ĐHĐCĐ Tập đoàn PC1: Mục tiêu thu 16.000 tỷ từ các dự án bất động sản dân dụng, đã có nhà đầu tư Nhật Bản đặt mua 24 ha đất Nomura 2

Theo lãnh đạo PC1, tổng doanh thu dự kiến của 5 dự án bất động sản dân dụng gồm Tháp Vàng, Bắc Từ Liêm, Định Công, Yên Thượng và Vĩnh Hưng trong 2025 - 2028 là trên 7.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng đang tập trung nghiên cứu khảo sát, mục tiêu phát triển thêm các dự án để đến 2028 doanh thu mảng này đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 PC1. (Ảnh: Hoàng Huy).

Sáng nay 25/4, CTCP Tập đoàn PC1 (mã: PC1) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 với sự tham gia của 54 cổ đông, trong đó có 33 cổ đông tham gia trực tiếp, đại diện cho 185.570.586 cổ phần sở hữu, tương ứng 51,89% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (tính đến 8h30).

Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo PC1 cho biết, năm 2024 vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hợp nhất 10.089 tỷ đồng và lãi sau thuế 710 tỷ đồng, lần lượt tương ứng 93% và 135% kế hoạch đề ra.

Cuối năm ngoái, PC1 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Nomura 2 (khoảng 200 ha), hiện dự án đang trong quá trình GPMB, dự kiến khởi công xây dựng vào quý III/2025.

Giai đoạn 2021 - 2024, doanh thu PC1 ghi nhận tăng trưởng trung bình hàng năm 10,83%, lợi nhuận sau thuế trung bình tăng trưởng 6,66%/năm. Các mảng chính trong giai đoạn này là năng lượng, khu công nghiệp, bất động sản nhà ở và khoáng sản.

Trong mảng khu công nghiệp, năm 2021 PC1 tiến vào mảng này với việc mua 30% vốn tại CTCP Western Pacific Group, mua lại 70% vốn tại CTCP Phát triển KCN Nomura - Hải Phòng từ Nomura Holding.

Trong mảng bất động sản nhà ở, giai đoạn 2021 đến nay PC1 vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, hồ sơ pháp lý dự án. Tháng 10 năm ngoái, doanh nghiệp đã khởi công dự án Tháp Vàng - Gia Lâm (5 ha), dự kiến bán hàng và bàn giao toàn bộ trong 2025.

Kết quả kinh doanh của PC1 giai đoạn 2020 - 2024.(Đvt: tỷ đồng, Hoàng Huy tổng hợp).

Năm 2025, PC1 trình cổ đông kế hoạch tổng doanh thu 13.395 tỷ đồng và lãi sau thuế 836 tỷ đồng, đồng loạt tăng 33% và 18% so với kết quả năm 2024. Nếu thành công, đây sẽ là mức lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, PC1 lấy các mảng năng lượng, khu công nghiệp, khoáng sản làm trụ cột kinh doanh cốt lõi, có tính bền vững, tạo giá trị dài hạn. Còn các mảng bất động sản nhà ở, tổng thầu EPC, xây lắp điện công nghiệp, sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại là những nhóm ngành được xác định là trụ cột kinh doanh chiến lược trong trung - dài hạn.

Đại hội cũng trình cổ đông phương án phát hành thêm 53,6 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 15%.

Phiên thảo luận

Chủ tịch PC1 Trịnh Văn Tuấn điều hành đại hội. (Ảnh: Hoàng Huy).

Cổ đông: 5 năm tới có phát triển mảng mới không? Nhu cầu vốn tập trung mảng nào?

Ban lãnh đạo PC1: Chúng tôi sẽ ký hợp đồng với đơn vị tư vấn chiến lược để thực hiện kế hoạch 2026 - 2030, dự kiến hoàn thành vào tháng 9 - tháng 10/2025.

Sản phẩm mới, thị trường mới có thể sẽ có nhưng lĩnh vực mới thì chưa có kế hoạch, bởi thực chất room tăng trưởng của các mảng hiện hữu vẫn có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu, lợi thế và mức độ ảnh hưởng.

