Sẽ đầu tư loạt dự án giao thông, bất động sản hàng tỷ USD ở Tây Nguyên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn để thực hiện các dự án giao thông, bất động sản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên.

Loạt dự án kêu gọi đầu tư

Sáng 20/11, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng đã diễn ra tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Theo báo Đầu tư, Ban tổ chức hội nghị đã công bố hàng loạt dự án kêu gọi đầu tư tại khu vực tây Nguyên. 

Cụ thể, Gia Lai xúc tiến đầu tư cho dự án cho 5 dự án hơn 6.300 ha gồm dự án du lịch sinh thái Hồ Ayun Hạ quy mô 500 ha, nằm ở phía Đông Nam tỉnh, cách quốc lộ 25 khoảng 13 km.  

Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya 5.191 ha, trong đó diện tích xây dựng dự kiến 1.000 – 1.500 ha với mục tiêu thành Khu du lịch quốc gia. Trung tâm Logistics Quốc tế Tây Nguyên thuộc huyện Mang Yang quy mô 511 ha, trong đó giai đoạn một là 266 ha, giai đoạn hai là 245 ha.

Ngoài ra, Gia Lai sẽ dành quỹ đất 75 ha để xây dựng một nhà máy sản xuất và 75 ha thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp do UBND tỉnh cấp giấy phép.

Với tỉnh Đắk Nông, Ban tổ chức công bố kêu gọi đầu tư dự án Khu đô thị Lửa và Nước Đắk Rtih, TP Gia Nghĩa, có diện tích khoảng 752 ha với mục tiêu xây dựng khu đô thị kết hợp với khu nghỉ dưỡng; trung tâm du lịch của công viên địa chất ở tỉnh.

Đồng thời, Dự án Trung tâm logistics hạng II, rộng 20 ha, nằm ở huyện Đắk R’lấp với 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng kêu gọi đầu tư.

Tỉnh Kon Tum sẽ dành 2.000 ha để xây dựng dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. 

Ngoài ra, trên địa bàn còn có các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư khác như: Trung tâm logistics, kho bãi, dịch vụ cửa khẩu Quốc tế Bờ Y diện tích 12 ha; Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung có quy mô 200 ha nằm ở huyện Đắk Tô;...

Đắk Lắk kêu gọi đầu tư vào dự án Khu dịch vụ hậu cần trung chuyển, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản 485 ha. 

Ký kết các thỏa thuận đầu tư trị giá hàng tỷ USD

Trong Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) và biên bản hợp tác (MOC) với các đối tác phát triển quan tâm tài trợ cho các dự án phát triển Vùng Tây Nguyên, với tổng vốn 288 triệu USD (khoảng 7.148,8 tỷ đồng).

Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã nhận các biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư, chủ trương đầu tư các dự án quy mô lớn từ giao thông đến bất động sản vào Tây Nguyên. 

(Ảnh: Bộ Công Thương).

Cụ thể, Bộ trao chủ trương đầu tư dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP tổng vốn 688 triệu USD (tương đương 17.078 tỷ đồng).

CTCP Tập đoàn T&T; CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang đã nhận biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu hợp tác đầu tư chỉnh trang đô thị; đầu tư dự án đường cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương và đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E theo phương thức đối tác công - tư; đầu tư các dự án, sản phẩm du lịch, chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến một tỷ USD.

Đại diện CTCP Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh và CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung nhận biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu hợp tác đầu tư dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” với tổng mức đầu tư dự kiến 690 triệu USD (17.200 tỷ đồng). 

Tập đoàn TH nhận biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu đầu tư các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, quy mô 1,2 tỷ USD.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án “Hợp tác về khảo sát nghiên cứu dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực Nông lâm nghiệp - Thương mại dịch vụ - Công nghiệp khai khoáng, chế biến sâu trên nền tảng phát triển bền vững tại địa bàn tỉnh Đắk Nông”.

CTCP Tập đoàn Trường Hải nhận biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu hợp tác đầu tư chỉnh trang đô thị, các dự án tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit, chế biến Alumin, sản xuất nhôm, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp và các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, với tổng mức đầu tư dự kiến 1,3 tỷ USD.

CTCP Daksun Hill nhận biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, khảo sát phát triển dự án Khu nhà ở nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Daksun Hill và dự án sân golf tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD (7.400 tỷ đồng).

Công ty TNHH Oleco - NQ và CTCP BĐS Mỹ nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội khu dân cư đồi Thanh Danh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

156.000 tỷ đồng làm 5 cao tốc kết nối

Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển Vùng Tây Nguyên, sẽ có 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối phấn đấu hoàn thành trước năm 2030.

Cụ thể gồm 5 cao tốc là Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.

Ba dự án về cảng hàng không gồm Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E; Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Pleiku lên cấp 4C và Mở rộng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Ngoài ra còn dự án khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Tây Nguyên chỉ có 19 km đường cao tốc Liên Khương - Prenn. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Phát biểu tại Hội nghị ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị bộ ngành và địa phương cần sớm hoàn thành 5 cao tốc quan trọng ở Tây Nguyên giúp vùng thuận lợi kết nối cả nước.

Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn xây dựng 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, với tổng diện tích 54.500 km2 và 6 triệu dân sinh sống. Đây được xem là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng của đất nước.

Hiện nay, về giao thông đường bộ, Tây Nguyên chỉ có 19 km đường cao tốc và 3.114 km đường quốc lộ nối liền với các tỉnh Duyên hải miền Trung, các cảng biển, Đông Nam Bộ thông các trục dọc: QL14, QL14C, đường Trường Sơn Đông, các trục ngang: QL19, QL20, QL24, QL25, QL26, QL27, QL28, QL28B, QL29 và thông thương với Đông Bắc Campuchia và Nam Lào qua các tuyến QL18B, 78. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.