Theo Cổng TTĐT Chính phủ trang TP HCM, ngày 12/10, Sở Xây dựng TP HCM đã có văn bản trả lời báo chí về tình hình ngập lụt trên địa bàn.
Theo đó, thống kê tình hình ngập nước từ nửa đầu năm nay cho thấy, lượng mưa trung bình tại các trạm đo ở thành phố giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm 2022. Song, mưa với cường độ lớn lại tập trung trong thời gian ngắn, gây ngập cục bộ.
Qua theo dõi các năm trước năm 2020, mưa kéo dài 3 giờ với vũ lượng 95 mm bình quân 5 năm mới xuất hiện một lần. Nhưng gần đây, mưa hơn 100 mm ngày càng nhiều, thậm chí mưa chỉ một giờ song lượng mưa lên tới 150 mm, vượt khả năng tiêu thoát của hệ thống.
Theo thống kê, có 25 tuyến đường bị ngập do mưa, tập trung ở Gò Vấp và TP Thủ Đức, vốn là các điểm ngập đã tồn tại nhiều năm qua như Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Thảo Điền, Quốc Hương, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Lã Xuân Oai...
Nguyên nhân ngập do hệ thống cống đã cũ, nhỏ hẹp, trong khi nhiều tuyến độ dốc lớn, địa hình trũng thấp so với khu vực xung quanh. Điều này dẫn đến khi mưa lớn, nước từ nhiều nơi dồn về gây quá tải hệ thống cống. Các biện pháp đã được triển khai như duy tu, sửa chữa các vị trí cổng xuống cấp, nạo vét để khơi thông dòng chảy nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Sở Xây dựng thông tin thêm, để giải quyết trước mắt các tuyến đường ngập thường xuyên, có mật độ lưu thông cao và là những trục chính trên địa bàn quận Gò Vấp và TP Thủ Đức, hiện nay Thành phố đang triển khai một số dự án.
Cụ thể, đối với quận Gò Vấp là dự án xây dựng hệ thống thoát nước dài hơn 5 km ở đường Nguyễn Văn Khối và Lê Văn Thọ, tổng mức đầu tư 353 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025 và 5 công trình xây dựng, cải tạo hệ thống thoát ở các đường lân cận.
Đối với TP Thủ Đức là dự án cải tạo hệ thống thoát nước tuyến Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Tô Ngọc Vân, Hồ Văn Tư; đang triển khai thi công dự án cải tạo đường Võ Văn Ngân…
Trước đó, tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè, thông tin về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sau khi khởi động trở lại thì dự án lại tiếp tục bị tạm dừng do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
Năm 2023, ngân sách Trung ương và Thành phố dành cho đầu tư công là 68.000 tỷ đồng và ngân sách Thành phố đã dành 5.700 tỷ đồng đề trả nợ cho dự án này nhưng chưa có điều kiện để trả vì dự án chưa hoàn thành.
Vì vậy, thành phố đang xin cơ chế được sử dụng một phần trong 5.700 tỷ đồng, hoặc là cho vay, hoặc thanh toán sớm với một khoản tiền đủ cho nhà đầu tư hoàn thành dự án; sau đó kiểm toán, nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.