TP HCM dồn lực ngăn ngập

Xây dựng cơ chế xã hội hóa, thu hút đầu tư chống ngập nước là những định hướng được TP HCM đẩy mạnh thực hiện

Trong Đề án chống ngập và xử lí nước thải tại TP giai đoạn 2020-2045, cùng kế hoạch chống ngập và xử lí nước thải giai đoạn 2020-2030, vừa được Sở Xây dựng trình UBND TP HCM xem xét, hàng loạt giải pháp ngắn hạn và dài hạn được nêu ra nhằm khống chế ngập úng tại TP HCM. Lãnh đạo TP HCM đã cơ bản đồng ý với nhiều định hướng tại đề án này.

Triển khai hàng loạt dự án

Theo Sở Xây dựng TP HCM, mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020-2025 là TP sẽ thực hiện các dự án như nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại. Đồng thời xây mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Đông TP. Kế đến là thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm TP.

TP HCM dồn lực ngăn ngập - Ảnh 1.

UBND TP HCM yêu cầu Sở Xây dựng phải hoàn chỉnh quy trình vận hành các dự án chống ngập, đặc biệt là đối với các dự án chuẩn bị tiếp nhận. Trong ảnh: Cống ngăn triều Mương Chuối, thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. (Ảnh: Gia Minh).

Đặc biệt, Sở Xây dựng cũng cho biết sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 nhà máy xử lí nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nâng công suất nhà máy xử lí nước thải Bình Hưng giai đoạn 3 và mời gọi đầu tư các nhà máy xử lí nước thải còn lại. Đồng thời, các dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) cũng sẽ được tập trung đầu tư. Ngoài ra, TP sẽ triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát; cải thiện môi trường nước TP HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên.

Riêng trong giai đoạn 2026-2030, Sở Xây dựng cho biết sẽ thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. Đồng thời xây mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo qui hoạch cũng như đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính, chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà máy xử lí nước thải sinh hoạt tại các lưu vực dân cư đông như Bắc Sài Gòn, Tây Sài Gòn, Nam Sài Gòn...

Thu hút đầu tư

Sở Xây dựng TP thống kê giai đoạn 2016-2020, hàng loạt giải pháp chống ngập đã được triển khai, dù đạt được nhiều hiệu quả nhưng hiện trạng ngập nước tại TP vẫn rất phức tạp. TP HCM được đánh giá là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu cao nhất thế giới và dự báo khả năng kiểm soát ngập 100% là không thể thực hiện, chỉ có thể khống chế với chiến lược quản lí bền vững. Theo đó, trong nhiều nội dung ở Đề án chống ngập và xử lí nước thải tại TP thì nội dung cần đẩy mạnh xã hội hóa các dự án chống ngập được Sở Xây dựng đặc biệt chú trọng.

Đánh giá về nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng việc xây dựng cơ chế thu hút đầu tư trong thực hiện đề án chống ngập là điều cần thiết và cấp bách. Phó Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu Sở Xây dựng xây dựng ngay cơ chế này, đồng thời giao nhiều đầu bài về công tác chống ngập trong thời gian tới. Trong đó, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh mục tiêu quan trọng là phải giữ không để tái ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi, rộng 550 ha đã được giải quyết ở giai đoạn 2016-2020. Kế đến là phải tập trung giải quyết ngập một cách bền vững cho lưu vực trung tâm TP, rộng 106,41 km2. 

"Sở Xây dựng phải hoàn chỉnh quy trình vận hành các dự án chống ngập, đặc biệt là đối với các dự án chuẩn bị tiếp nhận, như dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng), đúng quy trình kỹ thuật để phát huy hiệu quả tốt nhất" - Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan yêu cầu.

Ông Võ Văn Hoan cũng đề nghị Sở Xây dựng tập trung hoàn chỉnh công tác qui hoạch các đồ án liên quan đến lĩnh vực thoát nước để làm cơ sở đưa vào Đồ án điều chỉnh qui hoạch chung TP. Trong đó lưu ý nghiên cứu qui hoạch thêm các vùng ngập tự nhiên, những vùng này kiên quyết quản lí tốt qui hoạch để phục vụ mục tiêu thoát nước. Với những khu đất giao cho nhà đầu tư, có xen cài đất của nhà nước quản lí thì kiên quyết yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện hồ điều tiết.

