Tái khởi động Km số 0 ở hồ Gươm: Chủ nhân ý tưởng nói gì?

Chủ nhân ý tưởng cột mốc Km số 0 tại Hồ Gươm - PGS. TS Hà Đình Đức cho rằng nên tổ chức thi thiết kế với tiêu chí cụ thể để lựa chọn kiến trúc của cột mốc.
tai khoi dong km so 0 o ho guom chu nhan y tuong noi gi
Chủ nhân ý tưởng cột mốc Km số 0 tại Hồ Gươm - PGS. TS Hà Đình Đức cho rằng nên tổ chức thi thiết kế với tiêu chí cụ thể để lựa chọn kiến trúc của cột mốc. Ảnh: Đoàn Lê

Nên thi tuyển phương án thiết kế cột mốc số 0

UBND TP Hà Nội vừa có thông báo số 56/TB-UBND về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp về triển khai dự án đầu tư “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”. Đáng chú ý là kết luận này có đề nghị nghiên cứu, bổ sung cột mốc Km số 0 tại vị trí đặt đồng hồ Thụy Sĩ.

Được biết, đây là ý tưởng của PGS.TS Hà Đình Đức (hay còn gọi là nhà rùa học) từ năm 2009. Vào thời điểm trên, ông là người khởi xướng việc xây dựng cột mốc số 0 ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội 2010.

Cụ thể, ông đề nghị UBND TP dựng một tháp “Hà Nội-km 0” bằng loại đá quý của Việt Nam tại khu vực hồ Gươm với diện tích khoảng 4-6m3 cao 3m. Trên tháp đó có Logo kỷ niệm và hai dòng chữ “Thăng Long - Hà Nội 1010- 2010”, “Hà Nội- km 0”. Vị trí được khuyến nghị là tại vườn hoa đối diện với Trung tâm thương mại Tràng Tiền. Theo ông Đức, cột mốc số 0 sẽ là tọa độ gốc của Hà Nội, là nơi xuất phát các con đường tỏa đi khắp mọi miền. Ông chia sẻ rằng, cột mốc số 0 rất cần thiết vì nó mang dấu ấn văn hóa, du lịch của Hà Nội.

Tại thời điểm mà PSG. TS Hà Đình Đức đề xuất ý tưởng thì có nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia ủng hộ. Cơ quan chức năng cũng ủng hộ đề xuất nhưng một vướng mắc thời bấy giờ là đặt cột mốc tại đâu.

Bởi lẽ, việc xác định địa điểm liên quan đến các cơ sở khoa học về địa lý, đồ bản, lịch sử, văn hóa có sự tính toán, đo đạc và xác định tọa độ chính xác. Không những thế, có một số ý kiến cho rằng đây là đề xuất "lãng phí, dễ phá vỡ cảnh quan của khu vực Hồ Gươm nói chung và Hà Nội nói riêng".

tai khoi dong km so 0 o ho guom chu nhan y tuong noi gi
Cột mốc Km số 0 tại khu vực hồ Gươm nếu được xây dựng xe là nơi khách du lịch "check in", chụp ảnh. Ảnh: Đoàn Lê

Sau 8 năm đưa ra ý tưởng, ngày 20/2, trao đổi với PV, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết rất vui trước chủ trương bổ sung cột mốc số 0 của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đã qua 8 năm nên có lẽ thiết kế của mình không còn phù hợp nữa.

"Đó là ý tưởng cá nhân của tôi. Nếu thành phố có chủ trương bổ sung cột mốc thì nên xin ý kiến người dân, các nhà khoa học, kiến trúc sư... để có những đóng góp cụ thể trước khi thực hiện", ông Đức nói.

Ngoài ra, PGS.TS Hà Đình Đức cũng cho rằng, TP nên tổ chức một cuộc thi để lựa chọn phương án kiến trúc cho cột mốc. Bên cạnh đó, theo ông Đức thì cuộc thi nên đưa ra một số tiêu chí mang tính định hướng như diện tích, phạm vi, chiều cao và thông tin trên cột mốc...

Ông cũng khẳng định rằng cột mốc số 0 không chiếm quá nhiều diện tích quanh hồ Gươm, cũng như sẽ không làm ảnh hưởng tới tổng thể không gian văn hóa quanh hồ Gươm. Ngược lại, nó sẽ góp phần làm hoàn thiện và tôn thêm vẻ trang trọng của không gian điểm đến hồ Gươm.

tai khoi dong km so 0 o ho guom chu nhan y tuong noi gi
Khu vực hồ Gươm sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Ảnh: Đoàn Lê

Khu vực hồ Gươm sẽ có nhiều thay đổi

Theo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp về triển khai dự án đầu tư “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, UBND Thành phố thống nhất chủ trương giao UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Cải tạo nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh hồ Hoàn Kiếm”.

Các hạng mục chính gồm: Cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh hồ Hoàn Kiếm; cải tạo hệ thống chiếu sáng trang trí xung quanh hồ Hoàn Kiếm; cải tạo, chỉnh trang cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm (trong đó, hạng mục cải tạo hệ thống chiếu sáng trang trí xung quanh hồ Hoàn Kiếm do Công ty cổ phần tập đoàn Mặt Trời tài trợ kinh phí thực hiện).

Khi hoàn thiện cần lưu ý các nội dung sau: Việc cải tạo chỉnh trang với hình thức đơn giản, dễ duy tu duy trì, sử dụng vật liệu bền vững, tăng giá trị thẩm mỹ các công trình trên cơ sở giữ lại nguyên các cây xanh hiện có, chỉ bổ sung cây hoa và thảm cỏ; cải tạo chỉnh trang các công trình (vỉa hè, đường dạo, trạm an ninh, giữ lại tường rào đền thờ Vua Lê...); nghiên cứu bổ sung một số hạng mục (cột mốc số (0) tại vị trí đặt đồng hồ Thụy Sĩ, nhà vệ sinh di động, các quầy bán hàng di động, tủ bán hàng di động, điểm đặt cây nước uống công cộng...).

tai khoi dong km so 0 o ho guom chu nhan y tuong noi gi
Phố đi bộ xung quanh hồ Gươm đang là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Đoàn Lê

Nghiên cứu cải tạo kiot bán cafe (trước cửa trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm) thu gọn quy mô phục vụ (hoặc giải phóng để làm công viên cây xanh); nghiên cứu nội dung thiết kế cải tạo vỉa hè (lát đá toàn bộ hay cải tạo bổ sung), ghế ngồi xung quanh một số gốc cây, ghế ngồi khu vực tàu điện (theo ý kiến của Cục bảo tồn di sản - Bộ Văn hóa TT&DL); chỉ thiết kế, lắp đặt 06 quầy bán hàng theo toa xe.

Nghiên cứu giải pháp hút bùn thải, nâng cao chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm. Quá trình triển khai thực hiện dự án cần lựa chọn được các đơn vị thi công có kinh nghiệm, công nhân có tay nghề cao; lựa chọn kỹ lưỡng chủng loại, quy cách vật liệu thi công hoàn thiện đảm bảo tương xứng với yêu cầu chất lượng, mỹ thuật công trình trong khu vực di tích cấp quốc gia đặc biệt.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.