Sở GTVT TP HCM lên tiếng về dự án thu phí ôtô vào thành phố

Nếu được chấp thuận trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ thực hiện các thủ tục bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công. Sau khi HĐND TP thông qua, mới được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để lập dự án đầu tư.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa báo cáo Ban Tuyên giáo Thành ủy các nội dung liên quan đến chủ trương nghiên cứu dự án thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc.

Về căn cứ pháp lí, Sở chỉ ra khoản 2 Điều 5 Luật giao thông đường bộ 2008, các thông báo, công văn và quyết định liên quan.

Về quá trình triển khai thực hiện, Sở thông tin, được UBND TP chấp thuận, Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong tự đài thọ toàn bộ chi phí để tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề án theo hình thức đối tác công tư (PPP) từ năm 2010.

thu phí

Nhiều con đường cửa ngỏ của TP HCM đang kẹt xe nghiêm trọng chứ không riêng gì khu trung tâm TP. (Ảnh: Trường Nguyên).

Ngày 13/3/2012, UBND TP có thông báo kết luận cuộc họp của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín về xem xét tính khả thi của dự án này. Trong đó, giao Sở phối hợp với nhà đầu tư để hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề án, giải trình và làm rõ các ý kiến phản biện trình UBND TP cùng MTTQ Việt Nam xem xét.

Sở phối hợp nhà đầu tư đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị phản biện lấy ý kiến xã hội. Song, do đề án còn nhiều vướng mắc nên tạm thời dừng lại vào năm 2012.

Đến ngày 4/4/2017, triển khai chương trình Giảm ùn tắc, tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT, UBND TP HCM có văn bản đồng ý chủ trương cho phép nhà đầu tư tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu lập đề xuất đề án trên.

Ngày 9/1/2018, UBND MTTQ Việt Nam TP có văn bản phản biện đối với dự thảo. Song, qua góp ý của các đơn vị, đề án phải tiếp tục nghiên cứu để làm rõ các vấn đề được quan tâm.

Sang năm 2019, trước tình hình gia tăng phương tiện ôtô, thường xuyên ùn tắc khu vực trung tâm TP giờ cao điểm, Chính phủ và Bộ GTVT quyết liệt triển khai thu phí tự động không dừng theo công nghệ RFID, Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, kế hoạch thực hiện các công trình giao thông trọng điểm của TP, ngày 14/6, Sở đã tổng hợp và báo cáo Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP sự cần thiết phải thực hiện đề án này.

Theo đó, các thành viên trong hội đồng ủng hộ chủ trương và đề nghị sớm triển khai đề án. Song, không thực hiện bằng hình thức PPP mà theo hình thức đầu tư công, giao một đơn vị của TP làm chủ đầu tư triển khai thực hiện theo quy định, nguồn thu nộp về ngân sách TP.

Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản trình UBND TP xin chủ trương thực hiện nghiên cứu lập đầu tư dự án. Mục tiêu được Sở chỉ ra nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP. Đồng thời, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách để phát triển giao thông công cộng của TP.

Dự kiến triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo công nghệ RFIX khu vực trung tâm TP và một số trục giao thông chính thường xuyên ùn tắc. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống xử lí thông tin và điều hành quản lí các hoạt động thu phí của hệ thống. Tổng mức đầu tư dự kiến là 250 tỉ đồng được lấy từ ngân sách TP.

Hiện, UBND TP đang giao Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét báo cáo UBND TP.

Nếu được chấp thuận trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ thực hiện các thủ tục bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công. Sau khi HĐND TP thông qua, mới được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để lập dự án đầu tư.

Kết quả nghiên cứu phải làm rõ vấn đề về phạm vi thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí, công nghệ thu phí, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng... Đồng thời, đưa ra lộ trình triển khai dự án cho phù hợp với các giải pháp hỗ trợ.

Tiếp đó, Sở sẽ lấy ý kiến các sở ban ngành của TP và báo cáo UBND, HĐND TP xem xét, quyết định. Nếu dự án khả thi được cấp thẩm quyền phê duyệt, mới có thể triển khai các bước tiếp theo.

Song song với việc nghiên cứu dự án này, các giải pháp khác trong chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 cũng đang được TP triển khai.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.