Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP HCM: Nhà đầu tư không đủ tài chính để tiếp tục xây dựng

Theo lãnh đạo TP HCM, khối lượng chung của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành trên 90%, chỉ còn lại khoảng 10% với số tiền cần để hoàn thành công việc khoảng 1.800 tỷ đồng nhưng nhà đầu tư không đủ tài chính để tiếp tục.

Cống Bến Nghé - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP HCM. (Ảnh: Báo Giao thông).

Theo Cổng TTĐT Chính phủ trang TP HCM, ngày 10/10, Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 9 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 7 nêu ý kiến về tình trạng tắc nghẽn giao thông và ngập lụt trên địa bàn Thành phố.

Theo cử tri này, ông có cảm giác quận 7 đang bị tách rời với trung tâm thành phố vì giao thông. Mỗi lần qua trung tâm, người dân đều gặp tình trạng tắc đường.

Ngoài ra, chính sách giãn dân ra khỏi trung tâm thành phố để giảm ùn tắc giao thông đến nay chưa được thực hiện, cụ thể là việc dời các trường đại học ra khỏi nội đô.

Còn về vấn đề ngập lụt, cử tri này đặt câu hỏi, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của thành phố có làm nữa hay không và bao giờ hoàn thành?

Đối với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, lãnh đạo thành phố cho biết, đây là dự án vướng mắc mà Thành phố mất nhiều công sức để tập trung tháo gỡ. Cụ thể, sau khi khởi động trở lại thì dự án lại tiếp tục bị tạm dừng do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. 

Đến giờ này, khối lượng chung của dự án đã hoàn thành trên 90%, chỉ còn lại khoảng 10% với số tiền cần để hoàn thành công việc khoảng 1.800 tỷ đồng nhưng nhà đầu tư không đủ tài chính để tiếp tục.

Theo lãnh đạo, hiện còn giải pháp là thành phố đề xuất cho phép có cơ chế thanh toán sớm hoặc có cơ chế về tài chính từ thành phố để nhà đầu tư hoàn thành dự án.

Năm nay, ngân sách Trung ương và thành phố dành cho đầu tư công là 68.000 tỷ đồng và ngân sách thành phố đã dành 5.700 tỷ đồng đề trả nợ cho dự án này nhưng chưa có điều kiện để trả vì dự án chưa hoàn thành.

Vì vậy, thành phố đang xin cơ chế được sử dụng một phần trong 5.700 tỷ đồng, gắn với khối lượng phía nhà đầu tư đã hoàn thành (khoảng trên 3.200 tỷ đồng) thì hoặc là cho vay, hoặc thanh toán sớm với một khoản tiền đủ cho nhà đầu tư hoàn thành dự án; sau đó kiểm toán, nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.

Thành phố hiện đang tháo gỡ các điều kiện về vốn trong năm nay để sớm khởi động lại dự án. Nếu như có vốn thì nhà đầu tư cần 1,5 tháng để chuẩn bị và 6 tháng để hoàn thành dự án.

Liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, lãnh đạo cho biết, thành phố đang nghiên cứu triển khai theo các nghị quyết của Trung ương, hiện chưa xác định cụ thể phương án. 

Dự kiến cuối năm nay, thành phố mới có phương án sắp xếp chính thức. Theo đó, căn cứ hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì TP HCM phải sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 149 đơn vị hành chính cấp xã. 

Song TP HCM cũng sẽ xem xét những yếu tố đặc thù để đề xuất những địa phương không phải sắp xếp lại. Hiện UBND thành phố đã trình Ban Thường vụ Thành ủy việc sắp xếp cho hợp lý.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.