Sinh viên hoang mang vì bị kỳ thị, nghi ngờ giới tính

Một số người trẻ tâm sự họ rất hoang mang khi bị bạn bè, người thân kỳ thị vì nghi ngờ đồng tính. Những nam sinh thì bị bắt nạt, đánh đập.

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau, giáo viên với học sinh mà còn giữa phụ huynh với giáo viên. Hành vi này cũng không dừng lại ở “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, mà còn là lời lẽ, cử chỉ, thái độ... làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Đây cũng là chủ đề được các bạn sinh viên quan tâm, chia sẻ nhiều trong talkshow "Bây giờ hay bao giờ?" tổ chức tại Đại học Sư phạm Hà Nội mới đây.

Bị kỳ thị vì để tóc ngắn

Kể về việc bị bạn bè kỳ thị vì ngoại hình, tính cách khác thường, Nguyễn Giang (sinh viên Đại học Hà Nội) chia sẻ bản thân khó chịu khi bị các bạn trêu chọc, miệt thị.

Giang kể những ngày bé đi học, cô chưa ý thức được mình là ai và bị bạn bè trong lớp gắn nhãn pê đê, trêu ghẹo. Nhiều người lớp khác cũng đến xem và hỏi nhau "Đứa kia gái hay trai?".

"Lớn lên, mình còn bị kỳ thị 'đa lớp'. Nhiều người bảo mình vừa là pê đê, học kém, chẳng có gì nổi bật cũng được làm lớp trưởng, tính cách lập dị. Lúc đó, mình rất hoang mang", Giang tâm sự.

Không chỉ bạn bè trong lớp, nhiều người thân quen cũng áp đặt định kiến cho Giang rất nặng nề. Không ít người mỉa mai: "Con trai gì mà thấp bé thế này, lấy chồng đi?". Đau lòng, tủi thân, bực mình nhưng bạn không biết chia sẻ cùng ai.

Thảo Trang (sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội ) kể lại câu chuyện của bản thân khi bị bạn bè xa lánh chỉ vì cắt tóc ngắn. Cô quan niệm bản thân cần sống thoải mái, vui vẻ và là chính mình, bộc lộ hết những quan điểm, tính cách vốn có.

Nhưng không ít người nghĩ cô là... con trai. Họ bàn tán xôn xao và bảo nhau tránh xa nữ sinh. Cô cũng không biết làm như thế nào để mọi người không đánh đồng việc để tóc ngắn với "có vấn đề về giới tính".

sinh vien hoang mang vi bi ky thi nghi ngo gioi tinh
Bạn Thảo Trang kể lại câu chuyện bản thân bị bạn bè chỉ vì để tóc ngắn. Ảnh: Anh Thư.

Cũng liên quan bạo lực học đường, Bảo Nam (24 tuổi) kể lại khoảng thời gian không dám đến trường vì sợ bị "đầu gấu" đánh.

"Hồi đó, mình mới lên lớp 10, bị nhóm đàn anh đến 'dạy dỗ' chỉ vì bảo mình nhìn đểu. Họ đạp vào đầu, dùng gậy đánh mình tới tấp. Khóc lóc, van xin, họ vẫn không tha. Bạn bè xung quanh chỉ đứng nhìn, không dám can ngăn", nam sinh chia sẻ.

Mặt mũi sưng, tay gãy, Nam phải nghỉ học một tháng và không dám nói với bất cứ ai, vì sợ nhóm "đàn anh" xử lý tiếp. Không dừng lại ở đó, nhóm này còn tiếp tục quay lại trường để xin tiền. Nếu không có, họ tiếp tục "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay".

Những tâm sự của bạn trẻ về bị kỳ thị vì đồng tính, song tính hay đánh đập cũng xuất hiện nhiều trên diễn đàn mạng. Không ít người cho biết họ hoảng loạn, bế tắc khi trở thành nạn nhân của kỳ thị giới tính, bạo lực học đường.

Theo thạc sĩ Lê Nguyễn Hoài Anh, giảng viên khoa Công tác xã hội, ĐH Sư phạm Hà Nội, bạo lực học đường không chỉ làm tổn thương về thể xác mà còn khiến tâm lý của học sinh, sinh viên trở nên hoảng loạn, lo lắng. Hành động này còn làm ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Không được thỏa hiệp

Trước những chia sẻ của sinh viên về việc bị kỳ thị vì những điểm khác biệt trên cơ thể, thạc sĩ Lê Nguyễn Hoài Anh nhận định đây là thực trạng xảy ra rất phổ biến ở nhiều trường hiện nay.

Bà cho rằng người bị bạo lực thay vì im lặng, thỏa hiệp, bản thân phải tự tin, dám lên tiếng, bảo vệ mình.

"Mỗi cá nhân sẽ có cách riêng, quan trọng chúng ta có muốn làm điều đó hay không? Chúng ta có quyết tâm tạo môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện hay không?", nữ giảng viên thẳng thắn.

Nữ thạc sĩ nhận định nguyên nhân chủ yếu của bạo lực học đường là thiếu hiểu biết về quyền con người. Vì thế, việc nâng cao ý thức, hiểu biết về vấn đề này để họ có thái độ tích cực là rất quan trọng.

Bà Hoài Anh cho rằng thầy, cô giáo phải có trách nhiệm trong việc giáo dục, định hướng thông tin cho các em. Điều này giúp học sinh, sinh viên nhận thức đúng hành vi của mình.

Đồng tình với ý kiến này, thầy Phạm Thanh Tùng (giáo viên THPT Lý Tử Tấn) khuyên các bạn trẻ hãy lên tiếng, bảo vệ bản thân trước khi đợi người khác giúp đỡ.

Thầy cho rằng bạo lực học đường chủ yếu do thiếu hiểu biết. Vì thế, giáo viên phải lồng ghép, xen kẽ thông tin cần thiết về vấn đề này vào chương trình học để giúp các em nhận biết rõ hơn.

Theo thầy Tùng, những nạn nhân và người chứng kiến không nên im lặng trước hành vi bạo lực học đường, cũng như kỳ thị bạn trẻ, bởi như thế sẽ khiến cho thực trạng này không thể chấm dứt mà còn trở nên phổ biến.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.