Sinh viên bức xúc trước văn bản của trường
Trước đó, ngày 5/1, trường ĐHKHXH&NV TP HCM có văn bản số 05 gửi các Khoa, Bộ môn về việc học ngoại ngữ không chuyên của sinh viên trong nhà trường. Văn bản mới đã khiến nhiều sinh viên bức xúc, đề nghị nhà trường phải có trao đổi xoay quanh văn bản này nhằm giải đáp, làm sáng rõ các vấn đề.
Sáng 11/1, sinh viên đã có buổi trao đổi cùng đại diện nhà trường về việc học ngoại ngữ không chuyên. |
Theo văn bản 05, Ban giám hiệu nhà trường (BGH) nêu rõ một số điểm đáng chú ý: Đối với sinh viên theo học tiếng Anh, căn cứ vào kết quả kiểm tra đầu vào, sinh viên đăng ký học liên tục tại trường cho đến khi hết lớp B1.2. Sinh viên khóa 2013 sẽ phải tham gia thi đánh giá năng lực do Trung tâm ngoại ngữ (TTNN) trường tổ chức hoặc đăng ký thi chứng chỉ tại các trung tâm trường quy định.
Trường sẽ cấp chứng nhận chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ (tương đương B1) cho những sinh viên đạt chuẩn để làm hồ sơ xét tốt nghiệp. Ngoài ra, từ học kỳ 2 năm học 2016 – 2017, sinh viên không được miễn giảm ngoại ngữ đều phải đăng ký học tại trường, nếu không đăng ký sẽ không được đăng ký học tiếp các môn mới.
Trước văn bản này, rất nhiều sinh viên đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với quy định mới. Không ít sinh viên đã lên tiếng phản ánh chất lượng dạy ngoại ngữ tại trung tâm Thủ Đức.
Bạn P. Anh, một sinh viên cho biết: “Chất lượng giảng dạy ở trung tâm là điều sinh viên không hài lòng. Có thầy cô phát âm sai, vào lớp thì câu giờ, nói chuyện, ra sớm vào muộn. Chính vì vậy, các bạn sinh viên rất muốn được tự do học ở những trung tâm chất lượng bên ngoài”.
“Hãy để sinh viên được chủ động lựa chọn chứ không phải ép buộc sinh viên. Nâng cao chất lượng giáo dục tại TTNN và thay đổi lại văn bản 05, đó là điều sinh viên mong đợi”, Nguyên - một sinh viên năm 4 cho biết.
Qua những bức xúc của sinh viên, sáng 11/1, tại Hội trường C, Trường Đại học KHXH&NV TP HCM, đại diện BGH nhà trường gồm TS. Nguyễn Khắc Cảnh cùng TS. Phạm Tấn Hạ - hai Phó Hiệu trưởng nhà trường đã có những trao đổi cùng sinh viên quanh văn bản 05.
Nhà trường lắng nghe nhưng sinh viên vẫn chưa hài lòng
Trước câu hỏi của nhiều sinh viên về chứng chỉ được công nhận, TS. Phạm Tấn Hạ cho biết từ khóa 12 về trước, sinh viên có chứng chỉ B mới được công nhận, hiện nay thì sinh viên đạt chứng chỉ B1 mới đủ điều kiện ra trường. TS. Phạm Tấn Hạ cũng bày tỏ mong muốn sinh viên phải tìm hiểu thông tin, không nên nghe truyền miệng, “nghe các anh chị năm trước nói” rồi không hiểu và hoang mang.
TS. Nguyễn Khắc Cảnh trả lời thắc mắc của sinh viên trong buổi đối thoại sáng nay. |
TS. Nguyễn Khắc Cảnh – Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng nêu rõ: “Sinh viên cần hiểu TTNN chỉ là nơi được nhà trường giao nhiệm vụ giảng dạy ngoại ngữ không chuyên cho nhà trường, còn việc đào tạo quy chế thì chúng ta phải theo nhà trường”.
Về việc “Sinh viên tự học ngoại ngữ, không qua trung tâm, đăng ký thi tại trung tâm có được không?”, thầy Nguyễn Khắc Cảnh khẳng định: “Quy chế của nhà trường từ ngày 8/4/2011, Hiệu trưởng đã quy định rõ về quy chế học ngoại ngữ không chuyên, điều này đã được đăng trong sổ tay sinh viên 2013. Sinh viên bậc Đại học đào tạo chính quy trong nhà trường phải đăng ký học ngoại ngữ không chuyên tại TTNN thì mới được thi. Sinh viên nào không đăng ký học tại TTNN thì không được xét tốt nghiệp. Việc học ngoại ngữ không chuyên là bắt buộc tại trường”.
Nhiều sinh viên cho biết muốn được học ở TTNN bên ngoài nhưng do nhà trường quy định phải học ở trường nên đành phải đăng kí học hai nơi, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc. Trước vấn đề này, TS. Phạm Tấn Hạ cho biết: “Tất cả sinh viên chưa có chứng chỉ đều phải học ở nhà trường, trừ khi nhà trường không đáp ứng được nhu cầu nhưng điều này là không thể”.
Để giải thích cho sinh hiểu rõ hơn về chất lượng giảng dạy tại trung tâm, TS. Nguyễn Khắc Cảnh bày tỏ: “Chúng tôi thừa nhận có những lớp bị sinh viên phản ánh ý kiến về giảng viên, phương pháp giảng dạy của các thầy cô. Nhà trường đã lắng nghe và nhờ Trung tâm khảo thí thực hiện khảo sát ý kiến sinh viên. Kết quả, chúng tôi đã tiến hành ngưng hợp đồng với 3 giảng viên bị mức đánh giá trung bình và mời giảng viên khác. Chúng tôi đã tiến hành mời những đơn vị Trung tâm quốc tế đến tập huấn cho trung tâm phương pháp mới, giáo trình mới, bồi dưỡng cho giảng viên”.
Sinh viên cũng đặt ra câu hỏi về việc nhiều trường chấp nhận chứng chỉ TOEIC, TOEFL của sinh viên nhưng trường ĐH KHXH&NV. TP HCM không áp dụng điều này, TS. Phạm Tấn Hạ chia sẻ: “Hoàn cảnh sinh viên trường khá đặc biệt vì các bạn đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, trình độ tiếng Anh cũng khác nhau. Một số trường dạy bắt đầu từ A2, không dạy A1 như trường. Chính vì trình độ sinh viên lệch nhau nên trường buộc xây dựng mặt bằng chung cho sinh viên học từ đầu”.
Cuối buổi trao đổi, phía nhà trường cũng cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của sinh viên, tiếp tục lắng nghe những trao đổi của sinh viên. Tuy nhiên, sau buổi đối thoại, nhiều sinh viên chia sẻ vẫn chưa hài lòng với buổi trò chuyện.
“Nhà trường và TTNN luôn giữ quan điểm của mình. Buổi hôm nay là buổi thống nhất chủ trương, thông qua văn bản cho sinh viên rõ chứ không phải thay đổi, điều chỉnh theo đúng tâm tư nguyện vọng của sinh viên”, một sinh viên tâm sự.