Ví dụ thuế quan của Mỹ duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến thu hút FDI thì PC1 có thể giãn mức độ đầu tư các khu công nghiệp, phân bổ tăng cường cho bất động sản dân dụng hoặc năng lượng. Chúng tôi không làm tùy hứng mà sẽ tập trung vào các mảng trụ cột kinh doanh. Nguyên tắc là phải định vị được những cái ưu tiên mới phân bổ vốn được.

Giá trị mục tiêu của PC1 có thể đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2028. Con số này không phải nói vu vơ mà chúng tôi đã ước tính và dự báo về VNIndex, thị giá cổ phiếu PC1, vốn điều lệ... để dự báo cho thời điểm đó.

Cổ đông: PC1 có kế hoạch tham gia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc bắc nam không?

Ban lãnh đạo PC1: Từ sau tết PC1 đã đặt vấn đề, đã làm việc với bên Bộ GTVT. Đến thời điểm này, chúng tôi thấy không nên lan man, dự án đường sắt thì hay, nhưng PC1 cũng đang không thiếu việc. Nếu có tham gia thì cũng chỉ là nhà thầu phụ chứ không thể làm nhà thầu chính. Đến nay chúng tôi cũng chưa xúc tiến và chưa có tham vọng gì thêm với dự án này. 

Định hướng của PC1 là tái cấu trúc danh mục đầu tư có trọng tâm hiệu quả, bền vững, tập trung vào những ngành có biên lợi nhuận hấp dẫn, xu hướng dài hạn như năng lượng sạch, khu công nghiệp, bất động sản tích hợp mảng điện và tiết kiệm năng lượng, khoáng sản chế biến xanh... thậm chí thoái vốn và giảm tỷ trọng những mảng hoạt động không hiệu quả.

Cổ đông: tình hình bán hàng và tỷ lệ sở hữu của PC1 ở các khu công nghiệp?

Ban lãnh đạo PC1: Chúng tôi đang bán hàng dự án Yên Phong 2A và dự án Yên Lệnh, tình hình rất tích cực. Nhóm khách hàng tại dự án Yên Phong 2A có nhiều đối tác nước ngoài từ Châu Âu, Singapore và cả VSIP cũng mua đất để làm kho bãi cho thuê. Khách Trung Quốc thì chỉ có 1 - 2 khách hàng nhỏ bởi họ thường ưu tiên những khu đất diện tích nhỏ với giá bán phù hợp.

Còn dự án Đồng Văn 5, Đồng Văn 6 vẫn đang trong quá trình GPMB, hai dự án này 100% vốn là của Western Pacific, còn PC1 nắm 30,6% vốn tại công ty mẹ Western.

Cổ đông: Đánh giá của PC1 về quy hoạch điện VIII điều chỉnh?

Ban lãnh đạo PC1: Lượng điều chỉnh của quy hoạch điện VIII khá lớn, đây là biểu hiện kinh tế xã hội phát triển. PC1 đánh giá đây là một cơ hội của ngành năng lượng nói chung, nhu cầu nguồn điện vẫn đang tăng. Quy hoạch cũng điều chỉnh cơ cấu, mở rộng các dạng nguồn điện, đây là cơ hội cho các nhà sản xuất điện nói chung chứ không riêng PC1.

Kế đến là chính sách phát triển như khâu lựa chọn nhà đầu tư, giá trần, đấu nối... Những quy định này giúp cho việc lựa chọn nhà đầu tư sắp tới cũng khá minh bạch, phải thông qua đấu thầu, nhờ đó các nhà đầu tư có nguồn lực, kinh nghiệm, thực hiện bài bản sẽ có cơ hội thực hiện dự án. 

Cổ đông: Chiến lược phát triển đến 2030 thì PC1 sẽ phát triển loại sản phẩm điện nào?

Ban lãnh đạo PC1: Về định hướng đến 2030, PC1 sẽ phát triển hơn 800MW, đây là con số phù hợp với khả năng của PC1. Chúng tôi không cố định phát triển loại hình điện gì, bởi PC1 từng làm điện gió, thủy điện...

Về năng lượng thì nhà nước cũng đã ban hành khung tỷ suất thu hồi vốn nội bộ là 12%, loại hình gì thì cũng phải nằm trong khoảng dưới 12%. Nếu chúng ta kỳ vọng lợi nhuận cao 15 - 17% thì giá bán điện sẽ phải giảm xuống để đảm bảo tỷ lệ thu hồi vốn nội bộ dưới 12%.

