Trong tổng thể cơ cấu đầu tư, nhu cầu nguồn lực tài chính là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay đối với tỉnh Sóc Trăng; trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho phát triển kinh tế đối với không chỉ của tỉnh mà là của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế của Sóc Trăng, cũng như hoạt động đầu tư; đặc biệt là thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Dương Hoàng Sals, Cục trưởng Cục Thống kê Sóc Trăng xung quanh nội dung này.
- Phóng viên: Xin ông cho biết bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng?
Cục trưởng Dương Hoàng Sals: Tỉnh Sóc Trăng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với cơ cấu kinh tế đặc thù của tỉnh cũng như của vùng là sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Năm 2022, kinh tế tỉnh cũng như khu vực và cả nước tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ diễn biến của thế giới như lạm phát, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và xung đột vũ trang ở một số khu vực.
Đối với Sóc Trăng, hàng hóa chủ yếu cung cấp cho các khu vực trong cả nước và xuất khẩu, đặc biệt là chênh lệch xuất, nhập khẩu của tỉnh Sóc Trăng rất lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt 800 triệu USD, nhập khẩu 110 triệu USD – xuất khẩu gấp 3,7 lần so với nhập khẩu. Do đó, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tình hình thế giới diễn biến theo các chiều hướng bất lợi cho hàng hóa của tỉnh, sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là nông sản, sản phẩm chăn nuôi…
Chính vì vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các chính sách của Chính phủ và đặc thù của tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân và quyết tâm của doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất.
Từ đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng đạt 6,46% (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,87%, khu vực khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,86%, khu vực dịch vụ tăng 4,41% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,3%), xếp thứ 5 so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm qua của tỉnh.
Kết quả 8 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển khá, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát; lúa, hành tím, cây ăn trái, hoa màu và thủy sản vẫn là các sản phẩm chủ đạo của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; đặc biệt là cây lúa với giống “ST” là thương hiệu được công nhận quốc tế, có giá rất cao; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng trên 11%. Tuy nhiên, khai thác biển giảm do ảnh hưởng giá xăng, dầu tăng.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tháng 8/2022 tăng 14,09% so với tháng trước và tăng 44,25% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,91%.
Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 13,94% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,93%; chế biến thực phẩm tăng 13,58%; sản xuất trang phục tăng 17,03%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng diễn ra sôi động so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 44.141 tỷ đồng, tăng 24,52% so với cùng kỳ năm 2021. - Phóng viên: Trong bức tranh phát triển kinh tế khá toàn diện đó, hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Cục trưởng Dương Hoàng Sals: Với tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp và thủy sản, tỉnh Sóc Trăng xác định nông nghiệp là nền tảng, thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi cung ứng nông sản và chế biến các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, trong đó công nghiệp chế biến được ưu tiên đầu tư; riêng chế biến các mặt hàng thủy sản hiện chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và trên 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Bên cạnh lợi thế để phát triển mạnh và bền vững khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, Sóc Trăng với vị trí cuối lưu vực sông Hậu, giáp biển Đông, có 72km bờ biển, 3 cửa biển lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, rất thuận lợi cho phát triển giao thông thủy và các ngành kinh tế gắn liền với biển và ven biển.
Trong các năm qua, tỉnh ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư để phát triển mạnh khu vực công nghiệp và xây dựng vốn chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế và hiện một số dự án mang tính đột phá đã đi vào khai thác thương mại, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh. - Phóng viên: Thưa ông, hoạt động đầu tư và nhất là đầu tư công đóng vai trò như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo đó, Sóc Trăng có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công? Cục trưởng Dương Hoàng Sals: Vì qui mô nền kinh tế của tỉnh Sóc Trăng còn thấp (GRDP bình quân đầu người chỉ gần 53 triệu đồng), đồng thời do đặc thù là tỉnh nông nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 44%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,75%, trong khi đó để phát triển nhanh hơn trong các năm tới, ngoài việc củng cố phát triển khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng bền vững thì bắt buộc tỉnh phải chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh lĩnh vực công nghiệp.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngoài các yếu tố về điều kiện tự nhiên, lao động, tài nguyên, nhu cầu nguồn lực tài chính là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay đối với tỉnh Sóc Trăng; trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là rất quan trọng cho phát triển kinh tế đối với không chỉ của tỉnh Sóc Trăng mà là của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù, ngân sách của tỉnh vẫn còn khó khăn, hàng năm vẫn còn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương nhưng tỉnh Sóc Trăng đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hạ tầng du lịch, … bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh năm 2021 là 18.970 tỷ đồng (theo giá hiện hành), hệ số hiệu quả ứng dụng đầu tư (ICOR) bình quân 2015 – 2020 là 3,6 vì suất đầu tư vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay thấp hơn so với khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ.
Riêng năm 2021 và 8 tháng năm 2022, tỉnh Sóc Trăng tăng mạnh vốn đầu tư toàn xã hội; trong đó, tập trung cho hệ thống giao thông và các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh (hệ số ICOR năm 2021 đạt 7,8).
- Phóng viên: Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thưa ông, việc thực hiện Quyết định này sẽ tạo động lực cho Sóc Trăng phát triển như thế nào? Cục trưởng Dương Hoàng Sals: Mục tiêu của Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.
Điều này dựa trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, …
Quy hoạch đã xác định tầm nhìn chiến lược cho toàn vùng; phát triển các ngành, lĩnh vực không xung đột trong phát triển giữa các tỉnh; quy hoạch đã định hướng đầu tư các công trình, dự án mang tính toàn vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không.
Theo Quy hoạch, tỉnh Sóc trăng có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.
Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng có tính liên kết vùng như: tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; tuyến cao tốc trục dọc Thành phố Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng; khu bến Trần Đề (Cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long... sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh trong thời gian tới. - Phóng viên: Thưa ông, Sóc Trăng có giải pháp gì để triển khai nhanh, hiệu quả quy hoạch này?
Cục trưởng Dương Hoàng Sals: Tới đây, tỉnh Sóc Trăng sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Trong số đó, tỉnh sẽ ưu tiên phân kỳ đầu tư các công trình, dự án phát triển phù hợp với tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm của vùng như: tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; tuyến cao tốc trục dọc Thành phố Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng; khu bến Trần Đề (Cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực của tỉnh và lựa chọn các dự án đầu tư mang tính đòn bẩy, xúc tác, không xung đột. Ngân sách tỉnh ưu tiên bố trí đầu tư kết cấu hạ tầng mang tính kết nối với khu vực và các dự án ít hoặc không mang lại hiệu quả tài chính khi bỏ vốn đầu tư. Định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với 5 lĩnh vực ưu tiên: dịch vụ logistics cảng biển, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo. - Phóng viên: Xin cảm ơn Cục trưởng!
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.