Sốt đất sân bay Quảng Trị: Có nơi từng bán 1 triệu đồng không ai mua được trả giá đến 700 triệu

Người dân xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, rất nhiều “cò” đất đến hỏi mua. Trước kia chưa có thông tin về quy hoạch đất để xây dựng sân bay, tất cả 3 ha đất trồng rừng tràm bán 1 triệu đồng cũng không ai muốn mua. Bây giờ đã có rất nhiều người trả giá 700 triệu.

Sốt đất từ Bình Phước đến Quảng Trị

Những năm gần đây, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều đợt sốt đất theo quy hoạch, không chỉ tại các dự án ở các thành phố lớn, mà còn xảy ra tại các địa phương khác như Đồng Nai, Thạch Thất (Hà Tây), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc,... 

Trong khoảng thời gian ngắn, Hớn Quản (Bình Phước) gây sốt với mức tăng giá gấp hai, thậm chí gấp ba trong vòng một tuần. Mới đây, đến lượt chính quyền huyện Gio Linh, Quảng Trị phải lên tiếng với mức tăng giá chóng mặt tại đây kể từ khi có thông tin quy hoạch sân bay.

Gio Quang, huyện Gio Linh là xã thuần nông cách thành phố Đông Hà khoảng 7 km. Theo TTXVN, việc mua bán đất ở xã Gio Quang có chiều hướng gia tăng trong khoảng một năm trở lại đây, khi mới có một số thông tin ban đầu về quy hoạch xây dựng sân bay Quảng Trị.

Nhưng tình trạng mua bán đất ở đây trở lên rầm rộ từ khoảng giữa tháng 2/2021, tức sau Tết Nguyên Tân Sửu 2021 đến nay.  

Những ngày này đi đến nhà ai, vào thôn nào ở xã Gio Quang cũng đều nghe người dân hỏi nhau về việc mua bán đất. Câu chuyện như: bán đất chưa, bán giá bao nhiêu?

TTXVN dẫn lời ông Lê Văn Quang, ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang kể trong niềm vui, gia đình vừa bán được 1,5 ha đất rừng ở khu vực dự kiến xây dựng sân bay với giá 370 triệu đồng. Giờ rất nhiều “cò” đất thường xuyên đến từng hộ dân để hỏi mua. 

Ông Bùi Xuân Mừng, ở xóm Đồng Đội 9, xã Gio Quang có 3 ha đất trồng rừng tràm ở gần vị trí xây dựng sân bay Quảng Trị. Từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, rất nhiều “cò” đất đến nhà ông Mừng hỏi mua.

Ông Mừng cho biết, trước kia chưa có thông tin về quy hoạch đất để xây dựng sân bay, tất cả 3 ha đất này bán 1 triệu đồng cũng không ai muốn mua. Bây giờ đã có rất nhiều người trả giá 700 triệu đồng cho 3 ha đất.

Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Gio Quang cho hay, từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, giá đất đã tăng lên 300 - 400 triệu đồng mỗi lô có diện tích 1,5 ha.

Ngay cả đất sản xuất đã cấp cho các hộ dân ở khu tái định cư để giãn dân của xã, cách vị trí xây dựng sân bay khoảng 2 km cũng đã được “thổi” giá lên từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng cho 3.000 m2.

Cũng theo ông Lê Văn Thông, việc chuyển nhượng đất là giao dịch dân sự và là quyền của người dân, chính quyền không thể can thiệp. Tình trạng rầm rộ mua bán đất ở khu vực làm sân bay tiếp diễn thì chính quyền địa phương quản lý không nổi.

Sốt đất sân bay từ Bình Phước đến Quảng Trị, giá đất tăng dựng đứng - Ảnh 2.

Khu vực dự kiến làm sân bay Quảng Trị ở huyện Gio Linh Quảng Trị. (Nguồn: Tuoitre).

Chính quyền lên tiếng cảnh báo

Thông tin từ TTXVN, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, quan điểm của huyện là không ủng hộ việc mua bán đất ở khu vực làm sân bay Quảng Trị.

Trước mắt, UBND huyện Gio Linh chỉ đạo chính quyền xã Gio Quang tập trung tuyên truyền, vận động người dân không chuyển nhượng đất và không nghe lời “cò” đất mà mua bán đất ồ ạt.

Đồng thời, huyện kiến nghị với tỉnh, đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục, cắm mốc diện tích đất quy hoạch làm sân bay để đưa vào quản lý. UBND tỉnh Quảng Trị cũng sẽ họp và sớm có văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

Trước mắt, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân, trước khi tiến hành chuyển nhượng đất nên gặp chính quyền để hướng dẫn và có thông tin đầy đủ.

Người dân cũng không nên đưa giấy tờ gốc chứng minh quyền sở hữu đất cho “người lạ” đến hỏi mua đất xem.

Ngày 10/3, tại Kỳ họp thứ lần 20, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị (giai đoạn 1).

Tổng diện tích khu vực dự án là trên 265 ha, trong đó đất dùng chung hơn 177 ha, đất khu hàng không dân dụng gần 88 ha, đất quân sự chưa thực hiện hơn 51 ha.

Cảng hàng không Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ xác định trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại quyết định số 236/QĐ-TTg năm 2018.

Ngày 26/1/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.

Đây là cảng hàng không nội địa, dùng chung cho mục đích dân dụng và quân sự có tổng diện tích hơn 316 ha tập trung chủ yếu xã Gio Quang và một phần ở xã Gio Mai thuộc huyện Gio Linh.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng trên 8.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Trị đang phấn đấu khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị trong năm 2021.

Hiện tại, Việt Nam có 22 sân bay dân sự, trong số đó có 13 sân bay nội địa và 9 sân bay quốc tế. Tuy nhiên chỉ mới có 6/22 sân bay đang hoạt động có lãi dựa theo báo cáo của ACV. Vì thế ngoài việc giải quyết được vấn đề về giao thông đi lại cho người dân thì tính hiệu quả về mặt tài chính của nhiều sân bay đáng được cân nhắc.

"Một sân bay được hình thành thực tế sẽ cần ít nhất 5 - 7 năm để hoàn thành kế hoạch và được phê duyệt, rồi xây dựng sẽ mất thêm 3 - 5 năm nữa. Như vậy, từ lúc khảo sát đến lúc khánh thành cũng gần 10 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Để vận hành trơn tru và thật sự thu hút đầu tư đáng kể thì cần 5 - 10 năm nữa”, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, đa phần người dân địa phương trước giờ bám vào nông lâm nghiệp như là để nuôi sống gia đình, việc bán đi những mảnh đất này không khác gì bán đi cần câu khi giờ họ đã mất đi nguồn thu nhấp chính.

Ông Khương cho rằng, đây là một vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp quản lý. Việc mọi người chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Nhìn chung thì rõ ràng hiện tượng sốt đất vẫn đang tiếp diễn và có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương từ việc họ mất đi nguồn thu nhập chính. Về lâu dài, thì nền kinh tế vĩ mô và xã hội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc lao động sản xuất.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.