Theo góc nhìn của PC1, cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam giai đoạn đến 2030 là rất lớn. Đối với Việt Nam giai đoạn này, quy hoạch điện VIII bổ sung đặt mục tiêu công suất 183GW, gấp đôi so với thời điểm hiện tại (khoảng 89). Như vậy trong 5 năm tới, phải phát triển trung bình 16GW/năm. Nếu Việt Nam không mở rộng vốn đầu tư FDI cũng như vốn tư nhân thì nguồn lực hiện tại rất khó đạt được mục tiêu trên.

Xu thế trong giai đoạn 2027 - 2030 PC1 đánh giá là điểm rơi của ngành năng lượng tái tạo với room năng lượng cực lớn. Tuần vừa rồi Vingroup cũng cho biết đang chuyển dịch chiến lược, mở rộng thêm mảng hạ tầng và năng lượng tái tạo, đã đăng ký làm các dự án trọng điểm rồi. Sự tham gia của những tay chơi lớn như Vingroup cho thấy cơ hội cho các doanh nghiệp năng lượng, trong đó có cả PC1.

Cổ đông: Kế hoạch phát triển mảng thủy điện?

Ban lãnh đạo PC1: Các dự án thủy điện PC1 đang xây dựng đã khởi công cuối năm ngoái, dự kiến năm sau sẽ phát điện, vốn thì từ vốn chủ sở hữu và PC1 chiếm cổ phần chi phối, vay thì vay BIDV với tỷ lệ 70 - 30. 

Kế hoạch mảng thủy điện năm nay chúng tôi đã xây dựng dựa trên các dự báo khí tượng thủy văn trung hạn 6 tháng - 1 năm, đến nay các dự báo vẫn khá chính xác. Bộ phận chuyên môn của PC1 làm khá kỹ, kết hợp với dữ liệu lịch sử thủy văn hơn 10 năm vận hành của PC1. Chúng tôi đánh giá tình hình thủy văn năm nay khá thuận lợi, doanh thu mảng phát điện không có khó khăn gì.

Cổ đông: PC1 có định phát triển điện mặt trời nổi trên lòng hồ? 

Ban lãnh đạo PC1: Điện mặt trời nổi về mặt công nghệ không có gì phức tạp, nhìn chung tương tự các mảng điện mặt trời PC1 đang làm, chúng tôi hoàn toàn tự tin.

Cổ đông: Biên lãi gộp mảng xây lắp điện 2025 dự kiến bao nhiêu?

Ban lãnh đạo PC1: Lợi nhuận gộp mảng xây lắp điện PC1 duy trì khoảng 9 - 10%. Trong giai đoạn này câu chuyện về cạnh tranh rất gay gắt, PC1 sẽ tập trung vào 2 thế mạnh là quản lý tinh gọn và liên tục hướng tới những sản phẩm mới để cạnh tranh trên quy mô lớn.

Chúng tôi cũng chia sẻ thêm, hiện PC1 đã và đang triển khai dự án cáp ngầm biển đưa điện ra Côn Đảo, đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay của quốc gia và PC1 dự kiến đóng điện từ 2/9. Đây là tiền đề để PC1 mở rộng năng lực quy mô cho các dự án và tạo ra những lợi thế.

Cổ đông: Tỷ lệ backlog xây lắp điện trong quý I/2025? Định hướng phát triển mảng này?

Ban lãnh đạo PC1: Trong mảng thầu công trình điện và xây lắp điện, tính đến hết quý I backlog đạt trên 3.000 tỷ, mục tiêu năm nay là 6.000 - 7.000 tỷ. Ở trong nước PC1 đang thương thảo 2 - 3 dự án điện gió quy mô lớn gần bờ. Ở Philipines đang thương thảo 2 dự án điện gió trên bờ. Chúng tôi tự tin với mục tiêu backlog năm nay và gối đầu cho 2026. Với định hướng này PC1 tự tin duy trì phát triển và tăng trưởng 10 - 15%.

