Trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, có một thuật ngữ phổ biến nhưng không phải ai cũng biết, đó là Second Home. Vậy Second Home là gì?
Second Home, tạm dịch là “ngôi nhà thứ hai”, là một dạng bất động sản nghỉ dưỡng được thiết kế phục vụ cho nhu cầu du lịch, nghỉ ngơi kết hợp với đầu tư sinh lời. Đúng với tên gọi, đây có thể được xem như là ngôi nhà thứ hai để các chủ đầu tư có thể nghỉ dưỡng, an hưởng tuổi già và khai thác cho thuê trong thời gian không sử dụng.
Thông thường, các không gian nghỉ dưỡng này có vị trí khá đắc địa, điển hình như thuộc các khu du lịch, ven biển, ven hồ hoặc ở vùng núi. Từ đó cho ra đời các sản phẩm Second Home tiêu biểu như condotel, officetel, shophouse, biệt thự biển, biệt thự hồ, biệt thự núi,...
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình Second Home, chẳng hạn như cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt hay hệ thống hàng không nội địa - quốc tế có sự kết nối chặt chẽ. Ở thời điểm hiện tại, các thị trường Second Home nổi bật trong nước phải kể đến là Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc,…
Second Home được đánh giá là có chi phí khá đắt đỏ, phù hợp với các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Dưới đây là 3 yếu tố làm nên xu hướng của loại hình bất động sản này được các nhà đầu tư quan tâm:
- Sở hữu vị trí lý tưởng, được nhiều người ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu đa dạng khi sử dụng.
- Khả năng đầu tư sinh lời cao, thu hút lượng lớn khách hàng cả trong và ngoài nước đến đăng ký thuê, nghỉ dưỡng.
- Tính rủi ro thấp nhờ vào lượng du khách hàng năm khá đông và tăng lên hàng năm.
Trước khi du nhập vào Việt Nam và tạo nên cú hích cho ngành bất động sản, xu hướng Second Home đã trở nên phổ biến ở các nước phương Tây. Theo đó, mô hình nghỉ dưỡng TimeShare lần đầu tiên xuất hiện tại Pháp vào năm 1960, sau đó là sang Mỹ và lan rộng ra các nước trên thế giới kể từ năm 1970. Đến năm 1980, TimeShare phát triển thành loại hình Second Home với sự phong phú hơn về sản phẩm, đồng thời cũng bắt đầu tiến sang thị trường châu Á.
Từ năm 2000 đến nay được xem là thời kỳ nở rộ của loại hình này tại khu vực Đông Nam Á. Với sự phát triển của công nghệ, hàng không và cơ sở hạ tầng, các sản phẩm bất động sản cho Second Home đã đa dạng hơn về cả giá bán và phân khúc khách hàng.
Theo ghi nhận, khi Second Home tăng trưởng đầu những năm 2000, người mua đến từ Anh gần như “lèo lái” thị trường châu Âu. Khảo sát của Savills cho thấy, năm 2007 có đến 29% khách hàng là người Anh sử dụng loại hình Second Home tại châu lục này. Tuy nhiên, bức tranh này đã thay đổi trong thời gian gần đây do sự gia nhập thị trường mạnh mẽ từ các quốc gia khác, điển hình là Đức, Hà Lan và các nước Bắc Âu.
Xét riêng tại khu vực Đông Nam Á, các thị trường nổi bật không thể bỏ qua đó là Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia) và Việt Nam. So với các nước bạn, Second Home tại Việt Nam còn khá non trẻ. Song, với những tiềm lực vốn có, thị trường này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Nhờ vào những yếu tố mang lại lợi nhuận cao, xu hướng phát triển các dự án Second Home đang là “miếng mồi ngon” cho các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, trước khi quyết định “xuống tiền”, các nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Tìm hiểu kỹ càng về tất cả thông tin của dự án trước khi đầu tư.
- Chọn những dự án có vị trí đẹp, có tiềm năng thu hút khách hàng cao.
- Khảo sát tâm lý khách hàng để đưa ra định hướng phát triển đúng đắn.
- Lựa chọn chủ đầu tư uy tín để đảm bảo chất lượng cho công trình.