy là lí do tại sao thanh toán và ngân hàng phải được tách ra riêng biệt trong nền kinh tế, ở Hoa Kì.
Ngoài ra, những tập đoàn thuộc liên minh Libra cũng có thể từ những quyền truy cập dữ liệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình. Chẳng hạn Uber sẽ nhờ vào việc giảm giá đồng tiền này mà thu hút được nhiều khách hàng hơn khi họ sử dụng Libra để chi trả.
Vấn đề thứ ba là hệ thống Libra, hoặc là bất kì hệ thống tiền tệ tư nhân nào, đều có thể đem đến những rủi ro cho nền kinh tế của chúng ta. Đồng Libra được hỗ trợ có thể bằng trái phiếu, và bằng tài sản chính dự trữ tại Cục dự trữ Libra.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nó bị mất trộm hoặc xâm nhập hệ thống? Điều gì sẽ xảy ra nếu người dùng đồng loạt muốn bán đồng Libra của họ cùng lúc?
Và vấn đề thứ tư là vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia. Cấp phép cho một đồng tiền mở, vượt qua mọi biên giới là một điều tích cực. Tuy nhiên, sự cởi mở không phải lúc nào cũng tốt.
Ví dụ, hầu hết các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kì, sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để cấm vận cá nhân, hoặc công ty thường dựa vào hệ thống tài chính của riêng mình để gây bất lợi cho đối phương.
Lệnh cấm được áp dụng qua hệ thống ngân hàng, nếu bạn không thể gửi tiền đôla vào ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc bạn không thể sử dụng được đồng đôla.
Mặt khác, một hệ thống tiền tệ dựa trên sự đồng thuận của các chủ thể tư nhân, trên các giao thức mở nghe có vẻ hay, nhưng đó không phải là dân chủ.
Nếu như ngày nay, tại Mỹ, các nhà quản lí ngân hàng và ngân hàng Trung ương được thuê bởi một chính phủ được dân bầu, thì các nhà quản lí Libra lại được thuê bởi một hội đồng tự chọn của các tập đoàn.
Nhiều năm trước, Mark Zuckerberg đã nói rõ rằng anh ta không nghĩ Facebook là một doanh nghiệp. Nói theo nhiều cách, "Facebook giống như một chính phủ hơn là một công ty truyền thống", Zuckerberg nói.
"Chúng tôi thực sự thiết lập các chính sách. Ví dụ, Facebook đang cố gắng thành lập một tòa án độc lập theo kiểu Tòa án tối cao, để xử lí kiểm duyệt nội dung. Và bây giờ tập đoàn lại đang thiết lập một loại tiền tệ toàn cầu mới", vị CEO Facebook chia sẻ.
Như vậy có thể thấy, cách Facebook đặt ra tham vọng tái cấu trúc tiền tệ và thanh toán đã đặt ra câu hỏi cho các tổ chức dân chủ. Bất kì công ty nào, lớn cỡ đâu thì hành động này cũng là một bước đi khá mạo hiểm.