Thời gian thực hiện dự án này cũng sắp kết thúc, Hiệp định vay cho dự án sẽ đóng vào ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, tiến độ dự án đang chậm so với kế hoạch bởi một số nguyên nhân khách quan.
TP Cần Thơ đang khẩn trương xin điều chỉnh và gia hạn dự án đến năm 2024, đồng thời nỗ lực tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo mục tiêu chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố.
Ông Bùi Thái Thượng, Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, cho rằng: Dự án 3 có vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), với mục tiêu góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi của trung tâm thành phố (quận Ninh Kiều và Bình Thủy) trước rủi ro do ngập lụt; tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với các khu vực đô thị mới phát triển.
Dự án còn phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai.
Dự án có 3 hợp phần: kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường (hợp phần 1), phát triển hành lang đô thị (hợp phần 2), tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (hợp phần 3). Thời gian thực hiện dự án: 2016 - 2022 (Hiệp định vay cho dự án sẽ đóng vào ngày 30/6/2022).
TP Cần Thơ đang thực hiện công tác xin điều chỉnh và gia hạn dự án đến năm 2024. Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ đang tập trung đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các gói thầu đã triển khai, đảm bảo các công trình hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành khi kết thúc Hiệp định dự án trong trường hợp không được phê duyệt điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Dự án 3 có tổng mức đầu tư hơn 7.843 tỷ đồng; trong đó vốn vay của WB là 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) là 10 triệu USD và vốn đối ứng hơn 1.917,7 tỷ đồng. Ðến tháng 4/2021, công tác giải ngân của dự án mới được hơn 3.390 tỷ đồng, đạt 43%.
Hiện nay, toàn dự án đã trao thầu 31/46 gói thầu (bao gồm 18 gói thầu xây lắp, 10 gói thầu tư vấn, 1 gói thầu phi tư vấn và 2 gói thầu mua sắm), với giá trị trao thầu 3.735/5.779 tỷ đồng (chiếm 64%).
Về 15 gói thầu chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu, có 11 gói thầu (6 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu mua sắm và 1 gói thầu tư vấn với tổng giá trị dự toán 1.746 tỷ đồng) đã và đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế chi tiết, lập và hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu sẵn sàng để tổ chức lựa chọn nhà thầu ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng về điều chỉnh chủ trương đầu tư; 4 gói thầu còn lại trì hoãn (3 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu tư vấn với tổng giá trị dự toán 299 tỷ đồng).
Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, các gói thầu của Dự án 3 đều thi công chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư chậm, nhà thầu chưa tập trung đầy đủ thiết bị và nhân lực để thi công, có thay đổi thiết kế so với thiết kế cơ sở và thiết kế thi công, diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, tổng mức đầu tư dự án tăng, nếu thực hiện đầu tư toàn bộ các hạng mục theo dự án thì tổng nhu cầu vốn đối ứng (để thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho toàn dự án) tăng từ 1.917 tỷ đồng lên 6.732 tỷ đồng.
Vốn đối ứng tăng là do nhiều công trình chưa ước tính được giá trị đền bù giải phóng mặt bằng trong quá trình lập dự án, số lượng các hộ dân lấn chiếm và chính sách, giá trị đền bù tăng theo thời gian, phát sinh các kinh phí mua lô nền và chi phí bồi thường các hạng mục hạ tầng kỹ thuật hiện trạng.
Hiệp định vay cho dự án sẽ đóng vào ngày 30/6/2022, nhưng khối lượng công việc chưa được thực hiện còn nhiều, có thể dẫn đến việc không hoàn thành các hạng mục công trình của dự án và hiệu quả chống ngập theo mục tiêu mong muốn của dự án sẽ không đảm bảo.
Do đó, việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cũng như điều chỉnh quy mô một số hạng mục đầu tư theo dự án đã được phê duyệt là rất cần thiết, nhằm giảm kinh phí giải phóng mặt bằng và đền bù của dự án, đảm bảo dự án thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra.
TP Cần Thơ kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện Dự án 3 đến tháng 6/2024, kéo dài thêm 2 năm. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt gia hạn, sẽ tiến hành gia hạn các hiệp định của dự án.
Ðồng thời đề xuất điều chỉnh về quy mô đầu tư: không đầu tư hạng mục xây dựng công viên và đường sau kè sông Cần Thơ, giảm quy mô đầu tư hệ thống kênh rạch nội ô và cắt giảm 2 hạng mục hồ điều hòa; bổ sung vào danh mục dự án xây dựng thêm 2 trạm bơm khu vực Ninh Kiều, nâng cấp mặt đường Cách mạng Tháng 8, một số hạng mục còn dở dang của hồ Bún Xáng…
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến sẽ giảm được 307 tỷ đồng nguồn vốn ODA để có thể tái đầu tư vào các hạng mục đề xuất bổ sung và phần vốn đối ứng sẽ giảm được khoảng 3.428 tỷ đồng so với phương án thực hiện hết toàn bộ các công trình theo dự án được duyệt trước đây.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các thành viên Ðoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với TP Cần Thơ về tình hình triển khai thực hiện Dự án 3.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhấn mạnh: TP Cần Thơ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này. Ðối với việc xin điều chỉnh Dự án 3, TP Cần Thơ phải đẩy nhanh tiến độ, sớm trình Trung ương xem xét điều chỉnh. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẵn sàng hướng dẫn, đồng hành cùng thành phố trong việc thực hiện Dự án.
Thời gian qua, Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ và các nhà thầu đã nỗ lực triển khai thi công các công trình trọng điểm, ưu tiên của Dự án 3, chủ yếu là thuộc hợp phần 1 và hợp phần 2. Ðó là công trình xây dựng cầu Quang Trung, xây dựng đường Trần Hoàng Na, xây dựng cầu Trần Hoàng Na, xây dựng kè sông Cần Thơ, xây dựng đường nối Cách mạng Tháng 8 đến đường tỉnh 918, cải tạo rạch Cái Sơn - Mương Khai, cải tạo hạ tầng đường Hoàng Quốc Việt…
Theo đó, một số hạng mục công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển thành phố như: cầu Quang Trung, đường Trần Hoàng Na. Trong đó, cầu Quang Trung (thuộc gói thầu CT3-PW-2.1 của Dự án 3, giá trị gói thầu hơn 218 tỷ đồng) đã thông xe vào cuối năm 2020.
Cầu Quang Trung góp phần tăng cường khả năng kết nối giao thông đô thị giữa quốc lộ 1A và các tuyến đường trung tâm, giảm tải lưu lượng xe qua các tuyến đường chính của thành phố, nhất là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ngoài ra, cầu Quang Trung còn đóng vai trò là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến với TP Cần Thơ.
Ngày 28/4/2021 vừa qua, Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ đã tổ chức lễ thông xe đường Trần Hoàng Na. Ðường Trần Hoàng Na (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cầu Trần Hoàng Na) có tổng chiều dài tuyến hơn 2,63km, lộ giới rộng 20-28m tùy đoạn.
Công trình này hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cùng với công trình cầu Trần Hoàng Na khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực quận Ninh Kiều với Khu đô thị Nam Cần Thơ, Bến xe khách trung tâm thành phố (quận Cái Răng)…, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố.