Ngày 26/9, ông Masashi Kubo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam - đã kí đơn tố cáo gửi Cơ quan An ninh, Bộ Công an và Công an TP HCM, về các hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức' và 'sử dụng con dấu, tài liệu giả..." của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo.
Đơn tố cáo này được công ty gửi đi dưới sự uỷ quyền của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản).
Theo đó, Sharp Việt Nam khẳng định thư xác nhận của Công ty Sharp Roxy (Hong Kong) gửi Asanzo ngày 12/9 về chuyển giao công nghệ Nhật Bản và hợp đồng chuyển giao "hiện vẫn còn hiệu lực" là giả mạo.
Sharp Việt Nam khẳng định, từ cuối tháng 10/2016 Công ty Điện tử Roxy không còn quan hệ gì với Tập đoàn Sharp. Công ty liên doanh giữa 2 bên trước đó là Sharp Roxy trở thành công ty con 100% vốn sở hữu của tập đoàn này. Sharp Roxy (Hong Kong) đổi tên thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong từ tháng 10/2016.
"Không thể xảy ra việc SRH xác nhận theo thư công bố của Asanzo vào ngày 12/9. Chúng tôi khẳng định thông tin Asanzo đưa ra là sai sự thật và tài liệu đưa ra là giả mạo", đơn tố cáo của Sharp Việt Nam gửi cơ quan an ninh nêu.
Ông Masashi Kubo cũng cho rằng Asanzo đã cố tình tạo ra tài liệu giả mạo với mục đích đánh lừa người tiêu dùng, rằng Asanzo vẫn đang có quan hệ hợp tác với tập đoàn Sharp để người tiêu dùng và dư luận tin rằng hàng hóa và công nghệ của Asanzo có nguồn gốc từ Sharp.
"Hành vi của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo không chỉ ảnh hưởng quyền và lợi ích của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Sharp", Tổng giám đốc Sharp Việt Nam nhấn mạnh.
Công nhân lắp ráp tivi tại nhà máy của Công ty Asanzo. (Ảnh: Trung Sơn).
Đại diện cho tập đoàn mẹ, Sharp Việt Nam đề nghị cơ quan An ninh - Bộ Công an xác minh, điều tra làm rõ tài liệu mà Asanzo công bố trong buổi họp báo vào ngày 17/9/2019, theo đó đề nghị xem xét hành vi làm giả mạo hồ sơ tài liệu và giải quyết nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng đó, Sharp Việt Nam cũng có thư gửi Asanzo yêu cầu cải chính, xin lỗi công khai Tập đoàn Sharp, do các thông tin sai lệch đã đưa ra trước đó trên các phương tiện truyền thông. Trường hợp Asanzo không thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai, Sharp Việt Nam cho hay, sẽ khởi kiện ra Tòa án để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trả lời VnExpress, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo, nói "không có bình luận gì về việc Sharp tố cáo công ty này giả mạo văn bản, giấy tờ".
Ông Tam cho biết Asanzo đã làm việc lại với đối tác phía Trung Quốc - đơn vị cung cấp thư xác nhận của SRH ngày 12/9. "Chúng tôi khẳng định thư xác nhận trên là thật, không phải giả mạo", ông Tam nói, và cho hay doanh nghiệp này vẫn đang chờ đối tác Trung Quốc sắp xếp một cuộc làm việc với tập đoàn mẹ để giải quyết vấn đề.
Trước đó, chiều 19/9, ông Masashi Kubo đã phát đi thông cao báo chí với nội dung Asanzo đã giả mạo bằng chứng về việc sở hữu công nghệ Nhật Bản dựa trên mối hợp tác giữa Asanzo và Sharp Roxy (Hong Kong).
Thông báo này của Sharp Việt Nam xuất phát từ buổi họp do Asanzo tổ chức ngày 17/9 tại Hà Nội, khi ông Trần Đức Hoàng - tư vấn pháp lí của Asanzo, cho biết doanh nghiệp này có hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại Hong Kong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản), và Sharp Roxy có văn bản xác nhận đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm cùng với các dịch vụ liên quan. Hiện hợp đồng này còn hiệu lực.
Tuy nhiên, Sharp Việt Nam dưới danh nghĩa công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn Sharp, đã phủ nhận điều này. Theo ông Masashi, tháng 9/2016 Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) đã kết thúc liên doanh với Công ty điện tử Roxy, và Sharp Roxy trở thành công ty con 100% vốn sở hữu của tập đoàn này.
Tháng 10/2016, Sharp Roxy đổi tên thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong. Do đó, từ cuối năm 2016, Công ty Điện tử Roxy không còn quan hệ gì với Tập đoàn Sharp.
Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Tháng 6/2018, Thủ tướng giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Kết luận này cần báo cáo Thủ tướng trước 30/7, nhưng sau đó đã được lùi lại tới 30/8 do "tính chất phức tạp của vụ việc".
Ngày 30/8, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam".
Doanh nghiệp này ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng do vướng vào nghi vấn trên. Sau khoảng 20 ngày đóng cửa, các nhà máy của Asanzo đã hoạt động sản xuất trở lại từ 17/9.