Đề xuất siêu thị mở cửa ngày lễ, bán hàng qua mạng và phải giao hàng tận nơi... được đánh giá là thiếu tính thực tế |
Sau Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng vừa có ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối do Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương soạn thảo.
Đối với quy định tại dự thảo về tiêu chuẩn siêu thị phải có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000 m2, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng đây là quy định "không thực tế" và sẽ giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.
"Theo chúng tôi, không nên quy định "trần" diện tích cho siêu thị. Trường hợp các siêu thị hiện tại lớn hơn 10.000m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào trung tâm thương mại thì sẽ được phân loại vào loại hình nào", Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ý kiến.
Hiệp hội cũng đề nghị bỏ quy định siêu thị phải có "các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại" với lý do "bắt buộc như vậy là không thực tế, không nhất thiết siêu thị nào cũng phải có mà còn tuỳ thuộc vào cách kinh doanh của từng siêu thị".
Quy định "sử dụng các công ty địa phương tại Việt Nam đối với các dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác" cũng được đánh giá là "không phù hợp với tinh thần hội nhập và hạn chế quyền của siêu thị, trung tâm thương mại".
Hiệp hội đánh giá quy định phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần phải xem xét lại trên căn cứ về tính phù hợp với các cam kết quốc tế và cân nhắc tỉ lệ phù hợp.
Văn bản góp ý cũng nêu, quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ là "can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp".
Quy định này cũng ngược chiều với thông lệ quốc tế khi các định dạng bán lẻ lớn thường bị hạn chế về thời gian mở cửa, như không được mở quá sớm, đóng quá muộn…, để hỗ trợ cho các cửa hàng bán lẻ nhỏ, chợ truyền thống có điều kiện phát triển.
Trước đó, những quy định này cũng nhận được ý kiến phản biện từ phía VCCI. Phản hồi lại góp ý từ phía VCCI, Bộ Công Thương cho biết, đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.