Sớm khắc phục hạn chế, đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh cao tốc Bắc-Nam là dự án trọng điểm quốc gia, do vậy các địa phương, nhà thầu và đơn vị thi công cần phối hợp chặt chẽ sớm khắc phục tồn tại, hạn chế.

Thi công tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN).

Ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra hiện trường thi công các đoạn đường, hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc và nghe đại diện các đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo tiến độ, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các nhà đầu tư, đơn vị thi công, địa phương đã khắc phục khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công thực hiện dự án. Thứ trưởng lưu ý các đơn vị thi công chú ý đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong thi công.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, do vậy các địa phương, nhà thầu và đơn vị thi công cần phối hợp chặt chẽ sớm khắc phục tồn tại, hạn chế; đảm bảo chất lượng, an toàn trong thi công và tiến độ dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo đúng kế hoạch đề ra.

Đối với những kiến nghị của nhà đầu tư, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đã trực tiếp giải đáp tại buổi làm việc. Các nội dung kiến nghị có liên quan đến các lĩnh vực, bộ, ngành có liên quan đề nghị các nhà đầu tư cần phải đánh giá cụ thể, phân tích kỹ. Từ đó kiến nghị, tham mưu phương án thực hiện cho các đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, trình Chính phủ để có hướng giải quyết kịp thời.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc CTCP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Đây là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong ba dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) cao tốc Bắc - Nam. Nhưng, đây là dự án đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công tính đến thời điểm hiện tại.

Dự án khởi công vào ngày 30/11/2021, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án đạt 78,5/78,5km, hiện còn một số vướng mắc cục bộ đang giải quyết. Để đảm bảo tiến độ thi công, đơn vị đã huy động gần 1.500 người lao động phục vụ dự án, đồng thời đầu tư mua sắm, huy động máy móc, thiết bị đầy đủ cho các dây chuyền, các mũi thi công. Bên cạnh đó, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế cũng như đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công dự án.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có thời gian thi công 24 tháng, riêng hạng mục hầm Núi Vung là 30 tháng. Theo kế hoạch dự án sẽ dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023 (rút ngắn khoảng 3 tháng so với kế hoạch). Đến thời điểm hiện tại, phân đoạn từ Km92+260 - Km134 do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện đạt 19,61% giá trị sản lượng, vượt tiến độ 105%. Trong khi đó, phân đoạn Km54 - Km92+260 do Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 thực hiện được 13,2% giá trị sản lượng, chậm 25% so với kế hoạch.

Để hoàn thành đưa dự án vào vận hành khai thác sẽ còn nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc từ phía các cơ quan chức năng liên quan. Vì vậy, CTCP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 85 bổ sung nội dung hợp đồng khi chỉ số giá xây dựng trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá để tính dự phòng thì được điều chỉnh các loại vật liệu thiết yếu. Kinh phí Nhà nước không bố trí thêm cho dự án mà nhà đầu tư bỏ ra cho khoản trượt giá này và sẽ được điều chỉnh thời gian thu phí tương ứng.

 

Bộ Giao thông Vận tải cũng xem xét, chấp thuận điều chỉnh kết cấu mặt đường từ sử dụng mặt đường bêtông nhựa thường loại 60/70 thành kết cấu mặt đường polime để phù hợp với khí hậu nắng nóng quanh năm khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận với chi phí từ nguồn vốn VGF dự phòng của dự án.

CTCP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất bổ sung chi phí xử lý túi bùn từ nguồn vốn VGF dự phòng của dự án để các bên có cơ sở thực hiện. Đồng thời, chấp thuận vị trí trạm dừng kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại vị trí Km110+00; thống nhất giao nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án làm việc với địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chủ động ứng trước nguồn kinh phí thực hiện để đảm bảo tiến độ.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải xem xét đầu tư hoàn chỉnh nút giao kết nối đường ĐT 709 trong giai đoạn 1 của dự án và bổ sung một số đoạn đường gom dân sinh từ Km93+195 - Km93+520, Km94+560 - Km94+740 theo kiến nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận; chi phí phát sinh lấy từ nguồn vốn dự phòng VGF của dự án (ngoài hợp đồng BOT đã ký).

Để dự án hoàn thành đúng kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn hỏa tốc gửi liên danh Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư xây dựng Đèo Cả - Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 (các nhà đầu tư); CTCP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án) yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.