Sức cầu thị trường địa ốc phía Nam vẫn yếu sau nhiều thông tin tích cực

Theo chuyên gia DKRA, chính sách hỗ trợ cho thị trường trong những tháng đầu năm vẫn chưa thể tác động mạnh mẽ đến thanh khoản bất động sản, người mua vẫn trong tâm lý chờ bắt đáy.

(Ảnh minh họa: H.Q).

Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP HCM và vùng phụ cận mới đây của DKRA cho biết, trong tháng 4, thị trường bất động sản TP HCM và vùng phụ cận chưa có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, phân khúc đất nền dự án ghi nhận nguồn cung mới giảm mạnh, chỉ tương đương 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Bình Dương chiếm chủ lực về nguồn cung với tỷ lệ đạt 76,1%.

Sức cầu thị trường ở mức thấp chỉ bằng 18% so với tháng 4/2022, tập trung chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2. Các chính sách chiết khấu mạnh tay cho phương án thanh toán nhanh (14% - 20%), hỗ trợ lãi suất/ân hạn nợ gốc,… được nhiều chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Theo chuyên gia DKRA, tín hiệu tích cực từ việc ngân hàng có dấu hiệu giảm lãi suất, cùng những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho thị trường trong những tháng đầu năm vẫn chưa thể tác động mạnh mẽ đến thanh khoản của thị trường thời gian qua, người mua vẫn trong tâm lý chờ bắt đáy. Mặt bằng giá sơ cấp phân khúc này vẫn đi ngang so với lần mở bán trước đó, thị trường thứ cấp không có nhiều biến động về giá so với tháng trước tuy nhiên thanh khoản vẫn rất trầm lắng. 

Với phân khúc căn hộ, nguồn cung thị trường đến từ 5 dự án (1 dự án mới, 4 dự án giai đoạn tiếp theo) với 568 căn hộ, giảm 77% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 59%, tương đương với 333 căn, giảm 84% so với cùng kỳ.Nguồn cung mới chủ yếu tập trung tại TP HCM (61%) và Bình Dương (39%). Các địa phương như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh không có nguồn cung mới.

DKRA cho biết, sức cầu chung thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ, lượng tiêu thụ tập trung ở một dự án mở bán tại khu Đông TP HCM. Trong khi các dự án tại Bình Dương chỉ hấp thụ được 16-21% giỏ hàng mở bán. Chính sách chiết khấu thanh toán nhanh tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng, cục bộ có dự án ghi nhận mức chiết khấu lên đến trên 52% giá bán niêm yết căn hộ.

Về giá bán, mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào, lãi vay, pháp lý,... Đà giảm giá bán trên thị trường thứ cấp chững lại với thanh khoản phục hồi nhẹ trước thông tin các chính sách gỡ vướng, hạ nhiệt lãi suất ban hành trong tháng.

Còn đối với phân khúc nhà phố, biệt thự, toàn thị trường có 4 dự án (1 dự án mới, 3 dự án giai đoạn tiếp theo) với 51 căn, giảm 97% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 6%, tương đương 3 căn, giảm đến 99,7%. Nguồn cung tập trung chủ yếu tại Long An (49%), Bình Dương (39,2%) và TP HCM (11,8%).

Đơn vị này đánh giá, sức cầu thị trường ở mức rất thấp, chỉ tương đương 0,3% so với tháng 4/2022, trong đó 100% lượng tiêu thụ tập trung tại Long An với 25 căn. TP HCM và Bình Dương không phát sinh giao dịch trong tháng.

Dự án mở bán trong tháng 4 có mức giá giảm trung bình 8-10% so với lần mở bán trước đó (khoảng 6 tháng). Chính sách chiết khấu lên đến 20%, cam kết thuê lại trong vòng 12 tháng được chủ đầu tư ưu tiên áp dụng nhầm kích cầu thị trường.

"Mặt bằng giá thứ cấp không có nhiều biến động so với tháng 3, thị trường vẫn xuất hiện phần lớn các giao dịch bán hòa vốn, cắt giảm lợi nhuận ở nhóm các nhà đầu tư có sử dụng vốn vay ngân hàng", DKRA cho biết.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.