Xóa bao cấp là hợp lí

PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lí nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP HCM, nhìn nhận tình trạng ngập nước tại TP HCM nguyên nhân chính do cơ chế đô thị hóa không bền. Điển hình là sự ồ ạt của quá trình "bê-tông hóa", không tôn trọng quy luật tự nhiên, quy luật của hệ thống thoát nước. Từ hàng chục năm qua, ông Phi đánh giá việc đô thị hóa luôn đi trước, còn hệ thống thoát nước lại bao cấp và phải chạy theo để đối phó.

Theo ông Hồ Long Phi, đáng lẽ đô thị hóa tới đâu, hệ thống thoát nước phải đi tới đó, có gắn trách nhiệm của nhà đầu tư hoặc tính thành tiền để họ chi trả. Nhưng hiện nay ở các dự án, công trình, nhà đầu tư không hề bị ràng buộc trách nhiệm chi trả những chi phí kèm theo, có tác động và tạo gánh nặng cho xã hội như tình trạng ngập nước. "Tất cả những chi phí giải quyết phía sau lại do nhà nước phải chạy theo, loay hoay giải quyết. Đó là một bất cập lớn" - ông Hồ Long Phi nói.

Cũng theo PGS-TS Hồ Long Phi, vấn đề kỹ thuật không phải là khó nhất trong giải quyết ngập úng mà chính là cơ chế. Nếu tạo ra được một cơ chế đúng thì sẽ ngăn ngừa được những điểm ngập phát sinh và có thêm chi phí để giải quyết những điểm ngập hiện hữu, tạo điều kiện để đầu tư. 

Bên cạnh đó, ông Hồ Long Phi cũng đánh giá hiện kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng với hệ thống thoát nước, xử lí nước thải là quá nhỏ, dẫn đến hệ lụy càng đầu tư càng bất cập bởi "phình" thêm chi phí vận hành, duy tu, trong khi nguồn thu rất ít. 

Do đó, TP HCM cần phải có giải pháp thu phí thoát nước phù hợp, tăng phí theo đúng cơ chế thị trường. Ông Phi cho rằng phải xóa bỏ bao cấp trong việc chống ngập thì mới giải quyết được vấn đề căn cơ. Khi có cơ chế tính đúng, tính đủ, tư nhân cũng sẽ tự động tham gia và xã hội hóa được việc này. 

Khi cấp phép xây dựng, đặc biệt cấp phép cho các doanh nghiệp phải chú ý đến cao độ nền. Khi tổ chức nghiệm thu phải kiểm tra kĩ, bảo đảm chất lượng mới tiếp nhận công trình đưa vào sử dụng".

Ông VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TP HCM


Xử nghiêm công trình lấn dự án chống ngập

Văn phòng UBND TP HCM vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại buổi kiểm tra thực địa dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) - tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Trong nhiều nội dung chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP giao huyện Nhà Bè khẩn trương phối hợp Sở Xây dựng và các bên liên quan kiểm tra thực địa công trình xây dựng không phép của Công ty CP Kho cảng Xăng dầu hàng không miền Nam. Từ đó xem xét, xử phạt hành chính và cưỡng chế (nếu có). Đồng thời tháo dỡ, bàn giao mặt bằng và khôi phục hiện trạng nhằm tạo điều kiện tiếp tục triển khai dự án chống ngập. Liên quan đến những vướng mắc về mặt bằng thi công tại dự án chống ngập, ông Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các sở - ngành, địa phương tập trung hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai.

Trước đó, các đơn vị cho biết một công trình qui mô lớn thuộc Công ty CP Kho cảng Xăng dầu Hàng không Miền Nam xây dựng chồng lấn lên dự án chống ngập và qua kiểm tra lại không có giấy phép xây dựng.

Vật vã trên các cung đường ngập

Đường phố ngập sâu, xe chết máy la liệt… là cảnh tượng trên nhiều cung đường tại TP HCM những ngày qua sau vài trận mưa đầu mùa. Điển hình như chiều 4-6, hàng loạt tuyến đường tại quận Thủ Đức như Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Hiệp Bình..., ngập mênh mông. Nhiều đoạn dốc, nước cuồn cuộn chảy xiết, xô ngã nhiều xe máy. Xung quanh, người dân chật vật chèn bao cát, phủ bạt ngăn nước tràn vào nhà. Trước đó 1 ngày, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nhiều đoạn cũng ngập đến nửa mét, nhiều xe chết máy.

Ngập sâu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) sau cơn mưa chiều 3/6. (Ảnh: Gia Minh).

Ở những cung đường trên, không chỉ chịu ngập, hàng ngàn người còn tiếp tục mắc kẹt bởi dòng xe kẹt cứng khi đến giờ tan tầm trên tuyến đường khiến người lớn tả tơi, trẻ em bơ phờ,...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.