Về chiến lược tổng thể mảng này, PC1 đang chia thành 3 khu vực. Đầu tiên là các công trình trọng điểm của EVN, các công trình tạo dấu ấn của doanh nghiệp đầu ngành.

Thứ hai là những sản phẩm mang tính công nghệ, giải pháp như điện một chiều, điện nguyên tử hay thực tế PC1 đã và đang làm các dự án đường sắt, như ở TP HCM mấy năm nay chúng tôi đã đồng hành với đối tác tổng thầu Hitachi, đó là tiền đề để PC1 tham gia các phần cơ điện tại dự án đường sắt cao tốc. 

Thứ ba là mảng tư nhân, gồm những dự án về năng lượng tái tạo (sẽ là xu thế thời gian tới). Một phần nữa là phát triển các dự án điện gió ngoài biển.

Cổ đông: CTCP Tân Thanh mà PC1 vừa nhận chuyển nhượng kinh doanh mảng gì?

Ban lãnh đạo PC1: Đây là doanh nghiệp khai thác mỏ đá tại Hà Nam, khối điện công nghiệp đề xuất và đầu tư. PC1 mua lại pháp nhân được cấp phép mỏ đá, không chỉ để kinh doanh mà còn có thể phân phối nguyên vật liệu san lấp hạ tầng cho các khu công nghiệp ở Hà Nam.

PC1 đặt mục tiêu doanh thu 16.000 tỷ từ các dự án bất động sản dân dụng đến 2028. (Ảnh: Hoàng Huy).

Cổ đông: Tiến độ các dự án bất động sản?

Ban lãnh đạo PC1: Trong năm nay dự án Tháp Vàng đang được PC1 triển khai thực hiện, đã xong cơ bản phần hạ tầng kỹ thuật, đang triển khai phần thân, dự kiến hoàn thành và bàn giao trong quý IV/2025 để ghi nhận doanh thu lợi nhuận. Dự kiến doanh thu dự án Tháp Vàng hơn 1.300 tỷ và lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng.

Ngoài ra PC1 đang còn 4 dự án đang bị tồn đọng do cơ chế và pháp lý, dự kiến cuối năm nay và 2026 PC1 sẽ tập trung tháo gỡ về mặt pháp lý và triển khai lần lượt dự án Bắc Từ Liêm, Định Công, Yên Thượng (Gia Lâm) và Vĩnh Hưng (Hoàng Mai). Tổng doanh thu của nhóm 5 dự án bất động sản dân dụng trong 2025 - 2028 là trên 7.000 tỷ đồng.

Song song với đó, PC1 đang tập trung nghiên cứu khảo sát, mục tiêu phát triển thêm các dự án để đến 2028 doanh thu mảng này đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.

Đối với mảng hạ tầng khu công nghiệp, hiện PC1 đang tập trung cho dự án Nomura 2, hiện quận Hồng Bàng đã ra quyết định thu hồi đất khoảng 135 ha (chiếm 68%) và trong tuần tới sẽ thu hồi 65 ha còn lại. Theo kế hoạch trong 2025 sẽ đền bù GPMB cho 120 ha, còn lại sẽ chuyển sang 2026.

Về mặt quy hoạch xây dựng và lựa chọn đơn vị thi công, dự kiến cuối quý III sẽ triển khai thi công Nomura 2. Về mặt kinh doanh, dự kiến năm nay bán khoảng 30%. Sau đó, tùy theo tác động của thuế quan thì PC1 sẽ có sự điều chỉnh về giá và kế hoạch bán hàng, mục tiêu là hoàn thành bán hàng trong giai đoạn 2026 - 2027.

Sau điều chỉnh theo giá đền bù mới nhất, tổng mức đầu tư dự án Nomura 2 khoảng 3.900 tỷ đồng. PC1 chưa ký hợp đồng vay vốn, song các ngân hàng lớn, gồm cả big 4 đều đã đặt vấn đề tài trợ vốn cho chúng tôi. 

Về nguyên tắc chúng tôi đầu tư rất nhanh và bán rất nhanh, nếu có thể thì bán hết trong năm nay, ký hợp đồng và bàn giao đất vào cuối năm sau. Thực tế, nếu không có ảnh hưởng thuế quan, chiến tranh thương mại và FDI ổn định thì chúng tôi muốn hoàn tất đền bù 100% và khởi công trong tháng 9. 

Tuần vừa rồi chúng tôi có khảo sát khách hàng Nhật Bản là Robotech, đơn vị này đặt mua 24 ha đầu tiên tại Nomura 2 và họ không thay đổi kế hoạch, thậm chí còn đề nghị mua tiếp khu đất dịch vụ bên ngoài đường của dự án song PC1 chưa duyệt.

Cổ đông: Công ty con mới lập của PC1 là PC1 Hải Phòng đang đầu tư mảng gì?

Ban lãnh đạo PC1: PC1 mới thành lập CTCP Khu công nghiệp PC1 Hải Phòng với chức năng là phát triển, đầu tư dự án công nghiệp tiếp theo tại Hải Phòng với quy mô trên dưới 200 ha.

Cổ đông: Tình hình quản trị và thanh toán các khoản vay ngoại tệ của PC1?

Ban lãnh đạo PC1: Năm nay chúng tôi đánh giá tiếp tục là một năm khó dự đoán về tình hình tỷ giá, khả năng tỷ giá sẽ tăng cao. Đầu năm các ngân hàng dự báo tăng khoảng 2%, nhưng đến thời điểm này sau nhiều chính sách cũng như yếu tố thuế quan thì tỷ giá có thể tăng cao hơn.

Trước tình hình này, PC1 đã có những quản trị rủi ro tỷ giá, ví dụ như việc doanh thu và giá bán từ điện gió được xác định hàng kỳ trên cơ sở từ tỷ giá, phần nào giúp hạn chế rủi ro tỷ giá. Công ty con của PC1 (khoáng sản Tấn Phát) cũng có khoản thu ngoại tệ, các khối cũng có những nguồn thu ngoại tệ trong năm.

Còn khoản vay ngoại tệ của PC1 là vay dài hạn (khoảng 15 năm), chúng tôi đã tính toán mua kỳ hạn theo sản lượng hàng kỳ cũng như mua dự trữ các hợp đồng tổng thầu xây lắp điện để hạn chế rủi ro.

Cổ đông: Kế hoạch chia cổ tức của PC1?

Ban lãnh đạo PC1: Năm nay theo tính toán của ban tài chính PC1, chúng tôi tiếp tục đề xuất không chi trả cổ tức mà tăng vốn điều lệ để phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ (chính là nguồn thặng dư từ một số lần tăng vốn giai đoạn trước). Bản chất là cổ đông vẫn được hưởng tỷ lệ 15%.

Có ý kiến cổ đông đề xuất chia cổ tức bằng tiền, chúng tôi chia sẻ như sau: việc chia 100% bằng tiền hay kết hợp một phần tiền kèm cổ phiếu thì bản chất lợi ích có thể thay đổi.

Về phía PC1, chúng tôi có danh mục đầu tư liên tục, trong đó dùng nguồn vốn chủ sinh ra từ lợi nhuận của các dự án. Hiện nay đang là giai đoạn để PC1 tăng cơ hội sinh lời về đầu tư dài hạn. Nếu trả 100% cổ tức bằng tiền thì PC1 lại phải tiếp tục huy động vốn. 

Các dự án dài hạn của PC1 đã đầu tư vài năm qua rồi và chưa sinh ra tiền. Cụ thể là một lượng tiền đang nằm ở loạt dự án bất động sản nêu trên; vốn đầu tư vào Western Pacific cũng cần lượng tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Việc mua lại giai đoạn 1 dự án Nomura cũng rơi vào khoảng 1.000 tỷ... 

Có thể thấy lượng tiền PC1 bỏ ra đầu tư là lớn và chưa sinh lời, các chi phí tài chính cũng khá nhiều tiền, việc chênh lệch tỷ giá cũng khiến PC1 giảm hơn 100 tỷ trên báo cáo tài chính và làm giảm lợi nhuận trong kỳ.

Tuy nhiên theo tính toán của chúng tôi, PC1 vẫn có lợi thế về giá trị gia tăng đất, những năm qua tăng cao hơn lãi suất ngân hàng. Nhìn chung, để tăng cơ hội dài hạn trong tương lai, chúng ta phải hiểu bối cảnh chung và chấp nhận điều này.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.