Đây là năm đầu tiên Giải vô địch đua xe F1 thế giới tổ chức chặng đua ở Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4/2020. Tuy nhiên, trước dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, đơn vị tổ chức đã quyết định tạm hoãn chặng đua F1 Hà Nội.
Nhà tài trợ chính của giải đua năm nay ở Việt Nam là thương thương hiệu ô tô Việt - VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Tuy không công khai, nhưng để trở thành nhà tài trợ chính của chặng đua, các chuyên gia cho rằng VinFast đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn, và việc tạm hoãn vì Covid - 19 cũng gây ra những thiệt hại không nhỏ cho hãng xe.
Để tổ chức chặng đua F1 ở Hà Nội, ngay từ cuối năm 2018 VinFast đã thành lập một công ty con - Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix, với vốn điều lệ lên tới 1.000 tỉ đồng.
Theo Cổng thông tin đăng kí doanh nghiệp, công ty này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast. Cuối năm 2019, Việt Nam Grand Prix được chuyển về công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup.
F1 được biết đến là giải đua xe đắt đỏ nhất hành tinh, với số tiền hàng tỉ USD mỗi năm được đổ vào tổ chức cho 20 tay đua tranh tài. Tuy vậy, vẫn có hàng dài các nhà tài trợ sẵn sàng chi bộn tiền để được vinh danh trong giải đua.
Tuy không công bố số tiền đầu tư vào giải đua đắt đỏ, nhưng theo nhiều chuyên gia, để trở thành đơn vị độc quyền tổ chức giải đua F1 với đường đua dự kiến tại Mỹ Đình dài hơn 5,5 km, Vingroup đã phải chi hàng chục triệu USD.
Trên thực tế, số tiền để tổ chức một chặng đua F1 trên thế giới đến nay vẫn luôn là con số bí ẩn.
Theo tiết lộ từ tờ Formula Money, chỉ tính riêng việc xây khán đài đủ chỗ cho 80.000 người xem trực tiếp đã tốn khoảng 14 triệu USD. Hàng rào và rào chắn đối với chặng đua dài khoảng 5,15km cũng lên tới 8 triệu USD, đồng thời chi phí để thê các toà nhà xung quanh làm trạm sửa chữa cũng mất thêm 8 triệu USD nữa.
Ngoài ra, để tổ chức và quảng bá giải đua, cần ít nhất 6 triệu USD trả lương cho nhân sự marketing, quản lí. Trong đó, mỗi chặng đua ước tính sẽ cần tới 600 người vận hành, 120 lính cứu hoả và 550 tình nguyện viên.
Đó còn chưa kể đến các khoản như xe cộ, văn phòng và các tiện ích liên quan tốn 6 triệu USD. Cần cẩu và 350 bình chữa cháy đặt ở mỗi 15m đường đua tốn thêm 4,5 triệu USD. Đơn vị tài trợ cũng phải chi thêm 1 triệu USD tiền mua bảo hiểm.
Chi phí nâng cấp, dọn đường mỗi năm, theo số liệu từ các đường đua khác, cũng khoảng vài triệu USD.
Như vậy, một chặng đua F1 trên đường phố dài khoảng hơn 5km cũng ngốn của nhà tài trợ ít nhất một khoản tổng cộng gần 60 triệu USD, tức hơn 1.000 tỉ đồng.
Với lượng khán giả truyền hình tích luỹ hàng năm lên tới 1,8 tỉ người, giải đua F1 đang có hơn 506 triệu người hâm mộ trên toàn thế giới, và số người tham dự trung bình trong mỗi chặng đua là khoảng 200.000 người. Qua đó, chặng đua sẽ tạo ra những lợi ích về kinh tế, văn hoá khổng lồ cho nước chủ nhà nói chung và đơn vị tài trợ nói riêng.
Trong giai đoạn từ 2012-2015, giải đua xe F1 United States Grand Prix được tổ chức tại The Circuit of the Americas, đã đóng góp cho nền kinh tế địa phương lên tới 2,8 tỉ USD.
Một nghiên cứu mới đây của PriceWaterhouseCoopers cho thấy, giải đua F1 Azerbaijan Grand Prix ở Baku đã tạo ra 277,3 triệu USD cho nền kinh tế nước này trong hai năm 2016 và 2017.
Năm 2019, giải đua F1 Mexican Grand Prix đã mang cho các phương tiện truyền thông toàn cầu số tiền gần 300 triệu USD và hơn 46,5 triệu USD cho các kênh truyền thông của Mexico.
Theo thống kê từ ban tổ chức Grand Prix, tại mỗi cuộc đua sẽ thu hút hơn 200.000 tham dự, trung bình 53% số đó đến từ nước ngoài.
Kể từ năm 2008 sau khi tổ chức giải Grand Prix đầu tiên, Singapore đã đón hơn 450.000 khách quốc tế, đóng góp 1,4 tỉ USD vào nền kinh tế quốc đảo.
Không những mang về lợi nhuận, chặng đua F1 còn tạo ra hàng nghìn việc làm thời vụ cho người dân địa phương.
Các số liệu từ ban tổ chức Grand Prix chỉ ra, từ khi Grand Prix tới Montreal, giải đấu này đã tạo ra thêm 640 việc làm ở khu vực Quebec, Canada trong suốt thời gian diễn ra chặng đua. Các hoạt động hàng năm của F1 United States Grand Prix được tổ chức tại The Circuit of the Americas đã hỗ trợ gần 9.100 việc làm ở địa phương.
Nó còn là một cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh, văn hoá của nước chủ nhà tổ chức đến với bạn bè quốc tế.
Bản thân Vingroup cũng khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận khi đầu tư tài trợ giải đấu. Lí do chính mà Vingroup tham gia giải F1 là mang lại cơ hội quảng bá thương hiệu, quảng bá đất nước con người Việt Nam, tạo điều kiện thu hút khách du lịch và sự phát triển của nhiều dịch vụ hỗ trợ", ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vingroup, nói.